Văn hóa - Giáo dục
Năm học mới 2014 - 2015
Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH
10:12, 14/09/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Cách đây 69 mùa thu, ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết, trong đó có 2 nhiệm vụ về giáo dục, đó là “cần mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ” và “giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH” .
Năm học 1945 - 1946 là năm học đầu tiên của nước nhà độc lập. Vào tháng 9/1945, dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm gửi thư thăm hỏi, động viện học sinh trên mọi miền Tổ quốc nhân ngày khai trường. Trong “Thư gửi cho học sinh” ngày 5/9/1945, Bác viết: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.
Bác khích lệ học sinh chăm chỉ học tập để làm rạng rỡ cho nước nhà: "Sau 80 năm trời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong, chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Bức thư của Người đã đi sâu vào lòng dân, tạo thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho hàng triệu giáo viên và học sinh thi đua dạy tốt, học tốt. Bức thư đã trở thành chân lý của thời đại, đất nước từ chỗ hơn 95% mù chữ, dân ta đã trở thành một dân tộc có văn hoá, khoa học, từ lạc hậu lên tiên tiến và hiện đại, từ nông nghiệp đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Đổi mới giáo dục để tạo nguồn lực mới cho đất nước - Ảnh minh họa |
Trong bức thư cuối cùng của Bác gửi ngành giáo dục và đào tạo, ngày 15/10/1968, một lần nữa Bác nêu rõ: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Ðảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”.
Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh trách nhiệm của Ðảng đối với việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ: “Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa hồng vừa chuyên. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Thấu suốt tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, với những nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa. Hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục phát triển nhanh, xây dựng được nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân để nâng cao trình độ đào tạo, trình độ và kỹ năng nghề nghiệp của người lao động.
Quy mô giáo dục đào tạo đã có sự tăng trưởng mạnh. Tỉ lệ sinh viên các trường đại học so với dân số, tỉ lệ cán bộ kỹ thuật đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức được nâng cao dần. Đó là kết quả rất đáng trân trọng của chúng ta. Thành tựu đó cho phép và đòi hỏi chúng ta chuyển từ mô hình phát triển giáo dục chủ yếu dựa vào số lượng và quy mô hiện nay sang mô hình phát triển dựa trên chất lượng và hiệu quả. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên một bước, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Học sinh, sinh viên Việt Nam đạt kết quả cao trong các kỳ thi quốc tế và khu vực. Nhân lực nước ta đã làm chủ được một số công nghệ hiện đại. So với những giai đoạn trước đã có sự cải thiện rõ rệt: Khả năng ngoại ngữ, Tin học, khả năng ứng xử, thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau của học sinh, sinh viên bây giờ tốt hơn. Kết quả trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế, tay nghề quốc tế nhiều năm nay cũng liên tục đạt giải vàng. 100% đoàn, 100% học sinh đi thi đều đạt giải và đạt giải cao.
Gần đây nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố kết quả kỳ thi của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) 2012, theo đó, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước có kết quả cao nhất, tạo ra sự bứt phá giữa giáo dục so với trình độ phát triển kinh tế đất nước.
Năm học 2014 - 2015 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) với nội dung: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Chúng ta tin tưởng rằng, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công nhân viên chức ngành giáo dục và đào tạo sẽ nêu cao hơn nữa tình thương và trách nhiệm, tận tâm, tận lực vì sự nghiệp phát triển giáo dục; các em học sinh, sinh viên cần thường xuyên rèn luyện, trau dồi đạo đức, chăm chỉ học tập, xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, chủ động, sáng tạo trong học tập và nghiên cứu khoa học, tích cực rèn luyện nâng cao sức khỏe, phấn đấu trở thành những người công dân phát triển toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ.
Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với nỗ lực và quyết tâm cao, chúng ta tin tưởng năm học 2014 - 2015 sẽ đạt được nhiều kết quả mới tốt đẹp.
Nguyễn Văn Thanh