Văn hóa - Giáo dục

Siết chặt quản lý hoạt động các nhóm, lớp mầm non tư thục

09:38, 20/10/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Năm học mới vừa bắt đầu, trước thực trạng quá tải học sinh bậc mầm non khiến nhiều trẻ không được đến lớp thì việc ngày càng gia tăng số lượng các nhóm, lớp mầm non tư thục đã phần nào giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên, những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý hoạt động các nhóm, lớp này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bởi vậy, việc tăng cường quản lý nhóm, lớp thuộc khối mầm non tư thục đặt ra không chỉ đối với ngành giáo dục, mà còn cần sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương và các cơ quan, ban, ngành liên quan.
 
Phát triển nhanh về số lượng
 
Theo thống kê, trên địa bàn TP Vinh đến thời điểm trước năm học 2014 - 2015, số trẻ có nhu cầu ra lớp là trên 18.000 cháu (chưa bao gồm các nhóm trẻ độc lập), tăng nhiều so với năm trước (trên 17.000 cháu đã bao gồm nhóm trẻ độc lập). Con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 88% nhu cầu ra lớp của trẻ mầm non trên địa bàn.
 
Được biết, hiện tại thành phố có 51 trường mầm non, trong đó số trường ngoài công lập gần tương đương với số trường công lập (29 trường công lập, 23 trường ngoài công lập), ngoài ra còn có 65 nhóm trẻ độc lập.
 
Thực tế, việc ngày càng tăng về số lượng các nhóm, lớp mầm non tư thục đã mang lại những tác động tích cực, góp phần giảm bớt gánh nặng và tình trạng quá tải cho các trường mầm non công lập, đáp ứng nhu cầu được đến trường đúng độ tuổi của trẻ.
 
Nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục Sao Mai (phường Đông Vĩnh, TP Vinh)
Nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục Sao Mai (phường Đông Vĩnh, TP Vinh)
 
Chưa đảm bảo chất lượng
 
Trên thực tế, không thể phủ nhận vai trò tích cực của các nhóm, lớp mầm non tư thục trong việc giải quyết nhu cầu gửi con em của người dân, đặc biệt là bộ phận những người có thu nhập thấp, đồng thời giải tỏa phần nào áp lực cho các trường công lập. Tuy nhiên, thực trạng “cung không đủ cầu” trong tuyển sinh bậc học mầm non dẫn tới việc chính quyền địa phương buộc phải cho duy trì các điểm trông trẻ là các nhóm, lớp độc lập, dù đây đều là những nhóm hoạt động dưới hình thức tự phát và không đủ các điều kiện cơ bản về chăm sóc trẻ.
 
Hiện nay, bên cạnh những cơ sở mầm non tư thục được cấp phép và hoạt động hiệu quả, còn tồn tại nhiều cơ sở hoạt động không có giấy phép, không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất. Đáng chú ý là chất lượng giáo dục theo quy định chưa được quan tâm đúng mức, còn phổ biến tình trạng chủ yếu trông trẻ hơn là dạy. Kết quả đợt thanh tra trong thời gian gần đây nhất của Sở GD&ĐT Nghệ An cho thấy: Vẫn còn tồn tại một số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập không có biển tên nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo, địa chỉ, số điện thọai, số quyết định theo Quyết định cho phép thành lập, hoạt động, hoặc có cơ sở đề tên sai với quyết định thành lập.
 
Cơ sở vật chất ở một số trường dân lập và các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập nghèo nàn, xuống cấp, chưa đảm bảo các điều kiện dạy học, chăm sóc, giáo dục và sự an toàn tuyệt đối cho trẻ như phòng học hẹp, sân vườn không có hoặc diện tích hạn chế, bếp ăn chưa theo nguyên tắc một chiều. Bên cạnh đó, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, các tổ chức đoàn thể trong các trường chưa đầy đủ, không ổn định. Một số chủ cơ sở chưa có chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm mầm non hoặc quản lý theo quy định.
 
Đáng lưu tâm là việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở các nhóm, lớp độc lập hiện nay chưa được quản lý, thẩm định chặt chẽ. Cá biệt, tại một số nhóm, lớp độc lập có trẻ 5 tuổi nhưng chưa được hưởng các điều kiện học tập, chăm sóc, giáo dục theo đề án phổ cập trẻ em 5 tuổi.
 
Xuất phát từ những hạn chế trên, thực tế là trường ngoài công lập chiếm 23/51 trường mầm non trên toàn thành phố, nhưng trong năm học 2014 - 2015, các trường này chỉ thu hút được khoảng 4.000/18.000 trẻ ra lớp trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc tăng nhanh về số lượng các cơ sở mầm non tư thục, đặc biệt là các nhóm trẻ độc lập gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Một số phường có địa bàn rộng, lực lượng cán bộ quản lý mỏng, áp lực công việc nhiều, trách nhiệm của địa phương chưa phát huy hết vai trò quản lý tại địa bàn nên công tác kiểm tra, giám sát còn chưa chặt chẽ.
 
Tại Nghệ An, tuy đến nay chưa phát hiện trường hợp bạo hành trẻ em như ở một số tỉnh, thành khác trong cả nước, song sự tồn tại của các nhóm, lớp không phép này sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao nếu không được quản lý chặt chẽ. Để các nhóm, lớp mầm non tư thục; nhóm trẻ độc lập trở thành địa chỉ tin cậy về nuôi dạy trẻ, trong thời gian tới, thiết nghĩ cần sự vào cuộc quyết liệt và tăng cường phối hợp hoạt động giữa chính quyền địa phương và các cơ quan, ban, ngành liên quan. Đặc biệt là trong việc thường xuyên kiểm tra hoạt động của các nhóm, lớp này, đồng thời đình chỉ hoạt động của những nhóm, lớp không đảm bảo chất lượng theo quy định.
 

Hồng Hạnh

Các tin khác