Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201501/coi-nguon-cau-vi-phuong-vai-580514/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201501/coi-nguon-cau-vi-phuong-vai-580514/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cội nguồn câu ví phường vải - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 19/01/2015, 09:24 [GMT+7]

Cội nguồn câu ví phường vải

(Congannghean.vn)-Ví phường vải có từ xa xưa, khi nghề trồng bông, dệt vải thịnh hành trên đất Nam Đàn. Vào những đêm hè, chị em thường tụ họp thành phường, vừa quay xa, kéo sợi, vừa góp vui bằng những câu hát có vần tự nghĩ ra.
 
Trai làng dạo chơi, bị níu chân bởi những lời ca chân tình, ngọt ngào, sâu lắng cũng dừng lại đối đôi lời cầu vui. Ví phường vải trở thành những câu hát lứa đôi, từ đó, cứ diễn ra sôi nổi trong suốt mùa kéo sợi hàng năm. Hiện nay, ở xã Kim Liên, chỉ còn lại rất ít nghệ nhân phường vải còn sống. Với họ, câu hò, điệu ví đã trở thành một phần máu thịt theo suốt cả cuộc đời. 
Dù đã cao tuổi nhưng nghệ nhân Trần Văn Tư và Nguyễn Thị Sửu vẫn nhớ như in từng câu hát phường vải
Dù đã cao tuổi nhưng nghệ nhân Trần Văn Tư và Nguyễn Thị Sửu vẫn nhớ như in từng câu hát phường vải
Những ngày đầu năm mới, những tia nắng hiếm hoi của mùa đông sưởi ấm, nhuộm vàng rực cả một con đường. Từ TP Vinh, chúng tôi về thăm quê Bác, mảnh đất được xem là cái nôi của ví phường vải - một làn điệu dân ca nổi tiếng của xứ Nghệ. Ông Trần Văn Tư, nghệ nhân phường vải, năm nay đã 87 tuổi nhưng giọng hát vẫn rất mượt mà, sâu lắng. 
 
Sinh ra và lớn lên ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, nơi đây xưa kia vốn là một phường hát nổi tiếng do bà Hoàng Thị An, dì ruột của Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Theo lời kể của ông, bà An vốn là người thông thạo chữ Nho, nổi tiếng là người bắt xắp, đối đáp nhanh, hát hay nên phường hát của bà lúc bấy giờ thu hút rất nhiều nhà nho. Từ những buổi theo các cụ đi nghe hát, câu hát phường vải cứ thế ăn sâu vào tâm hồn ông, để rồi lớn lên chút nữa, ông đã theo phường mang tiếng hát đến khắp mọi nơi trên dải đất xứ Nghệ. Không biết bao nhiêu câu hát đã được cất lên từ những đêm trăng hò hẹn, giao duyên, từ những buổi ra đồng, những lần quay xa kéo sợi…
 
Hát phường vải là một loại hình văn học dân gian, một loại hát ví đặc biệt nhất trong gia tài dân ca xứ Nghệ. Câu hát phường vải bắt nguồn từ phường vải của các cô gái, nhất là các vùng Nghi Xuân, Kỳ Anh, Đức Thọ (Hà Tĩnh); Nam Đàn, Đô Lương… (Nghệ An). Thời kỳ hát ví phường vải phát triển rầm rộ nhất vẫn là khi ngành bông vải sợi du nhập vào Việt Nam.
 
Do hát ví gắn liền với lao động, nên mỗi loại hát ví lại gắn với một loại hình lao động riêng biệt như: Hát ví của những người đi cấy gọi là ví phường cấy, hát ví của người đi củi gọi là ví phường củi, hát ví của người dệt vải gọi là ví phường vải. Cũng như các loại dân ca khác, nó gắn với quá trình lao động, sản xuất của nhân dân. Song, nó có khác các loại dân ca khác ở chỗ, có sự tham gia của những nhà nho. Cho nên, tính chất một số câu hát, quy cách trong khi hát, hình thức câu hát, quá trình của một cuộc hát... sẽ phức tạp hơn.
 
Ông Tư cho biết: “Hát phường vải có 5 phần, mở đầu bằng phần hát chào, hát hỏi, hát mời, hát tự tình và hát ra về. Trước khi vào phần hát, người chơi thường hát dạo cảnh, đó là cảm nhận của người đi chơi về khung cảnh nơi mình đang đứng. Một nhóm phường vải ngồi trong sân đình, còn 1 nhóm là người đi chơi, cả hai bên hát đối đáp, giao duyên”. Mỗi làng thường có 4 - 5 phường. Nếu như trước đây, câu hát phường vải là những câu chuyện về tình yêu thì từ sau năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, khúc hát này mang những nội dung mới. Đó là những câu chuyện ca ngợi đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau này là chuyện xây dựng nông thôn mới…
 
Trong buổi trò chuyện của chúng tôi còn có nghệ nhân Nguyễn Thị Sửu. Mặc dù đã bước sang tuổi 93, nhưng những khúc hát phường vải năm nào vẫn còn in đậm trong tâm trí của bà. Cuộc gặp gỡ của hai người bạn già trở nên xúc động hơn cả khi bà Sửu cất lời: “Hỡi người bạn cũ lâu năm/ Tình tơ có nhớ, nghĩa tằm nhớ không?”. Lời đối đáp của ông Tư vẫn ngọt ngào như thời trai trẻ: “Lâu năm thì mặc lâu năm/ Tình tơ vẫn nhớ, nghĩa tằm không quên…”.
 
Bà Sửu và ông Tư quen nhau từ những câu hò, điệu ví, buổi đi hát cùng nhau. Dù đã ngoài 90 tuổi, tóc bạc trắng, đôi tai chẳng còn nghe rõ nhưng bà Sửu vẫn nhớ như in từng câu hát, câu chuyện trong hát phường vải. Bà chỉ sợ mình không có sức để hát và hát chẳng hay như trước. Nói thế thôi nhưng khi bà cất lời, giọng hát vẫn còn rất mượt mà, sâu lắng, như chạm đến trái tim của người nghe. Trong lời hát của bà, tôi cảm nhận rõ cả tấm chân tình của con người, cả sự lam lũ, vất vả của những người mẹ tần tảo một đời nuôi con khôn lớn.
 
Ông Tư, bà Sửu là 2 trong số 7 nghệ nhân phường vải còn sống ở xã Kim Liên hiện nay, cũng là những người có công lưu truyền, kế thừa và phát huy hát ví, ca dao, dân ca truyền thống. Đối với ông, bà, làn điệu dân ca quê hương đã trở thành máu thịt, là đam mê theo suốt cuộc đời. Không chỉ với 2 ông bà mà dân ca, ví giặm đã trở thành mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn của những người con xứ Nghệ, là niềm tự hào của tất cả mỗi chúng ta. 
.

Huyền Thương

.