Văn hóa - Giáo dục

Nâng cao trách nhiệm của giới trẻ trong việc lưu giữ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể

08:58, 26/01/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Trước hết, phải khẳng định rằng, mỗi di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc đã được UNESCO công nhận đều chứa đựng những nét tinh túy, mang bản sắc riêng gắn liền với không gian cư trú, sinh hoạt của người dân ở các địa phương từ bao đời.
 
Chẳng hạn, nhã nhạc cung đình Huế có tuổi đời gần 1.000 năm, là sự kế thừa và phát triển lên đỉnh cao mới những thành tựu của dòng nhạc cung đình Thăng Long. Dân ca quan họ Bắc Ninh mộc mạc, đằm thắm mà tinh tế thể hiện cốt cách của người dân Kinh Bắc. Tiếng cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày, gắn bó mật thiết với đời sống tâm hồn người dân Tây Nguyên từ bao đời nay. Dân ca ví, giặm xứ Nghệ thể hiện rõ cốt cách, khí chất người dân miền Trung ở mảnh đất đầy nắng và gió…
 
Mỗi di sản văn hóa khi được thế giới công nhận, vinh danh sẽ góp phần quảng bá hình ảnh đất nước trên trường quốc tế, bồi đắp tình yêu quê hương xứ sở và làm sâu sắc thêm niềm tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam. Những di sản văn hóa phi vật thể vì thế không chỉ được coi là tài sản có giá trị giáo dục truyền thống, nhân cách cho thế hệ trẻ mà còn là nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Mặc dù vậy, hiện nay, công tác bảo vệ, gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đang bộc lộ không ít bất cập, tồn tại. Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, các loại hình nghệ thuật truyền thống còn “kén” khán giả, nhất là khán giả trẻ. Dưới sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, thương mại hóa nghệ thuật dân tộc đang có xu hướng lan rộng. Để thu hút người xem, không ít đơn vị nghệ thuật truyền thống đã phải cách tân, làm mới sân khấu theo hướng ngày càng xa dần những giá trị bản sắc dân tộc. Chẳng hạn, có những loại hình nghệ thuật đậm chất dân gian như dân ca quan họ vốn lôi cuốn với lối hát giao duyên, đối đáp, trữ tình, tinh tế, kỹ thuật hát xướng cao, không cần dùng tới nhạc đệm hay kỹ thuật âm thanh phóng đại.
 
Việc truyền dạy các làn điệu ví, giặm cho lớp trẻ hiện nay cũng là một trong những việc làm giúp các em biết yêu, trân trọng và gìn giữ, phát huy các giá trị của di sản
Việc truyền dạy các làn điệu ví, giặm cho lớp trẻ hiện nay cũng là một trong những việc làm giúp các em biết yêu, trân trọng và gìn giữ, phát huy các giá trị của di sản
 
Tuy nhiên, để “chiều lòng” khán giả, hình thức “quan họ hóa sân khấu” ngày càng lấn át, tức là, khi nghệ sĩ lên sân khấu biểu diễn, luôn phải có sự hỗ trợ của hệ thống âm thanh phóng đại, dàn nhạc đệm, kể cả dàn nhạc điện tử, đồng nghĩa với việc bản sắc văn hóa dân gian của loại hình nghệ thuật truyền thống này dần bị mai một. Cùng với sự phát triển của các phương tiện nghe, nhìn, trước sự “bành trướng” của nhiều hình thức giải trí mới lạ, hiện đại, một bộ phận không nhỏ giới trẻ tỏ ra thờ ơ, không mấy mặn mà với việc tìm hiểu, thưởng thức, tiếp nhận các loại hình nghệ thuật truyền thống. Trong khi, nhiều nghệ nhân dân gian am hiểu tường tận các loại hình di sản thì tuổi đã cao, việc tìm ra đội ngũ kế cận có tài năng, tâm huyết đang là “bài toán” nan giải với không ít loại hình nghệ thuật truyền thống.
 
Để gìn giữ, phát huy giá trị của các di sản văn hóa đã được nhân loại tôn vinh, trước hết cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa của giáo dục di sản đối với các tầng lớp trong xã hội nói chung và giới trẻ nói riêng. Các hoạt động giáo dục di sản cần phù hợp với tâm lý lứa tuổi, gắn lý thuyết với thực hành. Trong phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ GD&ĐT phát động thời gian qua, có hai nội dung  liên quan đến việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa: Tổ chức đời sống văn hóa trong nhà trường gắn với việc khai thác văn hóa dân gian; chăm sóc di sản gắn với tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa. Có nghĩa là bao gồm cả việc giáo dục di sản và giáo dục thông qua di sản, làm cho học sinh hiểu sâu về di sản, từ đó khơi dậy niềm tự hào về các giá trị truyền thống. Đây là hoạt động thiết thực, phù hợp nhưng cần được tiến hành có chiều sâu hơn nữa.
 
Bên cạnh đó, các hoạt động đưa dân ca vào trường học và dạy hát dân ca trên truyền hình cũng được xem là những hình thức quan trọng góp phần chuyển giao các loại hình văn hoá truyền thống giữa các thế hệ. Bằng cách học các làn điệu dân ca và thông qua các cuộc thi hát dân ca trong trường học, thế hệ trẻ đã có những hiểu biết nhất định về văn hóa truyền thống của quê hương.Từ các phong trào này, nhiều giáo viên và học sinh đã say mê, gắn bó với những làn điệu dân ca. Không chỉ hát, diễn, họ còn sáng tác lời mới, phục vụ hoạt động văn nghệ quần chúng của nhà trường cũng như địa phương.
 
Trước nguy cơ mai một các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, cần có sự đầu tư bài bản, hệ thống, có chiều sâu về các cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực, vật lực, trong đó yếu tố con người phải đặt lên hàng đầu. Đây cũng là biện pháp quan trọng góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Minh Tuấn

Các tin khác