Văn hóa - Giáo dục
Nhà thơ trẻ Hồng Diệu: 'Người tình' của lính biển
(Congannghean.vn)-Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà thơ trẻ Hồng Diệu (SN 1984) ở TP Vinh lại được cộng đồng yêu thơ biết đến như một “Cây viết của Trường Sa, Hoàng Sa”. Bởi chỉ trong một thời gian ngắn (từ 27/7/2013 đến nay), lần lượt hơn 470 bài thơ được “chắp bút” và khoảng 36 bài trong “kho tàng thơ” của chị đã khơi nguồn dòng chảy cảm xúc để các nhạc sĩ phổ nhạc, viết nên những bản tình ca về người lính biển.
Tình yêu với sắc xanh áo lính
Bố Hồng Diệu vốn là giáo viên dạy Chính trị tại Trường Học viện Phòng không Không quân, nay đã nghỉ hưu. Bởi vậy ngay từ nhỏ, cảnh huấn luyện và hành quân của những người lính đã trở thành niềm thương, niềm nhớ. Tình yêu đối với màu xanh áo lính và cơ duyên đưa chị đến với nghiệp thơ cũng xuất phát từ lẽ tự nhiên như vậy. Yêu thơ từ khi còn bé nhưng bước ngoặt khiến Hồng Diệu bắt đầu “chắp bút” kể cũng thật lạ lùng.
Những kỷ vật từ Trường Sa bên trang thơ của Hồng Diệu |
Chị chia sẻ: Vào dịp 27/7/2013, chị tình cờ biết đến trang fanpage “Chúng tôi là chiến sĩ hải quân” trên mạng xã hội facebook. Trong đó, có nhiều bài viết của các bạn trẻ nói về người lính hải quân. Có một bài thơ sau khi đọc, chị bình luận “chưa hay” và nhận được phản hồi: “Có giỏi thì hãy thử làm một bài thơ để mọi người nói là hay xem nào!”. Thời điểm đó gần kề ngày thương binh liệt sĩ, nhờ vậy bài thơ có tựa đề “Viếng hồn anh” tri ân những người liệt sĩ nằm lại ở Trường Sa, sản phẩm đầu tay của chị đã ra đời, trong đó có đoạn:
“Tôi chưa thể đến được Trường Sa
Để thắp nhang lên hàng bia mộ
Hôm nay đây bên bờ thành phố
Tôi thả vòng hoa kính viếng các linh hồn...”.
Ngay sau khi đăng tải lên trang cá nhân mạng xã hội facebook, bài thơ của Hồng Diệu được độc giả đón nhận và ủng hộ rất nhiệt tình. Chính điều đó đã tiếp thêm động lực để chị viết tiếp những vần thơ về người lính biển.
Một năm 365 ngày, chị làm 465 bài thơ. Có hôm cảm xúc tới “dồn dập”, chị viết liên tiếp 3 - 4 bài. Với chị, có rất nhiều bài thơ được “thai nghén” và “chắp bút” từ những câu chuyện đời thường mà chị được nghe qua lời kể của các chiến sĩ, như niềm vui khi có cơn mưa hay tâm sự buồn khi vợ sinh, người thân mất mà họ không thể về…Vui có, buồn có, cứ như thế, thơ chị hòa cùng nhịp đập trái tim của những người lính, để ở nơi xa, họ thêm vững lòng và chắc tay súng bảo vệ bình yên Tổ quốc.
Viết thơ theo dòng thời sự
Bên cạnh những bài thơ nói lên tâm tư, tình cảm của người chiến sĩ hải quân nơi đảo xa đầu sóng ngọn gió và nỗi niềm của những người hậu phương thì viết thơ theo dòng thời sự là điểm độc đáo mà người yêu thơ có thể dễ dàng nhận thấy qua “kho tàng” thơ Hồng Diệu.
Chị Hồng Diệu trong bộ quân phục được các chiến sĩ Hải quân tặng |
Riêng trong những ngày biển Đông dậy sóng với sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, bằng tất cả trái tim, chị đã viết hơn 80 bài thơ với mong muốn kêu gọi lòng yêu nước trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, cổ vũ tinh thần kiên cường bám trụ và đấu tranh pháp lý của các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư, động viên hậu phương của các anh yên tâm chờ đợi, vững vàng vượt qua mọi khó khăn khi các anh đang làm nhiệm vụ ngoài khơi xa. Tình cờ nhạc sĩ Hồ Hoàng đọc thơ chị, tìm được sự đồng cảm, ông phổ nhạc ngay bài thơ “Võ Nguyên Giáp trên ngọn sóng biển Đông” (sẽ được ra mắt dịp kỷ niệm 70 năm thành lập QĐNDVN 22/12/2014 năm nay).
Không chỉ viết về cuộc sống sinh hoạt của các chiến sĩ ở đảo xa, trang thơ Hồng Diệu còn dành những lời ngợi ca, biết ơn và trân trọng đối với những vĩ nhân, anh hùng dân tộc như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các ngày lễ lớn của cả nước, ngày sinh, ngày mất của Người. Nhân dịp kỷ niệm 103 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2014), bài thơ “Đại tướng của lòng dân” đã ra đời.
Hay mới gần đây, sự đồng cảm với những hy sinh, mất mát tột cùng của việc 19 người lính không quân hy sinh trong lúc luyện tập đã thôi thúc chị viết nên những bài thơ ngợi ca chiến công thầm lặng và bày tỏ lòng tiếc thương tới các anh. Việc bắt nhịp được hơi thở của hiện thực cùng ngôn từ giản dị, mộc mạc, không trau chuốt khiến cho thơ Hồng Diệu luôn chạm tới nỗi niềm sâu kín của người lính nơi tiền tuyến và nói hộ tâm tư của những người vợ, người mẹ ở hậu phương.
Trên trang mạng xã hội facebook, có nhiều bạn thơ ví Hồng Diệu là con ong chăm chỉ. Nhưng với cảm nhận của riêng tôi, việc làm thơ đối với chị chỉ đơn giản là một sự đam mê, một niềm yêu thích. Chị là con ong chăm chỉ, chuyên cần góp nhặt cảm xúc để hút mật ngọt từ “khu vườn” của những người lính để đưa về nơi hậu phương xa xôi. Và bởi với chị, làm thơ là một cách để khỏa lấp mong ước được khát khao cống hiến, làm việc gì đó có ích vì một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Hồng Hạnh