(Congannghean.vn)-Nghệ sĩ Trần Thị Kim Tân đã có 6 thập kỷ say mê, gắn bó với nghệ thuật chèo, tham gia hàng trăm vai diễn, giành 4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và đào tạo ra nhiều lứa học trò tài năng. Công chúng nhớ đến bà không chỉ bởi lối diễn xuất tài hoa, chân thực mà còn bởi sự kiên trì, khổ công, đam mê hết mình với nghề.
58 năm nên duyên với chèo
Nghệ sĩ chèo Kim Tân sinh ra ở Phủ Quỳ, nay là thị trấn Nghĩa Đàn. Bố mẹ là người Bắc Hà (Hà Nam), di cư vào xứ Nghệ để làm ăn, sinh sống. 13 tuổi, Kim Tân được chọn vào đội tuyên truyền huyện Nghĩa Đàn, tham gia biểu diễn nhiều nơi trong tỉnh. Với dáng người cao ráo, mái tóc đen dài và chất giọng ngọt ngào của miền Bắc, bà được giao cho nhiều vai chèo quan trọng.
Năm 1957, trong Hội diễn Văn nghệ quần chúng do Ty Văn hóa Nghệ An tổ chức, tiếng chèo của Kim Tân đã lọt vào “mắt xanh” của nhạc sĩ Thanh Tùng. Ông lặn lội đường xa đến nhà xin phép cho cô gái trẻ vào Đoàn Văn công Nghệ An để thỏa ước mơ ca hát. Vào Đoàn, bà đã nổi danh ngay trong vai diễn đầu tiên “Cô Mai bên giếng nước”. Sau đó, với hàng loạt vai chèo như bà Ương (trong vở “Vườn cam”), Mẹ Cám (Tấm Cám), Thị Mầu (Thị Mầu lên chùa), Xúy Vân (Xúy Vân giả dại)…, giọng chèo Kim Tân ngày càng trưởng thành, biến hóa linh hoạt, khi xênh xang, đón đưa, lúc mượt mà, đằm thằm khiến không ít người say mê.
Năm 1963, với vai diễn Mẹ mõ trong vở “Cô gái sông Lam”, Kim Tân giành Huy chương Bạc đầu tiên trong Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Hà Nội. Đây chính là dấu mốc mở ra nhiều thành công trong cuộc đời làm nghệ thuật của bà. Thử sức với vai trò đạo diễn, bà giành thêm 6 Huy chương Vàng và 1 Giấy khen đặc cách cho các vở “Chiếc áo phin” (1962), “Tham bát bỏ mâm” (1979), “Nhà trẻ mẫu giáo” (1981), “Con cà con kê” (1981), “Khi cơn bão đến” (1985), “Nghịch cảnh quán bồng lai” (1993).
Về hưu, Kim Tân dành trọn thời gian cho công việc sáng tác. Nhiều vở chèo mang đậm tính chính luận - xã hội nóng bỏng như “Matxa tại nhà”, “Cạm bẫy”, “Hoa độc dược”, “Lên phố”, “Hú vía”… đã được bà “thổi lửa”, trở thành món ăn tinh thần được quần chúng ưa chuộng. Năm 1993, bà mắc bệnh hiểm nghèo, phải trải qua 6 lần phẫu thuật, xạ trị nhưng chính niềm đam mê với nghề đã tạo động lực để bà chiến đấu với bệnh tật và tiếp tục công việc.
Kỷ niệm khó quên trong ba lần gặp Bác Hồ
Nghệ sĩ Kim Tân đang biểu diễn một điệu chèo cổ |
Nghệ sĩ Kim Tân chia sẻ, niềm vui lớn nhất trong đời đi diễn của bà là ba lần được gặp gỡ và trò chuyện với Bác Hồ. Lần thứ nhất vào năm 1957, trong Hội diễn mừng Bác về thăm quê. Bác mặc bộ quần áo kaki màu nâu giản dị, ngồi ở hàng ghế đầu tiên. Sau buổi diễn, Bác còn lấy kẹo ra chia cho từng người. Những chiếc kẹo ấy là một kỷ vật quý giá về Bác, bà cất trong tủ không dám ăn, chỉ thỉnh thoảng cầm ra ngắm nghía...
Năm 1961, Kim Tân được gặp Bác lần thứ 2. Lần này, Bác về thăm HTX cao cấp Vĩnh Thành (Yên Thành). Năm 1964, nghệ sĩ Kim Tân lại có vinh dự được gặp Bác khi bà đi cùng Đoàn Văn công Nghệ An ra Phủ Chủ tịch để biểu diễn vở “Cô gái sông Lam”.
Đã 51 năm trôi qua kể từ lần cuối cùng được gặp Bác, nhưng những kỷ niệm về Người vẫn sống mãi trong ký ức của nghệ sĩ chèo Kim Tân. Đến nay, dù tuổi đã cao nhưng nhớ lời Bác dạy, bà vẫn tận tụy với nghề, ngày ngày đi biểu diễn, phục vụ những người yêu mến nghệ thuật chèo.
.