Văn hóa - Giáo dục

Giáo dục tiểu học cần chống quá tải và hình thức

10:27, 16/10/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Từ 15/10, các trường tiểu học trong cả nước chính thức áp dụng việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, giáo viên sẽ không chấm điểm cho học sinh mà thay vào đó là những lời nhận xét, đánh giá. Học sinh không “chạy” theo điểm, nhưng vẫn phải học thêm! 
 
Theo Thông tư 30, đánh giá học sinh tiểu học là những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.
 
Vào cuối học kì I và cuối năm học, hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm họp với các giáo viên dạy cùng lớp, thông qua nhận xét quá trình và kết quả học tập, hoạt động giáo dục khác để tổng hợp đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh.
 
 Học sinh bậc tiểu học sẽ không phải
Học sinh bậc tiểu học sẽ không phải "chạy" theo điểm - Ảnh minh họa
 
Bỏ việc chấm điểm hàng ngày đối với học sinh tiểu học nhằm giảm áp lực cho học sinh, thực hiện tốt nhiệm vụ “Học thật tốt - Dạy thật tốt”, chống “bệnh” hình thức, tiêu cực trong sự nghiệp “trồng người”. Việc này đáng ra phải làm từ lâu!
 
Không ít thầy cô giáo cho rằng, bỏ chấm điểm hàng ngày đối với học sinh tiểu học, sẽ tăng áp lực với thầy cô giáo: chương trình, kiến thức bậc tiểu học nặng, không đủ thời gian để viết nhận xét cho từng học sinh ngay trên lớp; phải sát sao hơn nữa đối với từng học sinh thì mới đưa ra nhận xét, đánh giá đúng v.v...
Nếu nhìn hiện tượng, giáo dục tiểu học đang có nhiều “đổi mới” và bứt phá, nhưng “soi” vào chương trình, sách giáo khoa thì mới thấy học sinh tiểu học đang học quá tải, nếu không muốn nói là “bội thực”.
 
Ở nhiều nước trên thế giới, học sinh bậc tiểu học không phải học thêm, không phải làm bài tập ở nhà, còn ở Việt Nam, ngoài việc phải học thêm ở trường học, học thêm ở nhà thầy, cô giáo thì tối đến vẫn cần bố mẹ hoặc gia sư kèm thêm.
 
Chương trình ở bậc tiểu học nặng là do chúng ta xác định chưa đúng mục tiêu đào tạo. Mục tiêu quan trọng nhất của bậc học này dạy phương pháp học, cách học, chứ không phải “ấn” vào đầu cả mớ kiến thức. Đơn cử như học sinh lớp 1, lứa tuổi học mà chơi, nhưng đã phải “vật lộn” với việc tập viết những câu khá phức tạp, tập đọc thuộc lòng những câu rất dài...
 
Bậc tiểu học đang phải học thêm quá nhiều, một phần là do chương trình quá tải, một phần là do áp lực của phụ huynh. Lối suy nghĩ con mình cái gì cũng nhất, cái gì cũng hơn người, phải học thêm ngay từ bây giờ để trở thành cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ,... đã làm cho những tâm hồn non trẻ đánh mất tuổi thơ, suốt ngày học như một cái máy. Kỳ vọng vào con cái là mong muốn của bất kỳ cha mẹ nào, nhưng đánh giá đúng năng lực của con trẻ để “đầu tư” đúng hướng mới thực sự cần thiết. Nhiều người bằng cấp không cao nhưng vẫn được xã hội trân trọng, đơn giản vì họ nghiên cứu, sáng chế và cống hiến cho xã hội, còn nhiều người bằng cấp đầy mình chẳng có sáng chế, cải tiến kỹ thuật gì, cất để "trưng cho nó oai" và hưởng lợi.
 
Đổi mới giáo dục là việc rất khó, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, rất cần sự cộng đồng trách nhiệm của xã hội và mỗi gia đình. Sai lầm nào cũng phải trả giá, nhưng những quyết sách không đúng trong giáo dục thì cái giá phải trả sẽ vô cùng lớn.
 

Nguồn: dangcongsan.vn

Các tin khác