Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201412/nghich-ly-tai-doan-ca-mua-nhac-dan-toc-nghe-an-gui-di-dao-tao-tro-ve-song-dua-vao-kinh-phi-ho-tro-567806/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201412/nghich-ly-tai-doan-ca-mua-nhac-dan-toc-nghe-an-gui-di-dao-tao-tro-ve-song-dua-vao-kinh-phi-ho-tro-567806/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Gửi đi đào tạo, trở về sống dựa vào kinh phí hỗ trợ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 10/12/2014, 08:32 [GMT+7]
Nghịch lý tại Đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An

Gửi đi đào tạo, trở về sống dựa vào kinh phí hỗ trợ

(Congannghean.vn)-Với mục đích là đào tạo lớp trẻ kế cận để bổ sung nguồn nhân lực trẻ cho những năm tiếp theo và thanh xuân hóa đội ngũ diễn viên, 15 em học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn được tuyển chọn gửi đào tạo tại Trường Cao đẳng Múa, hệ 4 năm trung cấp. Sau thời gian đào tạo, không như viễn cảnh ban đầu, các em học xong trở về không được bố trí công tác, phải sống dựa vào kinh phí hỗ trợ hàng tháng của UBND tỉnh mà chưa biết tương lai của mình rồi sẽ đi đâu, về đâu.  
 
Một chủ trương đúng
 
Ngày 29/9/2009, Đoàn ca múa kịch Nghệ An có Tờ trình số 93 về việc chuẩn bị nguồn nhân lực bổ sung cho năm 2015 và những năm tiếp theo, Đoàn đề nghị cho tuyển và gửi đào tạo từ 10 - 15 em tại Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, kinh phí do UBND tỉnh cấp trọn gói để có tính ràng buộc sau khi học xong về  Đoàn công tác. Ngày 10/2/2010, Tỉnh ủy có Quyết định 1809, về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, trong đó giao cho Đoàn ca múa kịch và Nhà hát dân ca chịu trách nhiệm đào tạo diễn viên múa cho các đoàn nghệ thuật, ưu tiên con em dân tộc thiểu số với số lượng là 30 người.
Các em đang rất lo lắng cho tương lai của mình sau 4 năm được gửi đi đào tạo
Các em đang rất lo lắng cho tương lai của mình sau 4 năm được gửi đi đào tạo
Tiếp đó, ngày 1/4/2010, Sở VH-TT&DL có Công văn 591 giao cho Đoàn ca múa kịch Nghệ An tổ chức sơ tuyển, lựa chọn học sinh gửi đào tạo diễn viên ca múa tại Trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Thực hiện Kế hoạch này, Đoàn ca múa kịch Nghệ An đã tổ chức thông báo rộng rãi, sơ tuyển, ưu tiên con em các dân tộc miền núi trong tỉnh, thu hút nhân tài bằng cách nhấn mạnh việc kinh phí học tập do UBND tỉnh cấp, gửi học tại các trường nghệ thuật tại Hà Nội và sau khi đào tạo xong sẽ về công tác tại Đoàn ca múa nhạc Nghệ An. 
 
Quá trình tuyển chọn diễn ra công khai, với 2 vòng sơ tuyển và sau rất nhiều nỗ lực cũng đã chọn ra được 15 em là con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi đã được gửi đào tạo tại TrườngCcao đẳng Múa Việt Nam, bậc trung học, chuyên ngành múa, hệ đào tạo 4 năm, trong đó đào tạo tại trường là 2 năm và thời gian còn lại vừa thực tập, thực hành và hoàn thành khóa học tại Đoàn ca múa. Kinh phí mà UBND tỉnh cấp trọn gói cho khóa học này là 255 triệu đồng.
 
Sau thời gian học tập tại Trường và đặc biệt là giai đoạn 2 năm thực hành tại Đoàn ca múa nhạc dân tộc, các em đã tham gia biểu diễn đóng góp nhiều chương trình, là xương sống của Đoàn trong chương trình biểu diễn phục vụ đồng bào các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và biên giới. Mỗi em, hàng tháng được UBND tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Đến tháng 6/2014, các em đã hoàn thành khóa học 4 năm và nhận bằng tốt nghiệp. Lẽ ra, theo chủ trương ban đầu, toàn bộ 15 em này sẽ được nhận vào Đoàn ca múa nhạc dân tộc công tác.
 
Tuy nhiên, số lượng biên chế của Đoàn đã đủ quân số 45 người, mặc dù đang cần nhân lực để trẻ hóa đội ngũ, song Đoàn vẫn không thể tiếp nhận các em. Nguồn cấp 1 triệu đồng hỗ trợ hàng tháng của UBND tỉnh cũng đã hết, nguồn thu tích lũy của Đoàn không đủ chi phí trang trải, không đủ khả năng chi hỗ trợ cho các em trong thời gian chờ đợi, buộc đơn vị chủ quản phải trình xin tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho các em trong 6 tháng cuối năm với số tiền 90 triệu đồng. Số tiền này cũng sẽ bị cắt vào đầu năm 2015 nếu Đoàn ca múa nhạc dân tộc không tiếp tục xin hỗ trợ. 
 
Loay hoay tìm phương án giải quyết
 
Quá trình làm việc với Đoàn ca múa nhạc dân tộc, được biết cuộc sống của các em rất khó khăn, thiếu thốn. Em Lang Thị Đào (SN 1995) trú tại xã Quang Phong (Quế Phong) cho biết, ngày em mới học lớp 9, chuẩn bị tham gia lớp thiếu sinh quân thì có thông tin về lớp đào tạo múa, vì đam mê nên em đã theo nghiệp này, mặc dù gia đình phản đối. Tương tự như vậy, em Lô Văn Thân (SN 1992) trú tại xã Thông Thụ (Quế Phong) cũng vì đam mê nên đã gác lại giấc mơ đại học để theo nghiệp múa. Tuy nhiên, không như viễn cảnh được thông báo ban đầu, quá trình học các em gặp nhiều khó khăn.
 
Gần như 15 em này đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng để giúp các em hoàn thành 2 năm học tại Hà Nội, dù không phải lo tiền học phí, song mọi chi phí phát sinh bao gồm tiền ăn, ở phải tự túc. Tất cả các em đều phải vay vốn sinh viên để trang trải học hành, và đến thời điểm này, chưa có em nào trả được khoản nợ. Hoang mang nhất là sau 4 năm học, 15 diễn viên múa này chẳng biết đi đâu, về đâu. Ngoài số tiền UBND tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng hàng tháng, gia đình vẫn phải chu cấp đều đặn, và Đoàn ca múa hỗ trợ bằng việc cho các em ở trong khu tập thể mà không thu tiền nhà, tiền điện, tiền nước.
 
Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài vẫn cần một giải pháp hữu hiệu.
Ông Đặng Đình Mười, Phó trưởng Đoàn ca múa nhạc kịch dân tộc cho biết, Đoàn cũng rất trăn trở trước tương lai, số phận của các em, và cũng đã có hướng giải quyết để tham mưu cho UBND tỉnh và HĐND trong việc tìm cách tháo gỡ. Hiện nay, trong lúc chờ đợi các ban, ngành liên quan cùng vào cuộc thì Đoàn ca múa nhạc dân tộc chỉ biết động viên các em, quan tâm thiết thực bằng một số hành động cụ thể.
 
Ông Mười cũng thừa nhận, đội ngũ 15 em này hiện nay gần như là rường cột của Đoàn trong các chương trình hội diễn, nên trước việc tương lai mù mịt của các em, Đoàn cũng rất trăn trở. Về vấn đề này, ông Phạm Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, trước yêu cầu chuyển đổi từ Đoàn ca múa kịch sang ca múa nhạc dân tộc, chủ trương tuyển lựa 15 em diễn viên múa đã được thực hiện.
 
Thời điểm các em hoàn thành 2 năm tập trung tại trường về thực tập tại Đoàn ca múa đúng vào hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại Đắk Lắk, nên đã xin tỉnh hỗ trợ kinh phí trong thời gian 1 năm, mỗi tháng 1 triệu đồng/em. Sau thời gian này, Đoàn tiếp tục xin hỗ trợ 6 tháng đầu năm, mới đây lại tiếp tục xin hỗ trợ 6 tháng cuối năm và đến nay đã sắp hết thời gian hỗ trợ. Để giải quyết vấn đề này, Sở VH-TT&DL đã có tờ trình và đã được UBND tỉnh thông qua, sẽ trình HĐND tỉnh vào kỳ họp đầu năm 2015 tới.
 
Theo đó, hướng giải quyết được đưa ra là dựa vào đặc thù của diễn viên múa, hiện nay, quân số 45 biên chế tại Đoàn ca múa nhạc dân tộc vẫn không sử dụng hết nhân lực, bởi có nhiều người tuổi đã cao, không thể lên sân khấu nhưng vẫn chưa đến tuổi về hưu. Do vậy, Sở trình xin ý kiến ban hành chính sách đề xuất cho nghỉ chờ hưu trước tuổi với những người này để tạo cơ hội cho các em có được công việc ổn định.
 
Trước mắt, sẽ giải quyết cho khoảng từ 5 - 7 em, dựa vào năng lực của từng người để tuyển lựa, số còn lại sẽ giải quyết dần sau đó. Đồng quan điểm với hướng giải quyết này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đinh Xuân Lâm cũng cho rằng, Sở Nội vụ đồng ý với giải pháp mà Sở VH-TT&DL đưa ra, đồng thời giao cho Đoàn ca múa kịch dân tộc rà soát lại danh sách biên chế chính thức để có hướng giải quyết thấu đáo, tránh thiệt thòi cho các em sau thời gian được mời gọi, gửi đi đào tạo, với mục đích để các em quay trở về cống hiến cho nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà.
.

Thiên Thảo

.