Văn hóa - Giáo dục
Bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, danh thắng
Cần sự chung sức, chung lòng
08:19, 16/10/2014 (GMT+7)
Bài 2. Khó khăn trong công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích
*Bài 3: Thay đổi cách nghĩ, cách làm trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản
(Congannghean.vn)-Khi nguồn ngân sách Nhà nước còn eo hẹp, việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ hòm công đức trong thời gian qua còn nhiều điều bất cập thì việc vận động và sử dụng nguồn xã hội hóa trong trùng tu, tôn tạo di tích (DT) một cách thiết thực, hiệu quả tại một số DT đang đem đến niềm hy vọng mới. Tuy con số này không nhiều nhưng cũng đã tạo ra hiệu ứng xã hội sâu rộng, đang len lỏi, ngấm dần vào tiềm thức của người dân.
Xã hội hóa công tác trùng tu, tôn tạo
Ngày 31/10/2013, đền Hai Hầu và nhà thờ họ Nguyễn Phùng tại xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương được công nhận là DT lịch sử cấp quốc gia. Ít ai biết rằng, để ngôi đền tồn tại, cùng với nhà thờ họ nằm trong một quần thể DT như hôm nay, hội đồng gia tộc và con cháu dòng họ đã phải hết sức nỗ lực.
Tiến sĩ Lâm Xuyên Hầu Nguyễn Phùng Thời (1684 - 1754) và con trai là Mai Lĩnh Hầu Tiến sĩ Nguyễn Bá Quýnh (1710 - 1772) là hai nhân vật được thờ trong ngôi đền thiêng này. Lịch sử ghi nhận, từ quan về quê, Nguyễn Bá Quýnh chuyên tâm dạy học. Học trò của ông đỗ đạt thành tài nhiều vô kể. Sau khi ông mất, khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, các học trò của ông đã góp tiền, xây dựng một ngôi đền thờ người thầy đạo cao, đức trọng bên dòng sông Lam thơ mộng. Đến năm 1965, ngôi đền được con cháu dòng họ Nguyễn Phùng di dời vào núi.
Thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, năm 1996, con cháu trong dòng họ Nguyễn Phùng đã đóng góp được trên 120 triệu đồng cùng hàng nghìn ngày công để đưa ngôi đền sáp nhập vào thửa đất rộng 2 sào được cấp. Ngôi đền lúc đó cũng chỉ mới là nguyên trạng những gì học trò ông Nguyễn Bá Quýnh xây dựng. Đến năm 2002, con cháu dòng họ tiếp tục đóng góp được 300 triệu đồng để xây dựng thượng điện của nhà thờ họ và hạ điện đền Hai Hầu...
Đền Hai Hầu, nhà thờ dòng họ Nguyễn Phùng được tôn tạo, xứng tầm với vị thế một di tích lịch sử cấp quốc gia |
Cùng với ngày công và vật liệu, từ năm 1996 đến nay, con cháu dòng họ Nguyễn Phùng đã đóng góp trên dưới 1 tỉ đồng tiền công đức để trùng tu, tôn tạo quần thể DT cấp quốc gia ngày càng khang trang.
Ông Nguyễn Phùng Hồng, Chủ tịch Hội đồng gia tộc kiêm Trưởng tộc Nguyễn Phùng phấn khởi: “Chúng tôi giáo dục con cháu trong dòng họ phải thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, phải luôn biết dùng nội lực để tự khắc phục khó khăn như cha ông mình đã từng làm. Vì vậy, hơn 400 gia đình con cháu khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam đều một lòng hướng về cội nguồn.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng công việc họ tộc luôn được bàn bạc thống nhất và con cháu đồng thuận cao. Nhà đóng góp nhiều, nhà đóng góp ít, cùng nhau trùng tu, tôn tạo nhà thờ, đền thờ ngày một đàng hoàng, xứng đáng với công đức cha ông để lại. Hàng năm, ngày giỗ tổ, rằm, mồng một, con cháu đều về đền và nhà thờ thắp hương tưởng nhớ tổ tiên với lòng biết ơn sâu sắc. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước thì chúng tôi không thể có được quần thể di tích như ngày nay. Thiết nghĩ, đây cũng là cách giáo dục thế hệ trẻ tốt nhất...”.
Đền Hai Hầu và nhà thờ họ Nguyễn Phùng tại xã Xuân Tường chỉ là một trong số các DT được tôn tạo từ nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, số DT được trùng tu, tôn tạo từ nguồn xã hội hóa hiện vẫn còn rất hạn chế và phần lớn thuộc nhóm những DT có nguồn thu lớn hoặc DT nhỏ do địa phương huyện, xã quản lý... Để việc phát huy giá trị các DT lịch sử văn hóa cần có những quyết sách mang tầm chiến lược. Việt Nam đã đi sau nhiều nước trên thế giới trong lĩnh vực này, nhưng như nhiều người vẫn nói, muộn còn hơn không, chúng ta cần sớm cứu các DT trước quy luật nghiệt ngã của thời gian.
Kinh tế di sản, “cú hích” trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích
Bà Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Nghệ An cho biết, điều cần thiết nhất hiện nay là phải thay đổi cách nghĩ, cách làm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ngành VHTT&DL Nghệ An đang khởi động một chiến lược dài hơi, một “cuộc cách mạng” trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các DT.
Nhu cầu nguồn lực cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị DT trên thực tế là rất lớn. Từ năm 2010 lại đây, tổng nhu cầu nguồn vốn phục vụ công tác trùng tu DT trên địa bàn tỉnh ta ước gần 500 tỉ đồng, số nguồn cần thiết cho bảo vệ DT thường xuyên hàng năm cũng cần tới hàng tỉ đồng. Hiện có 20 dự án đã được lập và phê duyệt. Mặc dù vậy, thực tế, nguồn chi cho các dự án từ vốn chương trình mục tiêu của Chính phủ rót về chỉ được trên dưới 10 tỉ đồng, ngân sách tỉnh dành tập trung cho một số dự án trọng điểm về DT cách mạng và nguồn cho bảo tồn DT thường xuyên chỉ trên dưới 1 tỉ đồng. Nguồn ngân sách Nhà nước không đáp ứng được nhu cầu, chúng ta cần tính đến một cách làm khác trong công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ DT.
Đầu năm 2014, Sở VHTT&DL Nghệ An đã trình UBND tỉnh xin chủ trương quy hoạch các DT trên địa bàn theo hướng đưa DT trở thành nguồn lực cho kinh tế du lịch. Để nguồn lực thu được từ DT sẽ quay trở lại đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy DT. Chủ trương Quy hoạch tổng thể bảo tồn hệ thống DT và phát triển kinh tế di sản tỉnh Nghệ An đến năm 2010, tầm nhìn 2030 do Sở VHTT&DL trình đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt.
Nội dung cơ bản của quy hoạch là phân chia các di sản thành các vùng trọng tâm và một hệ thống DT vệ tinh kèm theo, cùng với đó là các giải pháp về cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ du lịch và quảng bá. Mục đích hướng tới là để du khách trong nước và quốc tế biết đến, đến, ở lại, chi tiền cho hoạt động du lịch và có hứng thú quay lại. Điều đó có nghĩa là, du khách đến với Nghệ An không chỉ tìm đến một DT và chỉ dừng lại một buổi hay một ngày (như lâu nay), mà họ sẽ tham gia những tour du lịch di sản liên kết nhiều DT, cụm DT và sẽ ở lại nhiều ngày.
Tuy vậy, bà Hoàng Thị Quỳnh Anh cũng cho rằng, để tiến hành được quy hoạch này, đòi hỏi các cấp, ngành liên quan phải rất thấu hiểu câu chuyện của DT. Để phát triển kinh tế - xã hội, công tác quy hoạch phải đi đầu, phải đúng tầm và phải được coi trọng. Nếu không có sự ủng hộ của các cấp, ngành trong câu chuyện này, thì một mình Sở VHTT&DL không làm được gì và hệ thống DT quý giá, lưu giữ lịch sử văn hóa ngàn đời của dân tộc sẽ nhanh chóng bị tàn phá bởi thời gian, khí hậu miền Trung khắc nghiệt và cả bởi sự vô cảm, vô tình của con người.
Có được quy hoạch rồi, những bước đi tiếp theo sẽ được chỉ dẫn rõ ràng, như làm thế nào để thu hút nguồn lực từ xã hội hóa, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, các sản phẩm du lịch và quảng bá... Cách làm này được gọi là làm kinh tế di sản: “Một cách làm tương đối mới mẻ ở Việt Nam nhưng trên thế giới đã có nhiều nước thực hiện từ lâu và đem lại nguồn thu rất lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha… Nếu không làm được việc này thì công tác bảo tồn di tích không bao giờ theo kịp yêu cầu” - bà Hoàng Thị Quỳnh Anh nhấn mạnh.
Văn Dũng