Văn hóa - Giáo dục
Tăng học phí đại học cần tỉ lệ thuận với nâng cao chất lượng đào tạo
07:51, 02/10/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Năm học 2014 - 2015, mức thu học phí của hầu hết các trường đại học, cao đẳng cả trong và ngoài công lập đều được điều chỉnh tăng từ 20 - 25%. Trong bối cảnh ngân sách dành cho giáo dục đại học hiện còn khá khiêm tốn, trong khi đó, chất lượng đào tạo ở bậc học có nhiều nét đặc thù này lại phụ thuộc nhiều yếu tố liên quan đến vấn đề tiềm lực tài chính. Do đó, tăng học phí để các trường có đủ nguồn kinh phí hoạt động là cần thiết, song cần có lộ trình với mức điều chỉnh tăng phù hợp và nhất thiết phải gắn với yêu cầu tiên quyết là nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo Nghị định 49/2010 của Chính phủ về mức trần học phí đối với đào tạo trình độ đại học tại trường công lập theo các nhóm, ngành đào tạo, chương trình đại trà từ năm học 2014 - 2015 là: Với các ngành Khoa học xã hội, Kinh tế, Luật, Nông, Lâm, Thủy sản (nhóm 1) 5,5 triệu đồng/năm; với các ngành Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ, Thể dục thể thao, Nghệ thuật, Khách sạn, Du lịch (nhóm 2) 6,5 triệu đồng/năm; Y, Dược (nhóm 3) 8 triệu đồng/năm. Hiện nay, ngân sách dành cho giáo dục đại học còn khá khiêm tốn, trong khi đó, chất lượng đào tạo ở bậc học có nhiều nét đặc thù này lại phụ thuộc tới nhiều yếu tố liên quan đến vấn đề tiềm lực tài chính: Trả lương cho giảng viên tương xứng với chất xám mà họ bỏ ra; xây dựng, phát triển quy mô trường lớp, phòng thực hành, thí nghiệm đồng bộ, hiện đại.
Nguồn kinh phí đào tạo của các trường đại học đang phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ học phí, trong khi thiết bị phục vụ giảng dạy, chi phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đã có một “mặt bằng” giá mới. Yêu cầu tăng lương, tăng thu nhập đối với đội ngũ giảng viên, nhất là đội ngũ giảng viên trẻ để họ yên tâm công tác và nghiên cứu khoa học đang trở nên cấp thiết. Việc tăng học phí đại học ở mức độ phù hợp có thể tạo ra “cú hích” để nâng cao chất lượng đào tạo.
Hình minh họa |
Tuy nhiên, hiện nay nước ta vẫn là một nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Mặt bằng thu nhập phần lớn còn ở mức trung bình và thấp. Một gia đình công chức có thu nhập trung bình trên dưới 5 triệu đồng/tháng. Một gia đình sản xuất nông nghiệp thuần tuý chỉ có mức thu nhập trung bình khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, một sinh viên từ nông thôn ra thành phố học đại học không chỉ phải lo chuyện học phí mà còn phải tính đến nhiều khoản “ăn theo” khác: Tiền thuê nhà trọ, tiền ăn, tiền điện, nước, liên lạc… Đó là chưa kể đến các khoản như: Tiền mua tài liệu học tập, tiền học thêm Tin học, Ngoại ngữ… Do đó, việc đề ra một mức học phí quá cao có thể “gây khó” cho sinh viên.
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục đại học lâu nay còn bộc lộ nhiều bất cập. Số giảng viên bậc đại học ở nước ta mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu. Đối chiếu với chuẩn trung bình quốc tế 15 - 20 SV/giảng viên và mức trung bình gần 30 SV/giảng viên của ta hiện nay, bậc giáo dục đại học ở nước ta còn thiếu khoảng từ 50.000 -55.000 giảng viên. Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên hiện nay còn bộc lộ nhiều tồn tại. Một trong những thước đo chất lượng giảng viên đại học là thành tích trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, do giảng viên lên lớp quá nhiều giờ, không có thời gian dành cho hoạt động nghiên cứu nên số công trình khoa học ra đời hàng năm còn hạn chế, khả năng ứng dụng trong thực tiễn chưa cao.
Thiếu thời gian và kinh phí cũng khiến cho đội ngũ giảng viên không có điều kiện đầu tư cho việc biên soạn giáo trình, cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy. Đội ngũ giảng viên còn có nhiều “vấn đề” cả về số lượng và chất lượng nhưng có một thực tế là trong những năm gần đây, hàng loạt trường đại học mới đã được cấp phép hoạt động. Một mặt, số lượng trường, ngành nghề đào tạo tăng cao, mặt khác, đội ngũ giảng viên có trình độ, cơ sở vật chất trường lớp chưa đáp ứng kịp so với yêu cầu. Trong hoàn cảnh đó, chất lượng đào tạo khó có thể đảm bảo. Như vậy, tăng học phí để các trường có đủ nguồn kinh phí hoạt động là cần thiết, song cần có lộ trình và nhất thiết phải gắn với yêu cầu tiên quyết là nâng cao chất lượng đào tạo.
Tăng học phí trong thời điểm hiện nay là vấn đề nhạy cảm, không chỉ tác động tới bản thân mỗi sinh viên mà còn ảnh hưởng tới đời sống các gia đình có con đang học đại học. Yêu cầu tăng học phí phải đi đôi với tăng chất lượng đào tạo là hoàn toàn chính đáng. Thiết nghĩ, khi tăng học phí, vai trò quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT cần được coi trọng hơn qua việc thường xuyên thanh, kiểm tra, giám sát mức thu và mục đích sử dụng nguồn thu từ học phí của các trường đại học. Trong quy định khung cho phép tăng học phí, độ dao động giữa mức học phí tối thiểu (mức trần) và mức tối đa là khá lớn. Nhiều người lo ngại, khi giao quyền chủ động cho các trường thì các trường thường áp dụng ở mức tối đa cho phép.
Do đó, cần có thêm quy định, chỉ có các trường hội đủ các yếu tố đào tạo, đã qua kiểm định chất lượng mới được thu học phí cao. Đó cũng là động lực để các trường nâng cao chất lượng. Ngoài ra, việc tăng học phí phải song hành với các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện đối với các đối tượng sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn như: Tăng mức học bổng, quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó; tiếp tục mở rộng, triển khai chính sách hỗ trợ cho sinh viên vay vốn với lãi suất thấp để học tập. Mục đích là không để cho bất cứ sinh viên nào phải bỏ học chỉ vì gánh nặng học phí.
Minh Tuấn