Văn hóa - Giáo dục
Kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014)
Ca khúc về Hà Nội trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam
09:10, 08/10/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, kiên cường, anh dũng trong chiến tranh và thơ mộng, thanh lịch trong thời bình đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nhạc sĩ. Nếu như có ai đó làm một cuộc khảo sát những ca khúc viết về một địa danh trên đất nước ta thì chắc Hà Nội sẽ chiếm vị trí “quán quân” về số lượng những ca khúc hay và cả sức lan toả trong lòng người yêu nhạc.
Có một Hà Nội kiên cường trong chiến tranh
Ngược dòng thời gian, gắn liền với bối cảnh lịch sử của những năm tháng Hà Nội cùng cả nước kiên cường trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm đầy gian khổ. Những ca khúc viết về Hà Nội thời kỳ này phần nhiều mang đến cho người nghe một âm hưởng trầm hùng mà da diết. Trong số những ca khúc ấy, “Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi được xem như một bản hùng ca, ngợi ca Hà Nội gắn liền với cuộc chiến đấu bảo vệ thủ đô.
Hà Nội là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nhạc sĩ với nhiều ca khúc hay và có sức lan toả - Ảnh minh họa |
Bài hát ra đời năm 1947, sau khi Hà Nội đã vùng lên chiến đấu theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với những ca từ mang tính tự sự, trong phần mở đầu bài hát, tác giả đã làm hiện lên trong tâm trí người đọc hình ảnh thủ đô đã có một nghìn năm văn hiến vẫn rất thân quen, gần gũi: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu...”. Âm hưởng da diết ban đầu chìm xuống, thay vào đó là âm hưởng anh hùng ca với nhịp hành khúc gợi lên nhịp đi của những người anh hùng sắp sửa bước vào trận quyết chiến với kẻ thù: “Hồng Hà tràn đầy, Hồng Hà cuốn, ngàn nguồn sóng, tràn đầy dâng…”.
Nếu như “Người Hà Nội” là lời thề son sắt buổi lên đường thì “Tiến về Hà Nội” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1949 đã miêu tả sinh động bằng âm nhạc cảnh tượng đoàn quân giải phóng tiến về thủ đô ngày chiến thắng. Điều đáng nói, thời điểm bài hát ra đời cách xa ngày giải phóng thủ đô sau này đến 5 năm mà người nhạc sĩ tài hoa vẫn “vẽ” được hình ảnh: “Chúng ta đi nghe vui, lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố”, trong niềm sung sướng, tự hào: “Chúng ta đem vinh quang, sức dân tộc trở về” khi mà “cả cuộc đời vui tươi từ đây”.
Từ khi ra đời đến nay, “Tiến về Hà Nội” vẫn được nhiều người yêu mến. Âm thanh của ca khúc vẫn thường xuyên vang lên, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô 10/10. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội được biết đến là một thủ đô anh hùng vẫn kiên cường trụ vững trong mưa bom, bão đạn, trong khói lửa chiến tranh. Đặc biệt, trong 12 ngày đêm cuối cùng của năm 1972, quân và dân Hà Nội anh hùng đã làm nên một trận Điện Biên Phủ trên không khiến cho kẻ thù phải khuất phục. Nhạc sĩ Phan Nhân, người con của vùng sông nước Cửu Long đã may mắn tận mắt chứng kiến những giây phút hào hùng đó và đã sáng tác bài “Hà Nội niềm tin và hy vọng”.
Trong những ca từ đẹp, tươi sáng, người nghe nhận ra được niềm tự hào, trìu mến: “Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng/ Của núi sông hôm nay và mai sau/ Chân ta bước lòng ung dung tự hào /Kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao…”. Không chỉ mang tính ngợi ca, bài hát còn thể hiện niềm lạc quan, tin tưởng vào một ngày mai tất thắng.
Những năm tháng chiến tranh, đất nước bị chia cắt làm hai miền, trong buồn thương và chia ly, người Hà Nội vẫn giữ được những nét hào hoa, lãng mạn vốn có. Ca khúc “Gửi người em gái” của Đoàn Chuẩn - Từ Linh được ra đời trong những ngày mùa xuân năm 1956 là một bản tình ca đẹp, dẫu có phảng phất buồn: “Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng/ Rừng đào phong kín cánh mong manh hé hoa lòng/ Hà Nội chờ đón tết, hoa chen người đi, liễu rủ mà chi/ Đêm tân xuân, Hồ Gươm như say mê/ Chuông reo ngân, Ngọc Sơn sao uy nghi/ Đường phố vắng bóng đèn/ Chạnh lòng tôi nhớ tới người em”. Bài hát bộc lộ những nỗi niềm riêng tư, thầm kín nhưng đã tìm được sự sẻ chia trong tâm hồn của những người đồng điệu cùng chung một thế hệ.
…và thơ mộng, thanh lịch trong thời bình
Bước ra những năm tháng khói lửa chiến tranh, Hà Nội vươn lên dựng xây cuộc sống mới. Những ca khúc viết về Hà Nội thời kỳ sau năm 1975 thể hiện những xúc cảm đằm sâu về một thủ đô thơ mộng, thanh lịch, mang trong mình những trầm tích văn hoá với bản sắc riêng. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội. Kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Thủ đô, năm 1984, bài hát “Nhớ về Hà Nội” ra đời như là một sự tri ân của tác giả đối với mảnh đất và con ngưòi Hà Nội: “Dù có đi bốn phưong trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội/ Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hoà bình”.
Những kỷ niệm ngày nào còn gắn bó với thủ đô ùa về trong ký ức, bật lên thành những lời ca da diết đến nao lòng: “Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây, tiếng ve ru những trưa hè/ Và nhớ những công viên vừa mới xây, bước chân em chưa mòn lối/ Ôi nhớ Hồ Gươm xanh thắm, nơi tháp rùa nghiêng soi bóng/ Thành cũ Thăng Long, hồn nước non thiêng, còn lắng đâu đây, dấu xưa oai hùng, Hà Nội ơi”. Không phải ngẫu nhiên mà “Nhớ về Hà Nội” đã trở thành nỗi niềm đồng điệu của những con người đã từng sống và gắn bó với mảnh đất Hà Thành.
Trong số các nhạc sĩ có nhiều ca khúc hay về Hà Nội thì những bài hát của nhạc sĩ Phú Quang để lại ấn tượng đẹp và sâu lắng trong lòng người. Đó là những ca khúc có lời ca trong sáng, giản dị, giai điệu đẹp, chứa đựng nỗi niềm khắc khoải, nhớ thương tha thiết. Có thể kể ra đây một loạt những ca khúc như thế: “Hà Nội ngày trở về”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Em ơi Hà Nội phố”, “Lãng đãng chiều đông Hà Nội’. Người nghe có thể tìm thấy những nét đẹp rất riêng của Hà Nội trong âm nhạc của Phú Quang. Đó là vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc được cảm nhận qua nỗi cô đơn của người nghệ sĩ “Cây Bàng mồ côi mùa đông, mùa đông năm ấy, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ/ Tan lễ chiều, sao còn vọng tiếng chuông ngân…”. Có khi là vẻ đẹp trong cảnh yên tĩnh về đêm trong “Im lặng đêm Hà Nội”.
Nhắc đến những ca khúc viết về Hà Nội, không thể không đề cập đến những bài hát về mùa thu Hà Nội. Vẻ quyến rũ rất riêng của mùa thu Hà Nội đã khơi gợi cảm hứng sáng tác cho nhiều nhạc sĩ. Để rồi nhiều bài hát về mùa thu Hà Nội đã ra đời và để lại ấn tượng đẹp trong lòng người như: “Hà Nội mùa thu” (Vũ Thanh), “Có phải em mùa thu Hà Nội” (Trần Quang Lộc), “Nhớ mùa thu Hà Nội” (Trịnh Công Sơn)…
Còn rất nhiều những bài hát khác viết về Hà Nội. Mỗi nhạc sĩ đều tìm những cách riêng để thể hiện nỗi niềm, cảm xúc và tình yêu đối với Hà Nội trong mỗi “đứa con tinh thần” của mình. Và vì thế, dù được viết vào thời kỳ nào, những bài hát về Hà Nội cũng để lại trong lòng người những dư vang lắng sâu, đặc biệt.
Bùi Minh Tuấn