Văn hóa - Giáo dục
Phân tầng, xếp hạng cơ sở giáo dục đại học
15:01, 04/10/2014 (GMT+7)
Các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) sẽ được phân thành 3 tầng: Cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu; định hướng ứng dụng và định hướng thực hành; trong mỗi tầng có thể xếp thành 5 hạng theo thứ tự cao, thấp về chất lượng.
Đề xuất trên được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học.
Phân tầng cơ sở GDĐH
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, phân tầng là sự sắp xếp theo nhóm các cơ sở GDĐH dựa trên các tiêu chí quy định.
Việc phân tầng cơ sở GDĐH nhằm phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH phù hợp với yêu cầu cơ cấu nguồn nhân lực trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; là căn cứ để các trường xác định mục tiêu đào tạo trung hạn và dài hạn, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học phù hợp; là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước xây dựng cơ chế chính sách và thực hiện quản lý nhà nước đối với hệ thống GDĐH.
Phân tầng cơ sở GDĐH được thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn 10 năm.
Tại dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất phân tầng cơ sở GDĐH thành 3 loại: Cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu; cơ sở GDĐH định hướng ứng dụng; cơ sở GDĐH định hướng thực hành với những tiêu chí cụ thể. Ví dụ, cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu phải đạt tiêu chuẩn về quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo là: Quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ không dưới 50% tổng qui mô toàn trường; số chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu chiếm hơn 60% tổng số các chương trình đào tạo của trường; có không ít hơn 70% số ngành đào tạo có các chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ; có không ít hơn 50% số ngành đào tạo có các chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ...
5 hạng cơ sở GDĐH
Tại dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất rõ những quy định về xếp hạng cơ sở GDĐH.
Cụ thể, xếp hạng là sự sắp xếp các cơ sở GDĐH theo thứ tự cao, thấp về chất lượng được tính bằng điểm theo khung xếp hạng trong mỗi tầng của hệ thống GDĐH. Khung xếp hạng là sự phân nhóm các cơ sở GDĐH theo kết quả xếp hạng trong mỗi tầng.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, xếp hạng cơ sở GDĐH nhằm công khai minh bạch chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của các cơ sở GDĐH; đánh giá năng lực, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của các cơ sở GDĐH một cách khách quan, làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế đặt hàng, đầu tư phù hợp; tạo sự cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong toàn hệ thống.
Do vậy, tại dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ khung xếp hạng cơ sở GDĐH bao gồm 5 hạng: hạng 1, hạng 2, hạng 3, hạng 4 và hạng 5.
Các hạng được tính theo % số các trường trong từng tầng, được chia theo nhóm từ cao xuống thấp, được làm tròn số, cụ thể như sau: Hạng 1 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng cao nhất; hạng 2 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 1; hạng 3 là nhóm 40% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 2; hạng 4 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 3; hạng 5 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng thấp nhất.
Tại dự thảo, Bộ này cũng đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể để xếp hạng các cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu; cơ sở GDĐH định hướng ứng dụng; cơ sở GDĐH định hướng thực hành về 4 phương diện: Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo; cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ; chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.
Dự thảo nêu rõ, việc xếp hạng cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo chu kỳ 2 năm/lần. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng dẫn cách tính điểm, xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.
Nguồn: Chinhphu.vn