Văn hóa - Giáo dục
Hiệu quả trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
15:19, 12/01/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Giáo dục kỹ năng sống là một trong những vấn đề quan trọng trong mục tiêu giáo dục toàn diện cho đoàn viên thanh niên, nhất là với các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Những năm qua, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An, với đặc thù là một trường “chuyên biệt”, đã làm rất tốt công tác này, trở thành một hoạt động thường xuyên và đem lại hiệu quả thiết thực.
Kỹ năng sống là khái niệm rộng mà đến nay chưa có một kết luận thống nhất. Nhưng với đặc thù là Trường THPT Dân tộc nội trú của tỉnh, điều mà Nhà trường muốn hướng tới là đề cập tới các kỹ năng giúp học sinh hình thành khả năng phản ứng trước những thử thách của cuộc sống. Từ đó, biết vươn lên mạnh mẽ để học tập, cống hiến cho xã hội với khả năng tiến thân lập nghiệp.
Những buổi “tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh THPT” là điều rất cần thiết |
Với đặc thù là trường dân tộc nội trú, bản thân các em là người miền núi về học dưới ngôi trường này với nhiều bỡ ngỡ, lạ lẫm. Để thích nghi, hòa nhập với môi trường mới là điều không dễ dàng. Cô giáo Hồ Ngọc Việt Nga, Bí thư Đoàn trường cho biết: “Dưới mái ấm này, hội tụ nhiều dân tộc. Học sinh người Thái chiếm đại đa số, rồi đến người Mông, Ơ Đu, Đan Lai... Hành trang các em mang theo về đây là quyết tâm đi tìm con chữ, theo đuổi ước mơ được cắp sách đến trường. Nhưng các em đâu biết được rằng, để đạt được ước mơ ấy còn lắm chông gai, từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày đến những điều lớn hơn như tư tưởng, lối sống, suy nghĩ. Mỗi học sinh ở mỗi vùng miền với những cá tính, tập quán khác nhau, cho nên, Nhà trường đã phải uốn nắn từng bước.
Từ những ngày đầu vào
trường, các em được thầy cô “giáo dục trực tiếp” như sinh hoạt, chỗ ăn, ở thế nào. Những việc làm mà trước đây các em không ý thức được, từ việc gấp chăn màn thế nào cho gọn gàng, ngăn nắp, vệ sinh phòng ở sạch sẽ đến việc tuân thủ những quy định của Nhà trường về giờ giấc, kỷ luật... thì giờ đây, được thực hiện một cách nghiêm túc. Khoảng 2 năm trở lại đây, Trường tổ chức nhiều chương trình với những phương pháp cụ thể, đem lại hiệu quả cao. Một tháng hai lần, cứ vào đầu tuần tiết chào cờ, các em lại được thầy, cô giáo trình bày về một chủ đề cụ thể.
Thông qua đó, giúp các em tự khám phá những khả năng của bản thân cũng như nhận thức rõ được vấn đề. Thông thường, các học sinh người dân tộc thiểu số về đây với những mặc cảm tự ti về bản thân. Các em thường cho rằng, bản thân yếu thế về mặt trí tuệ, tài năng, sự sáng tạo. Thông qua chủ đề “Bạn giỏi hơn bạn nghĩ”, các em tự khám phá để hiểu về bản thân mình hơn. Lấy những tấm gương điển hình cho các em noi theo, giúp các em hiểu được rằng, về đây dưới mái ấm này là môi trường tốt nhất để các em phát huy những mặt tích cực.
Ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu, điều quan trọng là phát huy thế mạnh và cải thiện điểm yếu. Móc xích với chủ đề “Bạn giỏi hơn bạn nghĩ” là chủ đề “Quyết chí thay đổi”. Với những em người dân tộc miền núi, các em sợ thay đổi. Đôi khi để biện minh cho những hạn chế của mình, các em đưa ra nhiều lý lẽ như “Lâu nay em vẫn làm thế có sao đâu”, hoặc “Em không nghĩ là sẽ như thế”... Bằng những lý lẽ thuyết phục, thầy cô giáo Trường THPT Dân tộc nội trú đã chứng minh cho các em hiểu rằng, những lời các em nói ra chỉ khiến các em rơi vào trạng thái chán nản và sa sút. Các em phải nhớ rằng, nếu lười học, ham chơi, dậy muộn, sinh hoạt bừa bãi... thì sẽ phải nhận điểm kém, bị phê bình, chê cười, không có tương lai...
Qua những chủ đề cụ thể, đã giúp tâm hồn các em phóng khoáng và cởi mở hơn. Những lời sâu kín trong lòng không dễ gì hé mở, nhưng các em có thể thông qua kênh thư từ để chia sẻ với thầy, cô giáo. Khi đã quyết chí thay đổi, bạn nên lựa chọn dứt khoát hơn là miễn cưỡng. Cứ như vậy, các chủ đề được móc nối với nhau, giúp các em nhìn nhận vấn đề cụ thể hơn. Ngoài những buổi nói chuyện về chủ đề, các em được các chuyên gia về Trường tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cũng như nói chuyện liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Đó là những điều mà xưa nay, các em người dân tộc miền núi chưa bao giờ được nghe thấy, biết đến.
Có thể thấy, hoạt động giáo dục kỹ năng sống đã giúp các em tạo mối quan hệ thân thiện, cởi mở giữa thầy và trò, sự hứng thú tự tin, chủ động sáng tạo trong học tập, thích nghi với cuộc sống mới. Từ đó, các em có niềm tin vững chắc hơn ở Nhà trường để vươn lên, hiện thực hoá những lý tưởng, ước mơ của bản thân.
Phan Tuyết