Văn hóa - Giáo dục

Tư tưởng vì dân trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

14:10, 18/09/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Hồ Chí Minh từ khi ra đi tìm đường cứu nước đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, mọi suy nghĩ và hành động của Người đều xuất phát từ nhân dân, đều vì hạnh phúc của nhân dân. Bởi vậy, trong Di chúc - mấy lời để lại trước khi đi xa, Người cũng đặc biệt quan tâm đến con người và những “công việc đối với con người”.
 
Với niềm tin sâu sắc vào sức mạnh của nhân dân, ngay câu mở đầu Di chúc, Hồ Chí Minh khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn...”. Nhưng sau khi đất nước độc lập, thì chúng ta phải làm gì là điều Người lo lắng nhiều nhất. Theo Người, “trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”.  Nhưng “đầu tiên là công việc đối với con người”, là phải chăm lo hạnh phúc cho nhân dân. Bởi “Nếu nước được độc lập, dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì...”.
 
Sự quan tâm, lo lắng của Hồ Chí Minh đối với mỗi đối tượng cũng rất chu đáo, tỉ mỉ, toàn diện. Người không chỉ quan tâm đến cơm ăn áo mặc, quyết không để họ bị đói rét, mà điều quan trọng hơn là lo công việc làm ăn thích hợp bằng cách mở lớp dạy nghề, đào tạo, bồi dưỡng, cử đi học các ngành, các nghề… để họ có điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần tốt, có điều kiện được phát triển toàn diện, phát huy mọi khả năng, năng lực sẵn có của mình trong công cuộc kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc.
 
Đối tượng đầu tiên được Hồ Chí Minh thường xuyên dành cho sự quan tâm đặc biệt là: “những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình cho Tổ quốc” (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…). Trong Di chúc, Người căn dặn Đảng và Chính phủ phải chăm lo những lợi ích thiết thực nhất của những người ấy, phải tạo điều kiện cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
 
Đối với những liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, Người căn dặn những người sống phải xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ở mỗi địa phương, ghi nhận sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
 
Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Đảng, Chính phủ và toàn dân phải quan tâm đến thân nhân của thương binh và liệt sĩ, như cha mẹ, vợ con mà thiếu sức lao động và túng thiếu, bằng cách chính quyền địa phương giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét. Thậm chí, Hồ Chí Minh còn quan tâm, chăm sóc cho cả những người đã từng có thời lầm lỡ và cả những nạn nhân của chế độ cũ. Đối với đồng bào nông dân, Người đề nghị khi ta đã hoàn toàn thắng lợi thì miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân “để cho đồng bào hỉ hả, mát lòng, mát dạ, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.
 
Vì con người, vì tương lai của đất nước, Hồ Chí Minh đặc biệt chăm lo việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ từ tầng lớp thanh niên và phụ nữ. Người coi việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”... Có thể nói, Di chúc của Người là cả một chương trình toàn diện về xây dựng các chính sách xã hội hướng tới con người với tư cách vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
 
Không dừng lại ở việc Đảng và Nhà nước phải có chính sách xã hội đúng đắn với mỗi tầng lớp nhân dân, Người còn căn dặn phải có đường lối xây dựng và phát triển các lĩnh vực kinh tế - văn hóa vì mục tiêu con người. Hồ Chí Minh coi kế hoạch xây dựng và phát triển đất nước khi hòa bình lập lại là một công việc “rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng rất vẻ vang”, là “một cuộc chiến đấu khổng lồ”, bởi nó “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”...
 
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 45 năm qua, Đảng ta luôn luôn đặt lên hàng đầu quan điểm vì nước, vì dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Hơn bốn thập kỷ qua, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập tự do dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Hoàn thành công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, toàn dân tộc bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giữ vững ổn định chính trị, phát triển văn hóa, giáo dục và đẩy mạnh mở cửa, hội nhập quốc tế.
 
Thành tựu nổi bật trong những năm vừa qua là tỉ lệ hộ nghèo liên tục giảm: Năm 2008 là 13,5%, năm 2010 là 14,2%, năm 2012 còn 11,1%. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công và hỗ trợ các đối tượng chính sách. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều kết quả khả quan. Sự nghiệp giáo dục có bước phát triển về quy mô, đa dạng hóa về các loại hình trường lớp từ mầm non đến cao đẳng, đại học. Chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao...
 
Những thành tựu đáng tự hào nói trên là bằng chứng thuyết phục việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo niềm tin vững chắc trên con đường thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
 
ThS. Nguyễn Thị Lương Uyên
 

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác