Văn hóa - Giáo dục

Làm gì để chấn chỉnh tình trạng 'chạy trường', 'chạy lớp' vào dịp đầu năm học mới?

08:48, 08/09/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Đến hẹn lại lên, hàng năm cứ vào mỗi dịp đầu năm học mới, chuyện “chạy trường”, “chạy lớp”, nhất là vào những trường “điểm”, lớp “chọn” lại được nhiều người quan tâm, nhất là các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào học các lớp đầu cấp. Cuộc “đua ngầm” này rõ ràng đã tạo ra sự thiếu công bằng trong môi trường giáo dục, hình thành tâm lý bất an không đáng có đối với phụ huynh, đồng thời, có thể tác động tiêu cực tới quá trình học tập về sau của học sinh.
 
Tình trạng “chạy trường”, “chạy lớp” được hiểu là việc phụ huynh học sinh sử dụng yếu tố vật chất hoặc vận dụng các mối quan hệ thân quen để con được vào học trong trường, lớp theo đúng mong muốn. Việc “chạy trường”, “chạy lớp” thường diễn ra ở các lớp đầu cấp, từ bậc học mầm non đến THPT.
 
Với tâm lý muốn con có môi trường học tập tốt nhất, nhiều bậc phụ huynh không ngần ngại bỏ ra một khoản tiền đáng kể để “đầu tư” cho tương lai của con. Bên cạnh đó là vô số những “chiêu thức” khác, từ việc tìm cách chuyển hộ khẩu để con học đúng tuyến đến việc tận dụng các mối quan hệ “hướng” con vào trường, lớp tốt. THPT là cấp học cuối của bậc học phổ thông, kết quả học tập ở cấp học này ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của mỗi học sinh. Ý thức rõ điều đó, ngay từ khi các trường chuẩn bị công bố điểm chuẩn vào lớp 10, không ít phụ huynh đã phải chạy đôn, chạy đáo tìm cho con một “suất” vào học tại các trường công lập thuộc “top trên” chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Ở cấp tiểu học và THCS, với những trường được coi là trường “điểm”, trường chất lượng cao, áp lực từ việc nhận học sinh trái tuyến thường rất lớn. Khi số lượng học sinh tăng, không đảm bảo sĩ số và điều kiện cơ sở vật chất theo đúng quy định, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
 
Chuyện “chạy trường”, “chạy lớp” đã trở nên phổ biến vào đầu năm học mới - Tranh minh họa
Chuyện “chạy trường”, “chạy lớp” đã trở nên phổ biến vào đầu năm học mới - Tranh minh họa
 
Trong khi đó, đối tượng xin học trái tuyến thường là người thân, người quen với giáo viên trong trường và đôi khi còn từ những áp lực “vô hình” khác mà hiệu trưởng các trường khó có thể từ chối. Không chỉ dành bằng được một “suất” cho con vào trường tốt, trường “điểm”, nhiều phụ huynh còn tìm cách “chạy” cho con vào học các lớp “chọn”, nơi tập trung nhiều học sinh học giỏi, chăm ngoan. Tình trạng này vô hình chung đã gây ra sự thiếu công bằng, bình đẳng trong môi trường giáo dục, tạo tâm lý bất an không đáng có đối với phụ huynh, đồng thời có thể tác động tiêu cực tới quá trình học tập về sau của học sinh.
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu lành mạnh nêu trên. Bên cạnh lý do muốn con được học gần nơi làm việc để tiện đưa đón, nguyên nhân đầu tiên phải kể tới là do có sự phân hạng cao thấp, không đồng đều trong chất lượng giáo dục giữa các trường hiện nay. Khi có “độ vênh” về “mặt bằng” chất lượng giáo dục giữa các đơn vị trường học, nhu cầu cho con vào học tại các trường có chất lượng giáo dục tốt sẽ gia tăng. Sự phân hóa về năng lực, trình độ cũng hình thành trong đội ngũ giáo viên ngay trong một đơn vị trường học. Những giáo viên dạy giỏi, có kinh nghiệm thường được bố trí vào trực tiếp giảng dạy ở các lớp “chọn”. Dù năng lực học tập của con chưa theo kịp các bạn cùng trang lứa, nhiều phụ huynh vẫn muốn con được vào học trong những lớp này để có “môi trường phấn đấu”. Một số phụ huynh lại xem việc con mình được học trường “điểm”, lớp “chọn” là cơ hội để được “nở mày, nở mặt” với mọi người nên đã tìm cách “chạy” cho con một “suất” vào đây.
 
Nhằm khắc phục tình trạng “chạy trường”, “chạy lớp”, đảm bảo công tác tuyển sinh đúng quy định, công bằng, khách quan, điều quan trọng là cần từng bước giảm “độ vênh” về chất lượng giáo dục giữa các trường. Để làm được điều này, chính quyền các địa phương và ngành giáo dục cần có những chính sách phù hợp hướng tới sự cân bằng trong chất lượng đào tạo giữa các trường. Theo đó, bên cạnh việc quan tâm, đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, khâu then chốt vẫn là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Với những trường “top dưới”, cần có cơ chế động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo thường xuyên tự học, trau dồi năng lực chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho hiệu quả nhất nhằm tạo niềm tin cho phụ huynh học sinh. Tình trạng “chạy trường”, “chạy lớp” đều khởi nguồn từ phía phụ huynh. Do đó, vấn đề quan trọng nhất vẫn là khắc phục tâm lý “sính” trường “điểm”, lớp “chọn”.
 
Thống kê qua các mùa tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ những năm gần đây cho thấy, ngày càng có nhiều thủ khoa, á khoa theo học ở các “trường làng”. Điểm mấu chốt để đi đến thành công vẫn là năng lực học tập cùng với ý chí vươn lên của mỗi học sinh. Việc tìm cách “chạy” cho con vào trưởng “điểm”, lớp “chọn” mà không quan tâm đến lực học, khả năng thích ứng, hòa nhập của con có thể dẫn tới tình trạng “ngồi nhầm lớp” với những hệ lụy trước mắt và lâu dài.
 

Minh Tuấn

Các tin khác