Văn hóa - Giáo dục
Cần sự chung sức, chung lòng
Bài 1: Di tích, danh thắng trước quy luật nghiệt ngã của thời gian
(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, các ban, ngành chức năng ở Nghệ An đã có nhiều nỗ lực trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích nhưng thực tế cho thấy hiệu quả đem lại chưa cao. Các di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo chưa được bao lâu lại tiếp tục xuống cấp và trên thực tế, chưa phát huy hết giá trị trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
*Bài 2. Khó khăn trong công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích
Ngày 24/1/2011, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 195/QĐ-UBND “Ban hành quy định tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức ở các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Nghệ An”.
Theo đó, nguồn đóng góp công đức tại các di tích sẽ được trích 65% tiền mặt, 100% hiện vật, sức lao động để tu sửa, tôn tạo di tích; 30% tiền mặt cho lễ nghi, khánh tiết, điện nước, quảng cáo tuyên truyền, in ấn phiếu công đức, sơ kết, tổng kết và tổ chức lễ hội; 5% tiền mặt cho đội ngũ làm công tác bảo vệ, quản lý di tích (nhưng không quá 1 hệ số lương cơ bản của mỗi người trong 1 tháng, mỗi di tích tối đa không quá 8 người).
Di tích phân cho cấp nào quản lý thì nguồn công đức do cấp đó quản lý, sử dụng. Tiền, hiện vật công đức ở di tích nào thì được sử dụng cho di tích đó.
Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ một số di tích như: Đền Cờn (Hoàng Mai), đền Cuông (Diễn Châu), đền Quả Sơn (Đô Lương), đền Hoàng Mười (Hưng Nguyên), đền Hồng Sơn (TP Vinh)... có nguồn thu lớn. Số còn lại, phần lớn các di tích lịch sử, theo đánh giá của ngành Văn hoá Thể thao và Du lịch, số tiền công đức ít ỏi cũng chỉ đủ để duy trì các hoạt động đơn thuần của di tích chứ không đủ để trùng tu, tôn tạo khi xuống cấp.
Vì vậy, nguồn vốn đầu tư cho việc trùng tu, tôn tạo di tích hiện nay chủ yếu dựa vào Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa của Chính phủ và Chương trình Chống xuống cấp thường xuyên của UBND tỉnh. Ngoài ra, một phần kinh phí do nhân dân, chính quyền địa phương đóng góp, các nhà hảo tâm tài trợ.
Đình Lương Sơn, huyện Đô Lương ngày càng trở nên hoang lạnh |
Theo thống kê của Ban Quản lý Di tích và Danh thắng - Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Nghệ An, từ năm 2011 - 2014, UBND tỉnh đã chi 1,88 tỉ đồng để trùng tu, tôn tạo các di tích đang bị xuống cấp. Ngoài ra, sẽ có thêm 1,3 tỉ đồng bổ sung năm 2014 của UBND tỉnh để trùng tu, tôn tạo một số di tích đang xuống cấp nghiêm trọng.
Cùng với đó là 8,65 tỉ đồng từ nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa. Như vậy, tính đến hết năm 2014, trong vòng 4 năm, kinh phí tu bổ các di tích được xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia trên địa bàn Nghệ An là 12,03 tỉ đồng. Số tiền này dùng để tu bổ, tôn tạo cho 84 lượt di tích, tính bình quân, mỗi lượt trùng tu, ngân sách được cấp khoảng 143 triệu đồng.
Trong số này, có di tích được cấp từ ngân sách chống xuống cấp thường xuyên của UBND tỉnh chỉ với số tiền ít ỏi là 20 triệu đồng. Trong khi đó, để tôn tạo các di tích này, nguồn kinh phí phải lên đến hàng tỉ đồng, thậm chí hàng chục tỉ đồng. Vì vậy, ngân sách Nhà nước, trên thực tế chỉ đủ để duy trì sự tồn tại của các di tích chứ chưa đảm bảo điều kiện để di tích “sống khỏe” trong dòng chảy thời gian.
Theo ngành Văn hoá Thể thao và Du lịch Nghệ An, số tiền này chỉ như muối bỏ biển và chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu thực tế. Trước thực trạng xuống cấp của nhiều di tích, hàng năm, các địa phương đều trình xin kinh phí trùng tu, tôn tạo.
Tuy nhiên, để trùng tu di tích theo đúng báo cáo thực trạng của các địa phương lại cần một nguồn ngân sách “khổng lồ”. Vì vậy, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch phải tổ chức khảo sát, cấp kinh phí theo thứ tự ưu tiên cho di tích nào xuống cấp nghiêm trọng hơn.
Chính vì kinh phí nhỏ giọt, lại phải dàn trải nên nhiều di tích vừa khắc phục xong chỗ này lại xuống cấp chỗ khác. Có thể kể đến cụm di tích đình, đền, chùa Trung Kiên tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc. Di tích này được cấp kinh phí 3 lần trong 3 năm liên tục với tổng số tiền 600 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn đang nằm trong danh mục có nguy cơ sụp đổ.
Từ thực trạng đó, Ban Quản lý Di tích và Danh Thắng đang phải trình UBND tỉnh cấp vào nguồn tu bổ cấp thiết bổ sung năm 2014 số tiền 200 triệu đồng để tiếp tục tu bổ di tích này. Hay đền thờ Vua Lê tại xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, năm 2011 và 2012 đã được cấp kinh phí 400 triệu đồng tu bổ, tôn tạo, nhưng hiện nay lại đang nằm trong danh mục phải tu bổ cấp thiết bổ sung năm 2014 với số tiền 250 triệu đồng...
Công tác tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn Nghệ An hiện nay gặp nhiều khó khăn, ngoài vấn đề kinh phí, theo ngành Văn hoá Thể thao và Du lịch, còn do vấn đề thủ tục hết sức chặt chẽ. Khi địa phương trình cấp trên xin trùng tu, tôn tạo, Sở phải tiến hành khảo sát hạng mục, mức độ xuống cấp.
Sau khi được phê duyệt, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng phối hợp với Phòng Văn hoá Thông tin, Trung tâm Văn hoá huyện thống nhất các hạng mục tu sửa... Điều này khiến thời gian từ khi báo cáo thực trạng đến lúc được cấp kinh phí kéo dài, nhiều hạng mục khác của di tích lại tiếp tục xuống cấp. Ngân sách đầu tư bị xé lẻ vào việc thuê tư vấn thiết kế, giám sát... nên kinh phí phục vụ trùng tu, tôn tạo giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, một số di tích được trùng tu, tôn tạo nhưng lại chưa phát huy được giá trị. Người dân chủ yếu vẫn tìm đến những địa điểm văn hóa tâm linh mà chưa mặn mà với các di tích lịch sử văn hóa, dẫn đến nhiều di tích chỉ tồn tại với tư cách chứng tích lịch sử.
Nhiều lễ hội dần mai một, các địa phương chưa tìm ra được hướng đi để phát triển nguồn thu từ du lịch, lôi cuốn du khách và người dân vào các hoạt động của di tích. Chế độ cho người trông coi di tích hiện nay cũng còn quá thấp, công tác tuyên truyền ý thức giữ gìn, bảo vệ các di tích cũng chưa được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức khiến công tác trùng tu, tôn tạo di tích đứng trước nhiều khó khăn.
Việc trùng tu, tôn tạo dựa vào nguồn thu từ hòm công đức tại các di tích hiện nay chưa được thực hiện hiệu quả. Điều này dẫn đến việc khi các di tích xuống cấp, Nhà nước lại phải rót ngân sách xuống đầu tư. Báo cáo 9 tháng đầu năm 2014 của Ban Quản lý Di tích và Danh Thắng cũng thừa nhận, việc quản lý nguồn công đức tại các di tích còn nhiều bất cập và hạn chế.
Báo cáo cũng nhận định, trong thời gian vừa qua, hầu hết các di tích đã được xếp hạng nhưng chưa được cắm mốc giới, dẫn đến nhiều di tích bị xâm lấn đất đai nghiêm trọng trong khu vực khoanh vùng bảo vệ, đã xảy ra nhiều vụ kiện tụng kéo dài, điển hình như di tích Trần Quý Khoáng tại TP Vinh...
Còn tại đền Vua Mai, theo trí nhớ của cụ Trần Văn Mùi (79 tuổi), nguyên Trưởng ban quản lý đầu tiên đền Vua Mai thì ngày trước, khuôn viên đình tọa lạc có diện tích 5 mẫu, 7 sào, 2 thước lẻ (khoảng gần 3 ha), có kết cấu trên bến, dưới thuyền, xung quanh đền có lũy cao.
Tuy nhiên hiện nay, trước nhu cầu dân sinh, đất đai ngày càng hiếm, phía trước đền được đắp con đê bao bọc khu dân cư, bên ngoài đê, người dân cũng đã làm nhà, sinh sống từ lâu. Diện tích, khuôn viên đền chỉ còn khoảng 1/5 so với ban đầu, vết tích thành lũy cũng biến mất...
Văn Dũng