Văn hóa - Giáo dục

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh: 'Bài toán' chưa có lời giải

08:32, 20/12/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Cách đây không lâu,  khảo sát xã hội học của một thầy giáo dạy Toán ở Trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã làm “nóng” diễn đàn mạng vì không ngần ngại chỉ rõ sự yếu kém bất ngờ trong kỹ năng sống của học sinh hiện nay. Phóng viên đã làm cuộc khảo sát có quy mô lớn hơn với sự tham gia của 100 học sinh đến từ 3 ba trường THCS và THPT trong TP Vinh. Kết quả có được không kém phần bất ngờ và để lại nhiều suy ngẫm…

Nhìn thấy gì sau những con số?

Kỹ năng sống là tập hợp rất nhiều kỹ năng tâm lý xã hội và giao tiếp cá nhân, giúp cho con người đưa ra những quyết định có cơ sở, giao tiếp một cách hiệu quả, phát triển các kỹ năng tự xử lý và quản lý bản thân nhằm giúp họ có một cuộc sống lành mạnh và hiệu quả (theo UNICEF).

Bài khảo sát của phóng viên tập hợp 30 câu hỏi trắc nghiệm đơn giản nhằm kiểm tra kiến thức, khả năng thích nghi, xử lý tình huống của các em trong cuộc sống hàng ngày. Đối tượng khảo sát là 100 học sinh đến từ 3 trường: THCS Vinh Tân, THPT chuyên Phan Bội Châu và THPT Dân tộc nội trú trên địa bàn TP Vinh. Qua việc khảo sát các nhóm đối tượng ở nhiều lứa tuổi và môi trường học tập khác nhau, chúng tôi mong muốn đem đến một cái nhìn toàn diện, thấu đáo nhất cho những người làm công tác giáo dục về thực trạng kỹ năng sống của học sinh hiện nay.

Kết quả khảo sát có 92% học sinh phải đi học thêm mỗi tuần. Trong đó, số em học thêm tất cả các buổi trong tuần chiếm 30%, tập trung ở các trường chuyên. 65% học sinh không giơ tay phát biểu trong giờ học mà chỉ chờ giáo viên chỉ định. 74% học sinh hàng ngày chọn cách giải trí bằng ipad, máy tính, điện thoại và 1/3 trong số này biết chơi một môn thể thao nào đó. 40% học sinh rụt rè, không dám tiếp xúc với người mới gặp, mới quen. 32/100 em không biết cách khóa bình gas hay ngắt cầu dao điện trong trường hợp khẩn cấp. Đặc biệt, khi được hỏi muốn làm trong cơ quan Nhà nước hay lựa chọn các ngành nghề tự do khác sau khi ra trường, 81/100 em đã chọn con đường trở thành công chức.

124
Dạy học sinh kỹ năng sống vẫn đang là thách thức đối với ngành giáo dục. Ảnh minh họa

Đây hẳn là những con số nói lên nhiều điều và đáng để chúng ta trăn trở. Quá nhiều học sinh đang gồng mình chịu đựng gánh nặng học thêm, bài vở, trong đó có những em dường như đã phải mang áp lực ấy suốt 24 giờ/ngày. Các em không biết vui chơi đúng nghĩa là gì, thay vì tham gia các môn thể thao lành mạnh ngoài trời, giúp tăng cường thể lực thì các em lại trở thành những “tín đồ công nghệ”, mải mê chìm đắm trong thế giới ảo. Ở Hàn Quốc, học sinh mẫu giáo và tiểu học đã được học cách đối phó, thích ứng với các tai nạn như cháy, động đất, thiên tai...

Trong khi đó, học sinh bậc trung học của chúng ta còn chưa biết cả những hành động đơn giản như khóa bình gas hay ngắt cầu dao điện để đề phòng tai nạn. Số học sinh thụ động trong giờ học chiếm hơn 65%. Thiết nghĩ, nếu như ngay cả trong việc học, các em cũng không dám bộc lộ trí tuệ và bản ngã của mình thì liệu chúng ta có thể hy vọng các em sẽ trực tiếp đối diện với những khó khăn, thách thức ngoài xã hội hay không?

Các em có thể nhanh chóng giải bài toán này, làm bài văn nọ nhưng lại lúng túng, mù mờ trong việc tiếp xúc, bày tỏ cảm xúc, ý kiến của mình với người khác. Phải chăng người lớn đã vô tình tạo ra một môi trường “lồng kính” quá an toàn để rồi các em giống như những mầm cây èo uột, thiếu sinh khí vì không được tưới tắm trong nắng gió cuộc đời.

Những người làm công tác giáo dục có thể sẽ tự hỏi mình, nguyên cớ nào biến các em từ những cô, cậu học trò vui tươi, năng động trở thành những cỗ máy đã được lập trình sẵn, chỉ biết duy nhất mỗi việc học? Lý do nào giải thích cho thực trạng hàng trăm sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi nhưng vẫn thất nghiệp, ngồi ở nhà chờ cha mẹ còng lưng nuôi suốt mấy năm liền?

Điều gì khiến một đất nước có hàng trăm nghìn thạc sĩ, tiến sĩ, với vô số huy chương vàng từ các cuộc thi quốc tế hàng năm nhưng vẫn đứng ngấp nghé chót bảng tăng trưởng kinh tế của các nước khu vực Châu Á? Vì sao hiện tượng vị thành niên quan hệ tình dục, có thai ngoài ý muốn, tự tử, bỏ nhà đi bụi, lập băng nhóm đi cướp đang có chiều hướng gia tăng.

Liệu có nguyên nhân nào đủ để giải thích cho tất cả những thực trạng đáng buồn, đáng lo ngại trên của ngành giáo dục hay không? Muốn trả lời được điều này, cần bắt đầu từ việc xem lại các em đã, đang học được gì trên ghế nhà trường và trong mỗi gia đình hôm nay.

Trăn trở của người trong cuộc

Chị Trần Phương Mai (phường Lê Mao, TP Vinh), phụ huynh có con năm nay học lớp 12 chia sẻ: “Con tôi 18 tuổi rồi nhưng chưa phải động tay vào việc gì cả. Dọn phòng, giặt đồ, rửa bát tôi làm hết để cháu có thêm thời gian theo kịp bài vở cuối cấp. Nhưng tôi cũng lo cho cháu khi ra học đại học, không biết có thể tự sống một mình được không?”.
 

Cô Lê Lương Tâm, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu bày tỏ lo âu: “Giáo dục kỹ năng sống là vai trò đồng thời của nhà trường và gia đình. Nhưng chính các em cũng cần phải hiểu được tầm quan trọng của việc tự học các kỹ năng này. Có những thứ chúng tôi không thể dạy mà chỉ có thể tự các em tìm hiểu và trưởng thành. Các em cần phá vỡ bức tường đang bao quanh và thoát khỏi sức ì do chính mình tạo ra…”.

Hiện nay, ngành giáo dục đã có những động thái trong việc cố gắng đưa giáo dục kỹ năng sống vào trường học. Tuy nhiên, dạy cái gì, dạy như thế nào vẫn là một “bài toán” chưa có lời giải hợp lý.

Để khắc phục tình trạng trên, thiết nghĩ chúng ta cần giảm tải những nội dung học thuật không cần thiết, song song với việc bổ sung các kiến thức và kỹ năng sống trong chương trình để tránh quá tải cho cả thầy lẫn trò. Nhà trường cũng nên nhận thức rõ tầm quan trọng của việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh, từ đó có thêm những buổi ngoại khóa, sinh hoạt đoàn, thậm chí là tăng cường một số môn học về kỹ năng sống thực tế để các em có ý thức và lý tưởng sống đúng đắn...

Tất nhiên, “bài toán” này không thể chỉ có quyết tâm của ngành giáo dục mà còn cần đến những hành động thiết thực từ phía gia đình và sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội.

Thu Phương

Các tin khác