Văn hóa - Giáo dục
Phong tục cưới hỏi đặc sắc của đồng bào Thái
09:47, 05/01/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Chuyện hôn nhân của các cặp nam nữ thanh niên khi trưởng thành từ bao đời nay đã trở thành quy luật của toàn xã hội. Cũng như những đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng miền khác, đối với đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An, việc cưới hỏi có những quy ước rất chặt chẽ, được thể hiện thông qua các nghi lễ, nghi thức, dần trở thành một nét văn hóa đặc sắc được giữ gìn cho đến ngày nay.
Một sáng mùa đông buốt lạnh, chúng tôi theo chân ông Phan Xuân Chín, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ về gặp một số người Thái để tìm hiểu phong tục cưới hỏi của đồng bào dân tộc nơi đây. Cũng như nhiều dân tộc anh em khác ở Nghệ An, từ xa xưa, trai gái người Thái đến tuổi trưởng thành được chủ động tìm bạn đời cho mình.
Theo tục lệ cũ, nghi thức cưới hỏi của dân tộc Thái được tiến hành qua nhiều bước. Đôi trẻ sau một thời gian tìm hiểu, mong muốn đi đến hôn nhân sẽ báo cho bố mẹ hai bên cùng biết. Sau đó, hai bên tiến hành nghi lễ “Dướn dăng” (có nghĩa là Lễ dạm ngõ), tức là nhà trai sang nhà gái để hỏi vợ cho con. Trong buổi dạm ngõ, sau khi gia đình hai bên đã ưng thuận, sẽ thống nhất với nhau ngày lành, tháng tốt để tổ chức đám cưới. Một phong tục hết sức đặc biệt của đồng bào Thái đó là từ ngày dạm ngõ cho đến ngày cưới, bắt buộc tháng nào, bên nhà trai cũng phải đưa lễ gồm rượu, cơi trầu… sang thăm nhà vợ. Nghi thức này người Thái gọi là “Pay gia mươn” (có nghĩa là “Thăm tháng”).
Người dân tộc Thái đang kể về phong tục cưới hỏi của đồng bào nơi đây cho phóng viên |
Trong hôn nhân của người Thái còn có tục Thách cưới. Trước đây, nhà gái thách cưới nhà trai 2 nén bạc và 1 con nghé, thì nay đã được thay bằng tiền mặt. Trong trường hợp nhà gái thách cưới cao hơn thì cô dâu phải chuẩn bị nhiều đồ đạc, nữ trang bỏ trong một cái gùi (còn gọi là “bế”). Đến ngày rước dâu, một nữ thanh niên bên nhà trai đảm nhận việc khiêng cái gùi này về nhà chú rể.
Điều khác biệt trong phong tục cưới hỏi của người Thái với các đồng bào dân tộc khác là trong thời gian chờ đến ngày cưới, nhà gái phải chủ động sắm sửa hết mọi thứ, từ dệt vải, thêu thùa, mua váy, khăn đội đầu, chăn, gối, nệm… Bên họ nhà trai có đầy đủ ông bà, bố mẹ, anh chị, o chú, bác thì bên nhà gái phải chuẩn bị đầy đủ quà cáp cho từng người như gối, nệm, quần áo… Nhà gái sắm được bao nhiêu đồ thì nhà trai phải chuẩn bị người khiêng lễ gấp đôi. Chẳng hạn, nhà gái mua 4 cái nệm thì nhà trai phải chuẩn bị 8 nam thanh niên đến khiêng về.
Cô gái Thái thêu thùa để chuẩn bị hành trang cho việc lấy chồng - Ảnh minh họa |
Trong khoảng thời gian chờ đến ngày tổ chức hôn lễ, thì việc hết sức quan trọng của họ nhà trai đó là chọn người làm ông mối. Người Thái rất coi trọng vai trò của ông mối, không chỉ có ý nghĩa trong lễ cưới mà còn mang dấu ấn trong cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ về sau. Vì vậy, đòi hỏi ông mối phải là người hiểu biết nhiều, có tài tổ chức và đối đáp giỏi, gia đình hạnh phúc vẹn toàn, sống mẫu mực và có uy tín trong cộng đồng.
Đến buổi đón dâu, đoàn nhà trai phải vượt qua nghi lễ “Tát nước” mà bên nhà gái đã chuẩn bị sẵn. Các thanh niên bên nhà gái đựng nước trong các xô, chậu... chờ khi nhà trai vừa bước vào cổng, nhà gái sẽ hất và khoát nước làm cho nhà trai bị ướt, nhất là tập trung vào ông mối và chú rể. Lúc này, bên nhà trai phải xin bên nhà gái không tát nước nữa, còn chú rể vào nhà thay quần áo, để tiếp tục tiến hành một nghi thức khác, đó là nghi thức Quỳ lạy. Ông mối dọn lễ gồm cơi trầu, rượu… giới thiệu các thành viên trong gia đình nhà trai.
Chú rể lúc này sẽ mời rượu và quỳ lạy ông bà, bố mẹ, tổ tiên bên nhà gái. Trong lúc chú rể quỳ lạy, nhà gái bất ngờ xông vào xô ngã chú rể cốt để chú rể không thể quỳ lạy thành công. Vì vậy, để thực hiện thủ tục quỳ lạy thành công thì bên nhà trai sẽ phải cẩn thận bố trí những thanh niên to khỏe đứng bảo vệ trước cửa không cho nhà gái xô chú rể. Đây chính là một trong những nét văn hóa cưới hỏi rất đặc sắc của dân tộc Thái không lẫn với các đồng bào dân tộc khác.
Sau khi hoàn tất nghi thức quỳ lạy, cho dù nhà có xa xôi tới đâu thì bên nhà trai cũng phải ở lại nhà gái tổ chức ăn uống qua đêm đến rạng sáng mới được phép rước dâu đi. Theo quan niệm của người Thái, thời điểm này là lúc quy tụ nhiều tinh túy của đất trời, cuộc sống vợ chồng sẽ hạnh phúc, may mắn, còn ban ngày thường có nhiều linh hồn quỷ dữ lang thang vất vưởng sẽ theo về phá hoại hạnh phúc của đôi tân lang, tân nương.
Trong thời gian chờ đến giờ đưa dâu, ông mối làm lễ “Phúc beeng” (gọi là Lễ tơ hồng) với lễ vật gồm gà, xôi, cơi trầu, trứng gà… vào lúc nửa đêm hay rạng sáng. Ông mối chuẩn bị 1 hũ rượu cần và 2 vòi uống rượu, trên vòi buộc 1 sợi dây gai, rồi cô dâu, chú rể cùng nhau uống rượu. Sau đó, chia cho cô dâu, chú rể mỗi người ăn 1 đùi gà và 1/2 quả trứng gà luộc với ý nghĩa đưa dâu ra khỏi nhà thuận lợi, cuộc sống hai vợ chồng mãi gắn bó, keo sơn.
Khi nhà trai đưa dâu về làng, trong trường hợp chưa đến giờ đẹp đã được ấn định từ trước để đưa dâu vào nhà thì đoàn rước dâu gửi cô dâu ở bên nhà hàng xóm. Chờ đến đúng giờ, mới đưa dâu vào nhà. Khi bước chân vào nhà, cô dâu và chú rể tiếp tục trải qua nghi lễ “Rửa chân”. Lúc này, ông mối ngồi sẵn ở dưới chân cầu thang, chuẩn bị 1 chiếc nồi bằng đồng có 2 quai đựng nước bên trong và 1 gáo dừa. Khi cô dâu, chú rể bước một chân đầu tiên lên bậc cầu thang thì ông mối lấy gáo dừa múc nước từ trong nồi đồng rửa chân cho cô dâu, chú rể. Lúc này, cô dâu, chú rể mới được bước chân vào nhà. Trước đó, nhà trai đã dọn 1 phòng riêng trong nhà cho họ nhà gái ở, mà độc đáo là căn phòng này chỉ cho phép phụ nữ bên họ nhà gái ở mà thôi.
Tiệc cưới được bắt đầu! Nhà trai đã chuẩn bị các mâm cơm (gọi là “Pàn pở”) để tiếp đón nhà gái và khách khứa. Trong đám cưới của dân tộc Thái, bên nhà trai có nhiệm vụ thực hiện tất cả các món ăn mà nhà gái yêu cầu. Thiếu món gì thì đích thân chú rể phải tự phục vụ theo đúng yêu cầu của nhà gái. Lúc này, chú rể đưa cô dâu đi chúc rượu từng người trong gia đình hai bên và các quan khách. Trong đám cưới, các đôi nam nữ hai bên hát khắp, hát đối đáp giao duyên. Lời ca, tiếng hát, tiếng nhạc hòa quyện vào nhau. Và từ đây, đã có biết bao nhiêu đôi trai gái phải lòng nhau và đi đến hạnh phúc.
Sau khi đám cưới kết thúc, phụ nữ cả hai bên nội, ngoại có nhiệm vụ vào phòng tân hôn để mắc màn, trải chiếu, nệm cho cô dâu, chú rể. Một phụ nữ khéo léo được chọn ngồi trên giường tân hôn, ôm một chiếc gối làm động tác ru con, với ý nghĩa mong hai vợ chồng sau này con đàn cháu đống, mãi mãi được hạnh phúc… Mọi việc đã xong xuôi, họ nhà gái trở về, chỉ có cô dâu và một phụ dâu qua đêm ở nhà trai. Một đặc trưng riêng trong hôn nhân của người Thái là ngay trong đêm đầu tiên ở nhà trai thì cô dâu chưa được ngủ cùng chú rể, mà phụ dâu ngủ cùng cô dâu. Phụ dâu sẽ ở lại nhà trai chờ cho đến khi chú rể cùng cô dâu lại mặt nhà ngoại thì phụ dâu mới được đi theo về. Trong ngày lại mặt nhà ngoại, cả chú rể và cô dâu phải trở về nhà trai trong ngày, không được ở lại qua đêm bên nhà ngoại.
Cụ Lê Văn Cử, người dân tộc Thái ở xóm Giang, xã Nghĩa Thái kể cho chúng tôi nghe: “Trước đây, người Thái còn có tục trộm vợ. Tục lệ này cho phép đôi trai gái nào yêu nhau mà cha mẹ bên gái không đồng ý cuộc hôn nhân này, thì chàng trai có thể tổ chức “trộm” vợ về nhà và bỏ sẵn lễ vật gồm rượu, cơi trầu… trên đầu giường nơi cô gái nằm, để khi bố mẹ nhà gái thấy sẽ biết con gái mình đã có chàng trai đến bắt đi. Ngày hôm sau, bố mẹ nhà trai sẽ chủ động sang nhà gái báo cáo về việc con trai mình đã bắt con gái của họ và xin phép cho đôi trẻ được chọn ngày lành, tháng tốt tổ chức lễ cưới.
Tuy nhiên, tục lệ trộm vợ cho đến ngày nay không còn nữa. Lễ cưới hỏi của người Thái chúng tôi hiện nay tuy đã giảm thiểu những thủ tục rườm rà, phức tạp như không còn tục thăm tháng, tát nước bẩn, tục rửa chân… cho phù hợp với thời đại mới, nhưng vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa cưới hỏi của đồng bào Thái. Chính những nghi lễ mang đậm dấu ấn văn hóa và tín ngưỡng trong việc cưới hỏi của người Thái đã có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống vợ chồng. Họ sống rất chung thủy với nền tảng gia đình bền chặt. Đó cũng là những nét đẹp trong đời sống văn hóa - xã hội hôm nay mà chúng ta cần giữ gìn, phát huy và trân trọng.
Hằng Nga