(Congannghean.vn)-Nếu là dân xứ Nghệ trong những năm tháng ấy, hẳn ai cũng biết đến nữ nghệ sĩ cải lương tài danh nức tiếng Hoa Hạnh - người làm sống dậy sân khấu với những vai diễn có “lửa”, khiến trái tim hàng nghìn khán giả thổn thức khôn nguôi. Có lẽ vì hóa thân vào những nhân vật nhiều khổ đau, ngang trái như cô Kiều (Thúy Kiều), cô Lựu (Đời cô Lựu), Tám Bính (Bỉ Vỏ) nên cuộc đời Hoa Hạnh cũng lắm vất vả, truân chuyên. Dẫu vậy, đi hết 61 mùa xuân, tình yêu thủy chung với nghệ thuật vẫn là cánh diều nâng đỡ cô vượt lên mọi thăng trầm của kiếp người…
Hoa Hạnh đẹp lộng lẫy trong vai Thơ Mây |
Đam mê lớn dần từ mơ ước của cha
Nghệ sĩ Hoa Hạnh (tên thật là Hoàng Thị Hạnh) sinh năm 1953 ở TP Vinh. Tuổi thơ của cô lớn lên cùng với giọng hát trầm, vang của người cha là bộ đội. Ông không chỉ hát hay mà còn rất đam mê ca hát. Ông là người truyền cho Hoa Hạnh tình yêu và động lực theo đuổi con đường nghệ thuật. Năm Hoa Hạnh học lớp 7 ở khu sơ tán Nghĩa Đàn thì Đoàn Cải lương Hòa Bình (tiền thân của Đoàn Cải lương Nghệ An sau này) mở đợt tuyển diễn viên. Được sự cổ vũ của cha, cô nộp đơn xin vào Đoàn.
Ngày thi, vì quá lo lắng, Hoa Hạnh run rẩy hát được nửa bài thì bật khóc. Thế nhưng, lẫn trong sự vụng về, khờ dại của tuổi 16, người ta đã nhận ra ở cô hương sắc của một đóa hoa sắp đến thì nở rộ. Và sớm thôi, những non nớt buổi đầu ấy sẽ nhường chỗ cho một tài năng thiên phú tỏa sáng trên sân khấu. Vậy là Hoa Hạnh đã trúng tuyển. Từ đây, duyên phận với cải lương đã đưa cô đến những chân trời mới.
Mới vào Đoàn 6 tháng, Hoa Hạnh đã được tin tưởng giao cho vai chính đầu tiên là nữ tướng Triệu Thị Trinh, trong vở “Triệu Trinh Nương”. Đây là vai diễn “nặng kí” cho một cô gái mới 16 tuổi. Tuy vóc dáng bé nhỏ nhưng khi đứng trên sân khấu, Hoa Hạnh đã làm bừng lên khí khái, bản lĩnh của một nữ tướng xứ Nam xưa. Đêm diễn ấy kết thúc thật rực rỡ. Các anh bộ đội ào đến bế bổng cô diễn viên nhỏ bé lên trong tiếng vỗ tay vang dậy của khán giả. Giây phút đó Hoa Hạnh rưng rưng nhớ đến người bố nơi phương xa. Cô tự nhủ lòng, vậy là mơ ước của cha đã trở thành hiện thực. Từ đây, cải lương thực sự trở thành cái duyên, cái nghiệp vận vào đời cô, như là máu thịt, là hơi thở chẳng thể tách rời…
Bao nhiêu vai diễn, bấy nhiêu cực lòng
25 năm trên sân khấu cải lương, Hoa Hạnh từng được ví như một tượng đài. Gần 50 vai diễn, hàng trăm lần đứng trên sân khấu từ Nam ra Bắc, cô đã khắc sâu vào tâm trí khán giả cả nước hình ảnh một người nghệ sĩ toàn tài, có sức lay động hiếm có. Dường như vai diễn nào của Hoa Hạnh cũng khiến người xem phải khóc, cười, buồn, vui thật lòng, mà thường buồn nhiều hơn vui. Từ cô Lựu trong “Đời cô Lựu”, cô Kiều trong vở “Kiều”, bà mẹ Hảo trong “Nhân danh vào công lý”, đến Chi Ô Sau trong “Cô gái phù tang” hay nàng vũ nữ Thơ Mây trong “Hai phương trời thương nhớ”…, Hoa Hạnh đều hóa thân rất “ngọt” vào những kiếp “hồng nhan bạc mệnh”, sống hoang hoải với những khổ đau, long đong, ngang trái.
Còn nhớ năm ấy, 25 đêm công diễn vở cải lương “Đời cô Lựu”, rạp 12/9 (TP Vinh) đều “cháy” vé rất nhanh. Hàng trăm người nô nức xếp hàng vào xem Hoa Hạnh diễn, rồi cũng từng ấy người ngơ ngẩn bước ra, hồn vía như vẫn còn ở lại thổn thức cùng nhân vật. Có lẽ vai cô Lựu là một trong những vai diễn để đời của Hoa Hạnh, không chỉ giúp cô giành được giải B danh giá của Hội diễn “Tiếng hát cải lương toàn quốc” mà còn đưa cái tên Hoa Hạnh đến gần với đông đảo quần chúng nhân dân. Có những kỉ niệm rất vui về “sự nổi tiếng” của cô hồi đó. Mỗi lần sau buổi diễn, xe chở Hoa Hạnh đều bị bao vây bởi người hâm mộ, nhiều người còn chạy theo xe đòi nhìn mặt nghệ sĩ. Hay mỗi lần ra chợ Vinh, cô đều được các bà, các chị nhận ra và gọi “Hoa Hạnh ơi”, rồi ào đến chia sẻ tình cảm mến mộ rất nhiệt thành.
Nghệ sĩ Hoa Hạnh, nữ hoàng sân khấu cải lương một thời |
Nổi tiếng, danh vọng là thế nhưng trong đời thực Hoa Hạnh lại gặp nhiều vất vả, bởi lẽ “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Sinh ba đứa con nhưng nghỉ đẻ đứa nào cũng chưa đầy một tháng là cô đã phải tất tả lên sân khấu. Những lần sắp đến kỳ sinh nở vẫn phải cắn răng nịt bụng để vào vai cô Kiều; những lần mang theo con nhỏ đi công diễn ở các tỉnh biên giới phía Bắc; những lần vì công việc mà phải dầm sương, dầm nước lụt, dù biết rằng sau khi sinh người phụ nữ phải giữ gìn rất nhiều. Bố mẹ bận đi công diễn quanh năm nên các con đều gửi về cho ông bà nội ngoại. Nhà nội ở quê nên mỗi lần về thấy con quần áo rách rưới, chân trần mò cua giữa cánh đồng chang nắng là tim Hoa Hạnh lại nhói đau như bị dao cứa.
Thế nhưng, cải lương đã là cái nghiệp của đời, như trúng bùa mê, cô lại càng dấn thân sâu hơn, thăng hoa hơn trong con đường nghệ thuật. Nhiều đêm trước buổi diễn, ru con ngủ xong, Hoa Hạnh lại đứng nhìn mình trong gương, tự trau chuốt từng câu hát, từng cử chỉ, từng điệu khóc, cười. Cứ say sưa như thế cho đến khi mặt trời ló dạng, một ngày mới sang, cô lại vội vàng thay đồ diễn để lên sân khấu. Cô tâm sự: “Người nghệ sĩ đứng trên sân khấu diễn hay hay diễn dở chẳng giấu vào đâu được. Đôi mắt khán giả sáng như ngọn đèn. Nhìn vào đó để tự soi xét mình, để nhắc mình phải làm thật tốt…”.
Giờ đây, khi ráng chiều đã phơi bạc trên mái tóc, khóe mắt năm nào đã in dấu thời gian, người nghệ sĩ tài sắc một thời ngồi trước mặt tôi vẫn còn đẹp lắm. Cái đẹp của người nhân danh nghệ thuật để tỏa sáng, để cống hiến và tô thắm cho đời chút nhạc, chút thơ. Hoa Hạnh cười, tâm sự mà như tự nói với mình: “Thời vàng son đó đã qua lâu rồi…”. Nhưng tôi biết, hình ảnh của cô vẫn còn rực rỡ mãi trong hoài niệm của rất nhiều người hôm nay.
.