Văn hóa - Giáo dục

Vấn đề dẹp bỏ linh vật lạ ở các di tích: Liệu có 'đầu voi đuôi chuột'?

10:07, 17/09/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Ngay khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) ra văn bản yêu cầu dẹp bỏ các linh vật lạ, đặc biệt là sư tử đá kiểu Trung Quốc ra khỏi các di tích, đền, chùa, miếu mạo, quyết định này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên, kể từ khi văn bản này được ban hành, số lượng các địa phương “ra quân” thực hiện một cách sốt sắng nội dung trên cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay và đang có dấu hiệu ngày càng trầm xuống.
 
Trong một bài viết gần đây, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế - Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã khẳng định: “Sư tử Trung Hoa chủ yếu dùng để trấn yểm các lăng mộ, giương oai ở các đền đài, thành quách, không chịu chi phối bởi những ý niệm tôn giáo nào. Ngược lại, sư tử Đại Việt, liên quan đến Đức Phật, đến văn hóa Ấn Độ. Sư tử Đại Việt chủ yếu trong không gian tín ngưỡng Phật giáo, thể hiện những triết lý nhà Phật”. Từ những phân tích, lý giải và so sánh trên, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho rằng: “Việt Nam không phải là môi trường “sinh sống” của sư tử đá”. Quan điểm này đã được đại đa số ý kiến các nhà nghiên cứu, nhân dân tán thành.
 
Vì vậy, ngay sau khi văn bản khuyến cáo của Bộ VH-TT&DL về việc không sử dụng các mẫu linh vật lạ không phù hợp với thuần phong mĩ tục của dân tộc, dưới sự vào cuộc quyết liệt của báo chí, các nhà nghiên cứu văn hóa, mĩ thuật, các vấn đề liên quan đến việc này đều được đưa ra bàn thảo một cách cụ thể, chi tiết. Cụ thể hóa chủ trương này, cuối tháng 8 vừa qua, Bộ VH-TT&DL do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên dẫn đầu cùng đại diện thanh tra Bộ, Cục Di sản văn hóa và Sở VH-TT&DL Hà Nội đã thanh tra đột xuất quận Long Biên, Hà Nội. Đây là địa bàn đầu tiên tiến hành đưa sư tử đá kiểu Trung Quốc ra khỏi di tích sau khi Bộ VH–TT&DL ra Công văn 2662.
 
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương trên, mới đây, Sở VH–TT&DL Hà Nội đã tiến hành thanh tra đình và chùa Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội). Tại đây, 6 sư tử đá đã được gom về một kho và chờ liên hệ với người cúng tiến để trao trả. Tương tự, cách đây ít ngày, Sở VH–TT&DL Kiên Giang đã kiểm tra và lên phương án di dời bốn sư tử đá tại công viên Nguyễn Trung Trực và di tích lịch sử văn hóa đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (TP Rạch Giá, Kiên Giang).
 
Sư tử đá được bài trí tại Thiền viện Trúc lâm Giác Tâm (Quảng Ninh)
Sư tử đá được bài trí tại Thiền viện Trúc lâm Giác Tâm (Quảng Ninh)
 
Song song với đó, trước thực trạng sư tử đá kiểu Trung Quốc “xâm lấn” nhiều di tích lịch sử, văn hóa của người Việt, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có Công văn yêu cầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại các tỉnh, thành phố hướng dẫn trụ trì các chùa, cơ sở tự viện không tiếp nhận công đức những linh vật lạ. Trụ trì các chùa, cơ sở tự viện, đặc biệt là các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng phải chủ động không bài trí linh vật lạ. Các đền chùa tổ chức di dời ngay các tượng sư tử đá và các linh vật không đúng với mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Theo Công văn, nếu cơ sở thờ tự, tự viện nào có nhu cầu bài trí linh vật thì nhất thiết phải liên hệ với Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để được hướng dẫn cụ thể về hình tượng và cách bài trí theo đúng truyền thống trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
 
Phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, ngoài sự sốt sắng, ít nhất là trong những ngày đầu của Bộ VH–TT&DL, của TP Hà Nội, tỉnh Kiên Giang, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam,… thì ở hơn 60 tỉnh, thành còn lại, gần như chúng ta chưa thấy được sự vào cuộc quyết liệt nào. Những con sư tử đá ngoại lai phản cảm được đưa ra khỏi các di tích vẫn chỉ dừng lại ở con số ít ỏi trong một vài địa phương đơn lẻ.
 
Có một điều cần phải khẳng định thêm, bên cạnh một số cơ quan, đơn vị, các tổ chức cá nhân, thì đền, chùa, miếu mạo lại là một trong những địa chỉ mà sư tử đá kiểu Trung Quốc có mặt nhiều nhất. Ngoài một số di tích đã kể ở trên, trong những ngày cuối tháng 8, quan sát tại Thiền viện Trúc lâm Giác Tâm (chùa Cái Bầu, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), chúng tôi vẫn thấy đôi sư tử đá to tướng được đặt trang trọng ở vị trí 2 bên đường dẫn lên Đại hùng Bảo điện. Tương tự với đó, sư tử đá kiểu Trung Quốc còn được bài trí ngay cả ở Chùa Một Cột (Hà Nội) hay chùa Bái Đính (Ninh Bình),…
 
Một sự thật hiển nhiên rằng, việc dẹp bỏ các linh vật lạ tại nước ta không những cần phải có một lộ trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp mà cần có sự vào cuộc quyết liệt, liên tục và dài hạn của các cơ quan chức năng. Trong cuộc họp tổng kết tình hình nhiệm vụ VH-TT-DL 8 tháng đầu năm 2014 vừa được tổ chức, khi được hỏi về việc Bộ VH-TT&DL đã chuẩn bị kế hoạch cho đợt dân vận phối hợp với Bộ Nội vụ và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hay chưa, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nói:“Đề nghị Cục Di sản có lẽ cũng nên quan tâm thêm để phối hợp nhiều cơ quan làm cho tốt”. Câu trả lời này khiến nhiều người có mặt và các nhà chuyên môn nghi ngại rằng, đã chưa có một lộ trình cụ thể được vạch ra để thực hiện chủ trương đưa các linh vật lạ ra khỏi đời sống văn hóa của Việt Nam?
 
Ước tính hiện nay, có ít nhất từ 20.000 - 30.000 sư tử đá của chỉ riêng làng đá mĩ nghệ Non nước (Đà Nẵng) được bán để bài trí ở khắp các đền, chùa, miếu mạo, di tích, công sở, tư nhân trong phạm vi cả nước. Vì thế, nếu tính tổng thể cả nước, thì con số sư tử đá kiểu Trung Quốc đang án ngữ sẽ là một con số khổng lồ. Ai cũng biết việc dọn dẹp sư tử đá là một vấn đề không hề đơn giản, đó là quá trình liên hệ với chủ nhân hiến tặng để trả lại, và vấn đề trả lại rồi thì đặt nó ở đâu cũng là một trong những câu hỏi không dễ trả lời. Vì vậy, trước thực trạng việc dẹp bỏ linh vật lạ đang có dấu hiệu chìm xuống trong những ngày gần đây, dư luận có căn cứ bi quan về một chủ trương “đầu voi đuôi chuột”?
 

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác