Văn hóa - Giáo dục
Luôn đúc kết thực tiễn để tự hoàn thiện mình
16:13, 17/01/2015 (GMT+7)
Nhìn lại chặng đường 85 năm (3/2/1930-3/2/2015) ra đời và phát triển, lãnh đạo đất nước, có thể khẳng định Đảng ta luôn tự tìm tòi, khảo nghiệm, đúc kết thực tiễn để hoàn thiện mình.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà. |
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) đã nhấn mạnh ý kiến này trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về quá trình hình thành, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ khi chính thức thành lập (3/2/1930), Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận sứ mệnh lật đổ ách thống trị thực dân kéo dài hơn nửa thế kỷ và sự áp bức của phong kiến đã kéo dài hàng nghìn năm.
Khi đó, lực lượng đảng viên còn rất ít, chỉ khoảng 5.000 đảng viên trong số 20 triệu dân. Khi tình hình quốc tế có lợi, chủ nghĩa phát xít bị đánh bại ở cả châu Âu và châu Á, Đảng đã phát động cuộc tổng khởi nghĩa, toàn dân đứng lên giành chính quyền cách mạng, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Điểm khác biệt ở đây là, tình thế và thời cơ bên ngoài tuy thuận lợi, nhưng không phải nước nào cũng tận dụng được. Đảng ta tận dụng được thời cơ này là nhờ đã xây dựng được thực lực bên trong, tập hợp được lực lượng, đoàn kết được các tầng lớp nhân dân, có đường lối, cương lĩnh phù hợp, phát động được quần chúng nhất tề đứng lên.
Ngay sau khi giành độc lập, chúng ta lại phải đối mặt với thách thức lớn là thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Nhưng chúng ta đã vượt qua thử thách với cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm mà dấu ấn lớn nhất của giai đoạn này chính là đường lối. Ngay từ đầu, Đảng ta đã đề ra đường lối kháng chiến với 4 điểm chủ yếu: Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính.
Đường lối này lựa chọn đúng đắn trong bối cảnh quốc tế lúc đó, nên đã huy động được sức mạnh tổng lực của nhân dân, đấu tranh toàn diện trên các mặt, đấu tranh lâu dài để phù hợp với điều kiện sức người, sức của của chúng ta khi đó, và dựa vào sức mình là chính.
Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu” lúc ấy là kết quả hoàn toàn xứng đáng của cách mạng Việt Nam, khi chúng ta có đường lối đúng, có sự đoàn kết một lòng, vì độc lập dân tộc.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, bối cảnh quốc tế phức tạp hơn nhiều, tương quan lực lượng giữa Mỹ, chính quyền, quân đội Sài Gòn và lực lượng cách mạng cũng rất chênh lệch.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là dấu son trong cả tiến trình cách mạng, là điểm nối giữa thời kỳ Đảng lãnh đạo, tập hợp nhân dân đứng lên giành chính quyền, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, với thời kỳ Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới, hội nhập sau này.
Trong bối cảnh đó, vai trò và đường lối lãnh đạo của Đảng được thử lửa ở những quyết sách, những chiến dịch mang tính bước ngoặt. Ví dụ như cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 không chỉ là việc ta đánh trực diện vào các thành phố, thị xã, những nơi mạnh nhất của Mỹ và chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam, mà còn là đòn đánh trực diện vào ý chí tiếp tục chiến tranh xâm lược của Mỹ. Đó là yếu tố quyết định mà Đảng ta đã nhận thấy và quyết tâm thực hiện.
Sau sự kiện này, Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với ta mà không có điều kiện tiên quyết nào, đồng thời hạn chế và tiến tới dừng hẳn ném bom miền Bắc.
Dù có những hạn chế xung quanh việc đề ra mục tiêu quá cao, tiếp tục đánh sau khi không còn yếu tố bất ngờ, tập trung quá vào địa bàn đô thị, dẫn đến bỏ lỏng địa bàn nông thôn… nhưng không thể phủ nhận vai trò và ý nghĩa to lớn của sự kiện này đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung và trong tiến trình lịch sử Việt Nam nói riêng.
Thực tế, đã có những thời điểm, Đảng ta phải điều chỉnh những quyết sách trong đường lối để từng bước lấy lại thế, vực lại lực, tiếp tục lãnh đạo nhân dân tiến lên.
Ngay sau khi ký Hiệp định Geneva năm 1954, nhìn nhận bối cảnh quốc tế, Đảng ta đã nhận định Mỹ sẽ sớm thay chân Pháp tại Việt Nam. Đó là nhận định đúng.
Dù vậy, trong giai đoạn 1955-1958, chúng ta đã có một số lúng túng, khuyết điểm về việc xác định đường lối lãnh đạo cách mạng, nên phong trào cách mạng tại miền Nam gặp khó khăn, tổn thất.
Từ tháng 1/1959, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15, xác định rõ đường lối đấu tranh, cả bằng đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, phong trào cách mạng đã có bước tiến triển mạnh, mở màn là phong trào Đồng khởi nổ ra tại Bến Tre.
Sau đó, với sự chủ động và linh hoạt về đường lối của Đảng, chúng ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm hậu phương lớn, vừa đẩy mạnh đấu tranh vũ trang ở tiền tuyến miền Nam, tạo sự vững vàng về thế, tăng cường về lực, đấu tranh hiệu quả với các chiến lược, chiến dịch của đế quốc Mỹ và tay sai.
Sau Mậu Thân 1968, Đảng ta tiếp tục có những đối sách hợp lý, vừa đấu tranh trên chiến trường, vừa phối hợp với đấu tranh ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè và nhân dân tiến bộ thế giới, với thành quả là Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Mỹ và đồng minh phải rút hết quân về nước.
Nhận định đúng về thế và thời, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Đảng ta đã có sự thay đổi cần thiết, nhanh nhạy, quyết đoán và kịp thời, đẩy mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam lên ngay trước mùa mưa năm 1975, thay vì kế hoạch trong 2 năm như đề ra trước đó. Và chúng ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.
Sự kiên định mục tiêu giải phóng dân tộc, nhưng linh hoạt trong sách lược, chiến lược của Đảng chính là thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Sau khi thống nhất đất nước, với xuất phát điểm thấp, cộng với hậu quả tàn khốc của 30 năm chiến tranh chống các thế lực xâm lược, đất nước ta đã có những thời điểm đứng trước muôn vàn khó khăn, như giai đoạn 1975-1985. Lúc này, mỗi quyết sách của Đảng đều ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Đó là giai đoạn chúng ta phải khôi phục đất nước bị tàn phá sau chiến tranh, lại chịu sự bao vây, cấm vận cả về kinh tế và ngoại giao, đời sống kinh tế-xã hội rơi vào khủng hoảng trầm trọng, mà nếu không vượt thoát ra được, thì sẽ ảnh hưởng tới sự tồn vong của đất nước.
Chính trong khó khăn đó, Đảng ta đã kịp thời phát huy trí tuệ, bản lĩnh, đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước tại Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986). Nếu như trong chiến tranh ái quốc, Đảng đã thể hiện sức mạnh trong lãnh đạo, tập hợp quần chúng, tổ chức lực lượng để chống lại kẻ thù mạnh hơn ta gấp nhiều lần, thì đường lối đổi mới này đã thể hiện sức mạnh tư duy của Đảng.
Chúng ta đã đổi mới cả về kinh tế, về ngoại giao, quốc phòng, an ninh, cộng hưởng tạo thành sức mạnh để đất nước vượt qua khó khăn, từng bước hội nhập khu vực và quốc tế, uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng lên. Đến nay, Việt Nam đã và đang tiếp tục khẳng định là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Đáng tiếc là, như Trung ương Đảng đã nhận định, sau khi đạt được một số thành tựu, một bộ phận cán bộ, đảng viên đã và đang có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, làm xói mòn niềm tin của nhân dân.
Trước thực trạng đó, Nghị quyết Trung 4 (khóa XI) vừa qua đã nêu những vấn đề cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, và đang được triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên. Và một lần nữa, Trung ương Đảng khẳng định, nếu không kịp thời chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, thì đó sẽ là nguy cơ ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ.
Trong lịch sử ra đời và phát triển, lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn tự tìm tòi, khảo nghiệm, đúc kết thực tiễn để hoàn thiện mình. Lần này cũng vậy, tình hình kinh tế-xã hội khó khăn đang thử thách bản lĩnh của Đảng một lần nữa.
Việc Đảng ta thẳng thắn chỉ ra nguy cơ, nhìn nhận những yếu kém và có những hành động quyết liệt nhằm khắc phục yếu kém, ngăn chặn nguy cơ cho thấy bản lĩnh thực sự của Đảng, cho thấy vai trò, trách nhiệm của Đảng trước vận mệnh của đất nước, của dân tộc.
Làm tốt đợt vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng này, sức chiến đấu, sức mạnh của Đảng càng được nâng cao, xứng đáng là người lãnh đạo và quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Nguồn: Chinhphu.vn