Văn hóa - Giáo dục
Cần quan tâm nhiều hơn tới việc 'dạy người' trong nhà trường
14:21, 07/10/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Từ trước tới nay, song song với việc dạy chữ, cung cấp kiến thức, việc “dạy người” cho học sinh đã được các nhà trường quan tâm với nhiều hình thức khác nhau. Câu “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn được nhiều đơn vị trường học đặt ở những vị trí trang trọng như lời nhắc nhở mỗi học sinh thực hiện bổn phận rèn luyện, tu dưỡng bản thân. Ngành giáo dục đã triển khai sâu rộng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhằm tạo môi trường học đường lành mạnh, hòa đồng, giúp học sinh có điều kiện hoàn thiện nhân cách về mọi mặt.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đã và đang xuất hiện những hiện tượng đáng lo ngại về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ học sinh - sinh viên (HS - SV). Nhiều HS - SV không xác định được cho mình động cơ học tập, mục đích sống đúng đắn, cụ thể nên đã xuất hiện những quan niệm, lối sống lệch lạc như: Sống thoáng, sống thử, sống gấp, thích hưởng thụ, bàng quan, ích kỉ, vô cảm…
Song song với việc dạy chữ, việc 'dạy người' cũng rất cần được các nhà trường quan tâm - Ảnh minh hoạ |
Tình trạng HS - SV lãng phí thời gian và tuổi trẻ ở quán sá, đắm mình trong các trò chơi kích động, bạo lực, đặc biệt, tỉ lệ HS - SV sa ngã vào các tệ nạn xã hội đang có chiều hướng gia tăng. Điều đáng nói là hiện tượng phạm pháp ở tuổi học trò với những vụ việc nghiêm trọng như cướp của, giết người đã không còn cá biệt. Thực trạng trên khiến cho dư luận xã hội không khỏi băn khoăn, lo lắng. Đây thực sự là những mảng tối trong bức tranh toàn cảnh về công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong HS - SV ở các trường học hiện nay.
Có thể thấy, tình trạng đáng buồn trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Trước hết là do sự thiếu cố gắng học tập, tu dưỡng, rèn luyện của bản thân một bộ phận HS - SV. Việc thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội dẫn đến lối sống buông thả từ đó sa ngã. Công tác giáo dục đạo đức trong nhà trường mặc dù được chú trọng nhưng đã bộc lộ những hạn chế nhất định.
Bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế thị trường đã và đang tác động tiêu cực đến thế giới quan, nhận thức của không ít HS - SV, dẫn đến những quan niệm sống lệch chuẩn, tôn sùng chủ nghĩa cá nhân và các giá trị vật chất. Mặt khác, sự buông lỏng, thiếu quản lí, quan tâm hay chiều chuộng quá mức của một số gia đình cũng làm nảy sinh ở con cái lối sống ích kỉ, đua đòi, thích hưởng thụ. Một nguyên nhân quan trọng khác là chất lượng hoạt động đoàn cấp cơ sở ở một số địa phương còn hạn chế, chưa thu hút được đông đảo HS - SV vào các sân chơi lành mạnh, bổ ích, các công tác xã hội vì cuộc sống cộng đồng.
Trước tình trạng bất cập, hạn chế trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống của một bộ phận HS - SV hiện nay, thiết nghĩ, vấn đề “dạy người” cho HS - SV càng cần được chú trọng. Mỗi HS - SV cần sớm xác định cho mình động cơ học tập, mục đích sống đúng đắn, từ đó ra sức rèn luyện, tu dưỡng để không ngừng hoàn thiện bản thân. Các gia đình cần thắt chặt hơn nữa công tác quản lý, giáo dục con cái.
Ngay từ nhỏ, cần hình thành cho trẻ nhân cách, bản lĩnh sống để có thể tự đưa ra những cách hành xử phù hợp trong các tình huống khó khăn trong cuộc sống. Nhà trường song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học cần chú trọng hơn công tác giáo dục đạo đức cho học sinh. Lợi thế của môn học đạo đức (ở bậc tiểu học), môn giáo dục công dân (ở cấp THCS, THPT) cần được tận dụng tối đa, triệt để.
Để có thể thu phục, giáo dục được đạo đức, nhân cách của học trò, mỗi giáo viên phải thực sự là một tấm gương mẫu mực về nhân cách, lối sống để học sinh noi theo. Bên cạnh đó, cần không ngừng đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động đoàn và phong trào thanh, thiếu niên ở các cấp, đặc biệt là ở cấp chi đoàn nhằm thu hút rộng rãi đoàn viên thanh niên vào các sân chơi lành mạnh, các chương trình chung sức vì cộng đồng, từ đó tạo cơ hội để rèn luyện, bồi đắp lý tưởng sống đúng đắn, hoàn thiện nhân cách bản thân.
Có thể khẳng định rằng, giáo dục đạo đức, lối sống cho HS - SV là vấn đề quan trọng cấp thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Bởi công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển đất nước giàu mạnh trong tương lai đang trông đợi rất nhiều vào những thế hệ HS - SV vừa có năng lực, kiến thức vừa có nhiệt huyết, nhất là có hoài bão và lý tưởng sống đúng đắn, phù hợp.
Bùi Minh Tuấn