Văn hóa - Giáo dục

Đình Làng Dụng

Nơi ghi dấu những giá trị lịch sử, văn hóa trường tồn

10:12, 11/01/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Trong chuyến công tác về huyện Tân Kỳ, chúng tôi tình cờ được người dân nơi đây kể về ngôi đình mang tên đình Làng Dụng (còn có tên gọi là đình Dương Hạp) ở xóm Đình, xã Nghĩa Dũng - một trong những ngôi đình có từ rất lâu đời, mang dấu ấn di tích lịch sử, văn hóa trường tồn với thời gian. 
 
Đình Làng Dụng được xây dựng vào cuối triều Lê, trên diện tích đất 1.554 m2 bằng phẳng, thoáng mát. Ngôi đình này thuộc xóm Đình, làng Dũng, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, cách TP Vinh - trung tâm kinh tế, chính trị tỉnh Nghệ An khoảng 100 km. Di tích nằm giữa khu dân cư đông đúc, phía trước là dòng sông Con cùng bãi bồi phù sa màu mỡ. Xét về phong thủy, đình Dương Hạp có thế đất “sơn hồi thủy tụ, đạp thủy gối sơn, quan quân hội tụ”, là thế kết phát lâu dài, bền vững.
Đình Làng Dụng - dấu ấn di tích lịch sử, văn hóa
Đình Làng Dụng - dấu ấn di tích lịch sử, văn hóa
Đình nằm trong quần thể các công trình văn hóa, lịch sử, kiến trúc của xã Nghĩa Dũng nói riêng và huyện Tân Kỳ nói chung, mặc dù chỉ có một tòa, song vẫn giữ được kiến trúc truyền thống đình Làng Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thông qua cách bài trí kiến trúc với các họa tiết ở hồi tường phía Đông Nam, bàn thờ được bố trí theo kiểu nhà sàn trên các chất liệu vôi vữa, gỗ, ta vừa thấy được sự hiện diện của ngôi đình vùng đồng bằng, vừa ẩn chứa những giá trị kiến trúc truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số như Thái, Thổ…, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, hoạt động tâm linh của đồng bào bản địa và du khách đến tham quan.  
 
Theo truyền thuyết lưu truyền ở địa phương, đình Làng Dụng là một công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng, nơi tôn thờ và tưởng niệm những vị thần có công với dân, với nước như Thành hoàng làng Dũng (Cao Sơn Cao Các), Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Bạch Y công chúa, Mộc thụ Tôn Thần, Thái y Ngô Văn Tạo. Bên cạnh các vị thần trên, hiện nay, tại đình còn bài trí long ngai, hiện bụt thờ phụng một số vị chưa rõ công tích như: Đức ông Linh sơn chính thần, bản cảnh Thành hoàng văn vũ đại vương, Đức ông tiền Quế Quận công…
 
Di tích là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân Nghĩa Dũng đối với các vị thần cai quản làng bản và các bậc tiền nhân. Đây cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại trong xây dựng và bảo vệ đất nước, tiêu biểu như trận chiến Động Đỏ của nghĩa quân Lam Sơn Lê Lợi thế kỷ XV. Với lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, nhân dân nơi đây đã kiên cường cùng nghĩa quân chiến đấu chống giặc, ngang tầm với “trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật” gây chấn động một vùng. Trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, đình Làng Dụng cũng là nơi mà các vị chức sắc hội họp để đưa ra những quyết sách xây dựng, bảo vệ làng bản, là nơi phường săn làm lễ tế thần linh trước lúc ra đi trong lễ Khai Sơn.
 
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đình vừa là địa điểm nuôi giấu cán bộ Đảng, cất giấu tài liệu, đồng thời cũng là nơi nhân dân Nghĩa Dũng tập hợp lực lượng bắt Việt gian, phá đồn điền, giành chính quyền về tay nhân dân lao động. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, đình là điểm dừng chân, trú quân của nhiều đơn vị bộ đội trên đường hành quân chiến đấu, góp sức cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 
 
Đình Làng Dụng không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu của nhân dân trong xã và các vùng phụ cận, những người có tâm, có đức hướng về cội nguồn, mà còn thể hiện tính nhân văn cao, các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ. Hàng năm, người dân nơi đây tổ chức 4 lễ chính tại đình, đó là lễ Khai Hạ, lễ Trung Nguyên, lễ Kỳ Yên và lễ Thường Tân. Trong 4 lễ diễn ra ở đình thì lễ Kỳ Yên là lễ chính được tổ chức quy mô nhất. Theo các cụ cao niên trong làng thì lễ Kỳ Yên được tổ chức vào ngày 15/2 âm lịch, là dịp tưởng niệm ngày đánh trận Động Đỏ của nghĩa quân Lê Lợi, đồng thời cũng là ngày giỗ của nhiều tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn hy sinh trong chiến trận. 
 
Cũng như bao ngôi đình khác, trải qua nhiều biến cố trong lịch sử, đình Dương Hạp cũng bị xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 1937, đình đã được người dân trong vùng quyên góp tiền của, công sức trùng tu, tôn tạo để đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của cư dân địa phương cũng như phục vụ nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của người dân nơi đây. Những năm gần đây, UBND xã Nghĩa Dũng đã cử người trực tiếp bảo vệ, thường xuyên hương khói, chăm sóc và bảo vệ đình.
 
Năm 2013, đình Làng Dụng được UBND tỉnh ra quyết định công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Với những giá trị về văn hóa, lịch sử truyền thống ấy, Ban quản trị cùng người dân xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ đang cùng nhau ra sức gìn giữ những giá trị vốn có của ngôi đình làng - nơi lưu giữ những dấu ấn khó phai của một thời dựng xây và bảo vệ đất nước của các bậc cha ông, để lưu truyền cho con cháu đời sau những tinh hoa văn hóa của dân tộc. 

Hằng Nga

Các tin khác