Văn hóa - Giáo dục
Vì một Việt Nam 'An toàn, thân thiện, hấp dẫn'
16:18, 24/12/2014 (GMT+7)
Theo đánh giá sơ kết của Bộ VHTT&DL, sau 1 năm triển khai Chỉ thị 18, môi trường du lịch của Việt Nam đã cải thiện đáng kể.
Hơn một năm trước, hiện tượng lừa đảo, gian lận, ép giá, chèo kéo, đeo bám, xâm hại tài sản, tính mạng của khách du lịch có chiều hướng gia tăng, đã tác động xấu đến hình ảnh du lịch của một số địa phương và cả nước, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Nỗ lực tạo hình ảnh Việt Nam - Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn |
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18 ngày 4/9/2014 về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch với 5 nhiệm vụ chung, 26 nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, đoàn thể, hiệp hội ở Trung ương và 10 nhiệm vụ của các địa phương.
Môi trường du lịch đã cải thiện đáng kể
Theo đánh giá sơ kết của Bộ VHTT&DL, sau 1 năm triển khai Chỉ thị 18, môi trường du lịch của Việt Nam đã cải thiện đáng kể.
Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch, chỉ thị, các văn bản chỉ đạo điều hành để triển khai đến cấp cơ sở; các cơ sở pháp lý, chế tài xử lý các vi phạm về môi trường du lịch tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Lần đầu tiên hành vi chèo kéo, ép buộc khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ bị quy định mức phạt từ 1-3 triệu đồng.
Về xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp liên ngành phát hiện, xử lý vi phạm các hành vi gian lận, ép giá, chèo kéo, đeo bám, xâm hại tài sản, tính mạng của khách du lịch.
Điển hình ngày 7/3/2014, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 3 năm 6 tháng tù đối với tài xế xe taxi đã có hành vi ăn chặn tiền của khách du lịch ngay tại trung tâm phố cổ Hà Nội.
Các đoàn kiểm tra của BCĐ Nhà nước về du lịch, đoàn kiểm tra liên ngành đã tập trung đến các điểm nóng, cùng với chính quyền các địa phương đôn đốc, triển khai mạnh mẽ các giải pháp, nhiệm vụ thực hiện Chỉ thị số 18.
Nếu trước đây tình hình tội phạm cướp giật liên quan đến khách du lịch, vấn nạn chèo kéo, đeo bám du khách là nỗi nhức nhối của một số TP lớn như Hà Nội, TPHCM, thì nay những TP này đã có những chuyển biến tích cực về an ninh trật tự, số lượng các vụ việc giảm dần.
Có thể nhận thấy, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, báo chí đã tạo sự chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến các việc làm cụ thể, thiết thực để cải thiện môi trường du lịch, tất cả vì một điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Sau khi Chỉ thị số 18 được ban hành, đã có 21 địa phương thiết lập đường dây nóng phục vụ 24/24 để tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin kịp thời tới khách du lịch. Hiện tại, có 7 địa phương đã hoàn thiện đề án và thành lập trung tâm hỗ trợ du khách như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hải Dương, Khánh Hòa, Lào Cai, Điện Biên.
Nhiều địa phương có cách làm hay, mô hình phù hợp như: Tiếp tục duy trì 69 điểm phát phiếu tại sân bay, bến xe… để kiểm soát chất lượng dịch vụ, thông báo giá cước taxi cho hành khách; thành lập tổ phản ứng nhanh, lực lượng sinh viên tình nguyện hỗ trợ du khách tại TPHCM; Tổ chuyên trách trật tự du lịch, Đội sứ giả du lịch của TP Đà Nẵng, hay chương trình “Những địa chỉ tin cậy của du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”...
Giữ gìn môi trường lịch-câu chuyện đường dài
Các sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam luôn hấp dẫn du khách nước ngoài |
Bên cạnh những mặt đạt được trong triển khai Chỉ thị số 18, ngành Du lịch vẫn còn tồn tại những hạn chế, việc chưa làm được, hoặc còn chậm chưa có kết quả, như: Chưa thiết lập được số điện thoại chung thống nhất trên toàn quốc để hỗ trợ khách du lịch, đề án thành lập cảnh sát du lịch vẫn đang trong quá trình xây dựng…
Bộ VHTT&DL cũng cho biết, một số địa phương chưa thật chủ động, quyết liệt trong triển khai các giải pháp cải thiện môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý có nơi còn lỏng lẻo, mang tính hình thức; chế độ thông tin, báo cáo chưa thực hiện đầy đủ, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc chưa thường xuyên.
Tình trạng "chặt chém" vẫn chưa được xử lý dứt điểm, chuyện cướp giật, lừa đảo du khách vẫn xảy ra tại những điểm nóng của du lịch.
Tính đến tháng 12/2014, mới có 7 trung tâm hỗ trợ du khách được thành lập, 8 địa phương đang chuẩn bị thành lập. Với việc mới chỉ 15 tỉnh/thành có và chuẩn bị có trung tâm hỗ trợ khách du lịch trên tổng số 31 tỉnh/thành có lượng khách du lịch từ 1 triệu lượt khách/năm trở lên, theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn, đây là con số đáng suy nghĩ.
Bởi lẽ, địa phương vẫn nắm vai trò quyết định trong việc thực thi chính sách, chủ trương, phối kết hợp các lực lượng để đảm bảo an ninh, an toàn cho môi trường du lịch thân thiện. Nhiều địa phương chưa quan tâm đủ, hoặc chưa ý thức được trách nhiệm vai trò của mình, nên vai trò của Chỉ thị 18 vẫn chưa thực sự lan tỏa khắp cả nước.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cũng cho rằng, 1 năm là quãng thời gian chưa đủ để hình thành những kết quả bền vững trong việc thực hiện Chỉ thị số 18. Đặc biệt, với tính chất của các nhiệm vụ cần được tiến hành kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, sáng tạo, trong đó việc kiểm tra, giám sát phải được đề cao và đặt là trọng tâm của các cấp, ngành, địa phương và bản thân các doanh nghiệp, đồng thời cần từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Thời gian tới, với 41 nhiệm vụ của Chỉ thị số 18, bên cạnh việc triển khai theo chiều rộng, Bộ VHTT&DL dự kiến sẽ đầu tư chiều sâu các trọng điểm, đồng thời với “chống”, cần tập trung “xây”.
Cùng với đó tạo điều kiện, hỗ trợ các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý các trung tâm mua sắm cao cấp, khu vui chơi giải trí hiện đại, cửa hàng lưu niệm tiện nghi, thân thiện, hấp dẫn để thu hút khách du lịch.
Chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, phát động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong đấu tranh, phòng ngừa các hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường du lịch để tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thực hiện các ứng xử văn minh, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam-một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Nguồn: Chinhphu.vn