Văn hóa - Giáo dục

Thầy giáo trẻ đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật

09:52, 10/01/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Hơn 7 năm đứng trên bục giảng, ngoài giảng dạy, thầy giáo Phạm Quang Thành đã dành nhiều thời gian nghiên cứu sáng tạo nhiều công trình khoa học kỹ thuật hiện đại, có tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Những công trình của thầy đã giành được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi sáng tạo khoa học công nghệ các cấp. 
 
Thầy Phạm Quang Thành với mô hình pha sơn tự động
Thầy Phạm Quang Thành với mô hình pha sơn tự động
Thầy giáo Phạm Quang Thành, giảng viên Khoa Điện công nghiệp, Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc nói vui với tôi rằng, thầy đến với nghề dạy học vì bị “lôi kéo”. Theo lời thầy Thành, thầy có người bạn học chung lớp đại học công tác ở đây. Trong một lần bạn dẫn đi tham quan trường học và các thiết bị máy móc hiện đại, thầy Thành đã bị cuốn hút. Bởi đối với một người “nghiện” khoa học kỹ thuật như thầy thì được tiếp xúc, mày mò với các thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ mới là một sở thích và niềm đam mê bất tận. Sau lần ấy, thầy xin vào giảng dạy tại Trường. Trong suốt 7 năm đứng lớp, thầy Thành luôn chứng tỏ được năng lực chuyên môn cũng như tâm huyết nghề nghiệp đối với các đồng nghiệp và học trò. 
 
Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, sau khi ra trường, thầy làm việc cho một số doanh nghiệp ở ngoài. Dù công tác ở môi trường nào, thầy Thành đều dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, sáng tạo nhiều thiết bị khoa học phục vụ cho công việc của mình.
 
Sau khi về trường nghề, trên cương vị là một thầy giáo, ngoài giảng dạy thầy còn tìm tòi, sáng chế ra nhiều công trình khoa học phục vụ việc giảng dạy, vừa nâng cao 
kiến thức cho bản thân, vừa giúp các sinh viên có thêm trang thiết bị để học tập, thực hành. Một trong những công trình có tính ứng dụng thực tiễn cao, đó là mô hình giám sát hệ thống cấp nước sạch tự động. Thay vì phải bơm nước lên các bể chứa nước thì công trình này sẽ bơm trực tiếp vào các đường ống, vừa tiết kiệm điện, vừa giá thành rẻ. Mô hình này đã được áp dụng vào hệ thống bơm nước trên toàn địa bàn thành phố, vào từng khu dân cư, các khu chung cư… 
 
Mới đây nhất, thầy Thành đã cùng với người bạn đồng nghiệp của mình là thầy giáo Nguyễn Minh Sự cùng sáng chế mô hình pha sơn tự động. Mô hình đã đạt giải Nhất Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc tại Nha Trang và đạt giải Ba sáng tạo khoa học công nghệ. Mô hình pha sơn tự động lấy ứng dụng bộ điều khiển lập trình PLC và kết hợp máy tính, màn hình cảm ứng và cảm biến áp suất để thực hiện việc điều khiển, giám sát pha sơn.
 
Thầy Thành cho biết, sơn có nhiều màu nhưng cơ bản vẫn là 3 màu đỏ, lục, lam. Sở dĩ thầy có ý tưởng sáng chế ra mô hình vì bạn của thầy làm trong lĩnh vực này. Lâu nay, việc pha sơn vẫn được thực hiện theo hình thức thủ công, phải dành nhiều thời gian cho pha màu mà sản phẩm thực tế lại không cho màu chính xác như mẫu mã. Vì vậy, thầy Thành luôn ấp ủ mong muốn tìm ra một loại thiết bị pha sơn tự động. Sau hơn 3 tháng thiết kế, xây dựng, sáng tạo mô hình, thầy Thành và thầy  Sự đã sáng tạo ra công trình pha sơn tự động. Với mô hình này, chỉ cần nhập mã màu vào máy tính, máy sẽ tự động tính tỉ lệ giữa 3 màu chính để cho ra màu phù hợp nhất. Công trình pha sơn tự động gồm có 1 bể trộn, 3 bể chứa 3 màu cơ bản, bể chứa nước thải, hệ thống bơm màu, thiết bị điều khiển… 
 
“Trong quá trình thiết kế và thực hiện mô hình, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do một số thiết bị đắt tiền, phải đặt hàng nhiều ngày, hay trong quá trình viết chương trình kết nối xảy ra nhiễu nên việc xử lý nhiễu gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ có sự giúp đỡ của các đồng nghiệp và sự tham gia tích cực của các sinh viên nên công trình đã hoàn thành sớm và có chất lượng tốt”, thầy Thành chia sẻ. Thầy Trần Đại Quân, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc cho biết, thầy Thành là một giáo viên trẻ nhiệt huyết và có năng lực, là một trong những người có nhiều công trình nghiên cứu sáng tạo giành được giải cao trong các kỳ thi. 
 
Tận tụy, đam mê, sáng tạo trong công việc nhưng mục đích lớn nhất của thầy Phạm Quang Thành đó là những công trình của mình có thể giúp ích cho sinh viên, để họ được tiếp xúc, làm quen với các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại. Bởi theo thầy, quá trình học tập ở nhà trường và khi ra làm việc khác nhau rất nhiều. Nếu không được thực hành, liên hệ thực tiễn thì sinh viên ra trường sẽ rất khó để tiếp cận với công việc. Bởi vậy, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên phải thực hành, tiếp xúc càng nhiều với máy móc thì tay nghề sẽ càng cao. 

Huyền Thương

Các tin khác