Văn hóa - Giáo dục
Thiêng liêng ký ức những cán bộ Công an tham gia bảo vệ, tiếp quản Thủ đô (Bài 3)
07:47, 09/10/2014 (GMT+7)
*Bài 3: Giữ ổn định an ninh, trật tự Thủ đô những ngày đầu giải phóng
Hà Nội được tiếp quản thì quân và dân Hà Nội lại phải bắt tay vào một núi công việc ngổn ngang phía trước, bởi Hà Nội còn đầy ắp những tàn dư của chiến tranh. Kẻ địch trước khi rút đi đã để lại cho ta không chỉ các tệ nạn xã hội mà còn là mạng lưới gián điệp ẩn nấp, các đảng phái phản động, các phần tử phản động đội lốt tôn giáo và không ít tội phạm hình sự.
Thêm vào đó, Công an Hà Nội còn phải tiếp thu lưu dung, hàng ngàn cảnh binh, nhân viên Công an ngụy. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và trật tự xã hội của lực lượng Công an Hà Nội càng đòi hỏi phải khẩn trương, gấp rút hơn bao giờ hết…
Cải tạo tư bản tư doanh, chống cưỡng ép di cư
“Năm 1953, khi tôi đang học ở Trường Công an Trung ương (CATW) khóa 1 thì nhận được lệnh cấp trên cử đi giảm tô tại Phú Thọ, đến khoảng tháng 6 năm 1954 thì nhà trường gọi về để bố trí cho đi tiếp quản Thủ đô...”, ông Vũ Khiêm (79 tuổi) ở Hà Nội mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những kỷ niệm như thế. Trước khi đi, ông cùng các đồng đội được bồi dưỡng 8 chính sách và 10 điều kỷ luật về tiếp quản, được nghe một buổi ngoại khóa giới thiệu về Thủ đô. Việc tiếp quản các vị trí đóng quân của Pháp tuyệt đối không để xảy ra va chạm, xung đột, mỗi cán bộ cần nêu cao tinh thần cảnh giác, bình tĩnh, sáng suốt, không để quân địch khiêu khích, ảnh hưởng đến việc thi hành Hiệp định. Đồng thời bảo vệ, làm hậu thuẫn cho các cơ sở cách mạng, đấu tranh chống khủng bố, cướp bóc, phá hoại, giữ ổn định trật tự trị an… Những mường tượng và ý niệm về một Thủ đô ngày giải phóng, hòa bình đã hình thành sẵn trong ông từ đó.
Khoảng tháng 9, ông Khiêm cùng hơn chục cán bộ Công an theo mảng (bè) từ sông Gâm xuôi về Phú Thọ, lênh đênh trên mảng chạy cả đêm. “Đến cầu Việt Trì – Phú Thọ nhìn thấy ánh đèn từ xa thì anh em sung sướng lắm, dù phải dừng lại nằm chờ ở đó một đêm, muỗi đốt sưng vù cả chân tay mặt mũi”. Sáng hôm sau, đoàn tiếp tục xuôi mảng về Sơn Tây, chuyển lên đường bộ, đi xe hàng từ Sơn Tây về Ba La – Bông Đỏ, rồi từ đó đi bộ về Thường Tín nằm chờ. Đúng ngày giải phóng ông được giao tiếp quản Ngã Tư Sở. “Chẳng còn ai, chẳng còn gì nữa, cả đồn bốt trơ trọi, chỉ còn mỗi 1 cái ghế đẩu và 1 điện thoại quay số, đến cầu chì chúng nó cũng tháo hết mang đi...”, ông Vũ Khiêm nhớ lại. Ông cùng đồng đội bắt tay vào dọn dẹp, sắp xếp lại trụ sở. Nhiệm vụ đầu tiên là phụ trách văn thư Ban trị an hành chính Ty Công an ngoại thành, hằng ngày lập báo cáo gửi sang Ủy ban Quân chính ngoại thành. Sau đó ông tiến hành song song 2 nhiệm vụ là chống cưỡng ép di cư (một số tổ chức vận động bà con theo đạo Thiên Chúa bỏ Hà Nội vào Nam), và cấp giấy thông hành cho người dân xuống Hải Phòng, lên tàu vào Nam…
Ông Vũ Khiêm kể lại những kỷ niệm tiếp quản Ngã Tư Sở |
Cùng khóa với ông Vũ Khiêm còn có ông Phan Bạch Liên. Tháng 8 năm 1954, khi ông Liên đang học ở Trường CATW thì được cử đi cải cách ruộng đất ở xã Chiến Thắng, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau đó ông được gọi về Trường học về chính sách quản lý đô thị, chuẩn bị cho công tác tiếp quản Thủ đô. Ngày 7/10 ông cùng một số học sinh khác đi chặt tre nứa để làm mảng, xuôi từ sông Gâm về Sơn Tây (Hà Nội), ngày hôm sau thì lên xe hàng của dân về xã Ước Lễ, huyện Đan Phượng. Ông được cử đi phân phối quần áo cảnh phục mới cho anh em vào tiếp quản Hà Nội. Quân phục của lực lượng Công an thời đó y như quân phục của bộ đội, nhưng khác là trên mũ có gắn phù hiệu Công an may bằng vải nỉ đỏ, thêu ngôi sao vàng 5 cánh, hai chữ “CA” lồng vào nhau, vành ngoài nhánh lúa màu xanh mạ để dễ dàng phân biệt. Ngoài ra còn có thắt lưng to bản…
Tối 9/10 ông cùng 30-40 người nữa lên xe hàng vào tiếp quản Hà Nội, đi qua thị xã Hà Đông rồi vào thẳng 15 Trần Bình Trọng, và chờ ở đây cho đến sáng. Đúng sáng 10-10, khi cả Thủ đô tưng bừng chào đón đoàn quân giải phóng thì ông nhận lệnh tiếp quản trụ sở Công an Hà Nội. “Tôi cùng một người nữa được gọi sang Sở Công an Hà Nội nhận nhiệm vụ, việc đầu tiên là làm vệ sinh tầng 2 của Sở, lúc này cán bộ không có nên bất kỳ ai được phân công việc gì thì làm việc đó thôi, không nề hà gì cả…”, ông Liên hồi tưởng lại những khoảnh khắc đầu tiên. Rồi những ngày sau đó ông liên hệ với công binh rà mìn toàn bộ trụ sở, tiếp quản số ôtô của ngụy để lại, vũ khí của người dân các quận đem nộp, tiến hành cấp phát quân trang, sang UBND thành phố nhận vải đi nhuộm, may đo quần áo…
Nắm tình hình, giữ vững an ninh chính trị
Cũng học lớp đào tạo sỹ quan Công an đầu tiên Trường CATW, nhưng trước đó ông Lý Văn Bùi (85 tuổi), ở Văn Yên, Đại Từ, Thái Nguyên lại đang là bộ đội ở Tiểu đoàn Vận tải, Bộ Quốc phòng. Đầu năm 1954 ông được cử đi cải cách ruộng đất ở Yên Bái, đến ngày 2/10 thì nhận được lệnh của Trường triệu tập về. “Ngay ngày hôm đó tôi vác ba lô đi bộ một mạch từ Yên Bái về Tuyên Quang, ròng rã hơn 1 ngày trời thì đến nơi…”. Lúc này Trường chẳng còn ai, tất cả cán bộ, học viên đều đã về Hà Nội chuẩn bị tiếp quản hết rồi. “Tôi gặp cán bộ thường trực để nhận Quyết định về tiếp quản Thủ đô, cùng với 1 cái mảng, 2 nắm cơm và một ít muối rang, cứ thế xuôi về” – Ký ức lần lượt hiện về trong ông như một cuốn phim quay chậm, dù khoảng cách thời gian và đau yếu, bệnh tật khiến những mảng ký ức có chỗ đậm, chỗ mờ. “Tôi một mình ra sông Gâm lên mảng xuôi về Việt Trì (Phú Thọ), ngày hôm sau tới nơi thì nhập vào đoàn gồm 8 người, từ đây tiếp tục xuôi dòng về Sơn Tây (Hà Nội)”. Đầu tiên ông được giao tiếp quản trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam ở 84 Quán sứ.
Bà Nguyễn Thị Kiện được phân công tiếp quản Bưu điện, làm công tác ngoại tuyến |
Ông tiếp chuyện: “Tiếng là tiếp quản nhưng lính Pháp đóng nẹp hết cửa sổ và cửa ra vào, không cho phía ta tiếp xúc với nhân dân, dặn dò chúng tôi rằng nếu nhân dân có gọi cũng không được trả lời”. Hôm sau chúng phát cho mỗi người trong đoàn 2 cái bánh mì và 1 hộp đường để ăn sáng, rồi dẫn sang nhà tù Hỏa Lò. “Quang cảnh nhà tù lúc này thật kinh khủng, rác chất thành từng đống từ ngoài vào trong, ngổn ngang bừa bãi, bốc mùi hôi thối”. Tại đây giam giữ 160 phạm nhân, trong đó có 2 tử tù tên là Khuê và Cải, quê thị xã Hà Đông, phạm tội tống tiền, cướp của. Ông được đoàn phân công tiếp nhận hậu cần, trong đó có 600 chiếc chăn chiên và 600 khóa xích tay, tiếp xúc với nhà thầu… Liên tục từ 5 – 9/10, ngày nào ông Bùi và đồng đội cũng được đưa từ 84 Quán Sứ sang Hỏa Lò, mỗi ngày 2 lần, để nhận bàn giao, dọn dẹp vệ sinh… chuẩn bị tiếp quản. Đúng 10h sáng 10/10, Pháp ký biên bản bàn giao nhà tù Hỏa Lò cho ta.
Trong số lực lượng cán bộ Công an được phân công về tiếp quản Thủ đô còn có cả những cán bộ nữ. Bà Nguyễn Thị Kiện, quê Thiệu Quang, Thiệu Hóa, Thanh Hóa cho biết: “Tôi được Công an Thanh Hóa cử đi học Trường CATW khóa 2, đến đầu tháng 10 năm 1954 thì nhận được lệnh của cấp trên xuôi mảng về tiếp quản Thủ đô”. Ngày 10/10, bà cùng các đồng đội tập trung ở nhà thương Đồn Thủy, nay là Viện Quân y 108 nghe phổ biến công tác. Bà được phân công sang ngành Bưu điện làm công tác ngoại tuyến. “Nghiệp vụ Bưu chính có 3 hệ, là hệ phổ thông, hệ 1 và hệ đặc biệt thì tôi được giao làm nghiệp vụ bưu hệ đặc biệt (phụ trách công văn bí mật, tuyệt mật, tối mật)...”. Cụ thể, bà làm công tác theo dõi, nắm tình hình của các đối tượng lưu dung, những người từng làm cho chế độ Pháp, để xem ai là người của ta, ai giúp địch…
Bên cạnh đó là theo dõi thông tin, danh sách điện thoại, điện báo quốc tế, hệ ngoại dịch, kiểm soát thư mật, tuyệt mật có vấn đề. Thư nào phát hiện nghi vấn đưa về số 3 Đinh Lễ, trụ sở Cục Thông tin của Bộ Công an để kiểm duyệt. Vừa tròn 18 tuổi, mặc dù còn rất trẻ nhưng có đạo đức tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, lại được đào tạo bài bản nên bà được giao trọng trách lớn lao… Qua công tác nghiệp vụ, bà đã phát hiện, giúp ta bắt đối tượng Trần Bông, cán bộ Phòng ngoại dịch làm gián điệp, chuyên tuồn thông tin cho Pháp…
60 năm sau ngày tiếp quản Thủ đô với các thế hệ Công an nối tiếp, hiện Công an Hà Nội đã lớn mạnh không ngừng về cả tổ chức lực lượng, phương tiện, trình độ văn hóa, kỹ thuật nghiệp vụ…, đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc ANTT Thủ đô. Những CBCS vào tiếp quản Thủ đô ngày nào đến nay nhiều người đã về cõi vĩnh hằng, hoặc đang ở tuổi xưa nay hiếm. Thế nhưng, họ vẫn luôn yêu đời, vẫn giữ vững phẩm chất người Công an cách mạng, là công dân gương mẫu ở nơi cư trú, vui sống giản dị bên gia đình và con cháu. Họ là những tấm gương sáng phản chiếu về một thế hệ cán bộ Công an anh dũng, kiên cường, luôn sẵn sàng sống và chiến đấu vì Thủ đô thân yêu, xứng đáng để các thế hệ trẻ đời đời học tập và noi theo…
Nguồn: cand.com.vn