Văn hóa - Giáo dục
Năm học mới bàn chuyện đổi mới cơ chế tuyển dụng giáo viên
09:27, 31/08/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Năm học mới 2014 - 2015 đã chính thức bắt đầu. Hiện đang là thời điểm các nhà trường kiện toàn đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ dạy và học. Trong bối cảnh ngành giáo dục đang tiến hành những bước đi trong quá trình đổi mới, nhân tố giáo viên đóng vai trò quan trọng, then chốt. Nhận thức được điều này, vấn đề thay đổi cơ chế tuyển dụng giáo viên có thể xem là một trong những giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Có thể khẳng định, đội ngũ giáo viên là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục. Thực tiễn cho thấy, nhà trường nào quy tụ được đội ngũ giáo viên có năng lực chuyên môn và nhiệt tình sư phạm thì chất lượng giáo dục có nhiều khởi sắc, và ngược lại. Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, trước đòi hỏi ngày càng cao về sản phẩm giáo dục của xã hội, ngành giáo dục nói chung, mỗi nhà trường nói riêng đã có nhiều nỗ lực để thu hút, chiêu mộ người tài về công tác. Để tuyển chọn được người có năng lực phục vụ sự nghiệp giáo dục phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế tuyển dụng. Tuy nhiên nhìn chung, việc đổi mới cơ chế tuyển dụng giáo viên hiện nay diễn ra còn chậm, chưa phù hợp với yêu cầu thực tế đặt ra.
Trong nhiều năm qua, việc tuyển dụng giáo viên về cơ bản vẫn được tiến hành theo phương thức truyền thống là xét tuyển. Theo cơ chế này, ứng viên nộp hồ sơ cho sở GD&ĐT hoặc các trường còn chỉ tiêu tuyển dụng, sau đó phải… chờ. Tiêu chí xét tuyển chủ yếu dựa vào bằng cấp, các loại giấy tờ ưu tiên. Đến nay, cơ chế tuyển dụng này đã và đang bộc lộ một số bất cập.
Thay đổi cơ chế tuyển dụng giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay - Ảnh minh họa |
Trước hết, dường như ứng viên phải đứng ngoài cuộc một cách bị động. Cơ quan tuyển dụng không có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu khả năng, năng lực của người được tuyển dụng mà chủ yếu chỉ dựa vào bằng cấp và các loại giấy tờ. Từ đó, góp phần làm nảy sinh tâm lý sính bằng cấp. Bằng cấp càng cao, chứng chỉ càng nhiều thì cơ hội tuyển dụng càng lớn. Mặc dù người có bằng cấp cao, chứng chỉ nhiều chưa hẳn sẽ trở thành giáo viên giỏi khi trực tiếp đứng trên bục giảng. Bởi lao động sư phạm là loại hình lao động có nhiều nét đặc thù. Người giáo viên không phải chỉ có kiến thức tốt là đủ mà còn phải biết vận dụng, kết hợp nhuần nhuyễn, thành thạo nhiều kỹ năng, thao tác.
Bên cạnh đó, khi tuyển dụng giáo viên theo phương thức xét tuyển, một số trường lại không tiến hành công khai về chỉ tiêu, điều kiện xét tuyển, tạo sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các ứng viên, đồng thời làm phát sinh tiêu cực. Đã có hiện tượng “chạy chọt” hiệu trưởng và những người có trách nhiệm để giành “chỗ đứng”. Nhiều gia đình đã phải “đi cửa sau” để “bắc cầu” cho con lên bục giảng. Hầu như không có năm nào là không có những chuyện lình xình xung quanh việc tuyển dụng giáo viên, gây bất bình trong dư luận.
Qua tìm hiểu được biết, thời gian qua, một số địa phương trên cả nước đã tiến hành tuyển dụng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo phương thức mới là thi tuyển. Ngay từ khi mới được áp dụng, phương thức này đã bộc lộ nhiều ưu điểm nổi trội so với phương thức tuyển dụng, bổ nhiệm cũ và được dư luận trong và ngoài ngành giáo dục đồng tình, ủng hộ. Cơ chế tuyển dụng giáo viên theo hình thức thi tuyển được xem là cơ chế “mở” nhằm thu hút những người thực sự có năng lực. Đồng thời chống lại “căn bệnh” sính bằng cấp đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người lâu nay. Việc thi tuyển giáo viên nếu được tiến hành công khai, chặt chẽ, khách quan sẽ hạn chế tối đa những lình xình, tiêu cực có thể xảy ra.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT có chủ trương giao quyền cho hiệu trưởng được tuyển giáo viên. Nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương này sẽ “châm ngòi” cho tiêu cực, bởi trên thực tế, nhiều vụ bê bối của ngành giáo dục bắt nguồn từ sự chuyên quyền, độc đoán, vụ lợi của một số hiệu trưởng các trường. Để chủ trương này có tính khả thi và hạn chế tối đa tiêu cực, vai trò của các phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT với tư cách là đơn vị chủ quản vẫn phải được tăng cường. Dù hiệu trưởng được quyền chủ động trong việc tuyển dụng nhưng việc tổ chức thi tuyển nhất thiết phải tuân theo những quy định chung nhằm đảm bảo tính khách quan, công bằng, dân chủ, tạo điều kiện tối đa cho người tham gia thi tuyển.
Chẳng hạn: Các thí sinh sẽ được bốc thăm đề thi thực hành và lý thuyết; trường tổ chức thi tuyển nhưng phải đặt dưới sự thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng, mà nòng cốt là sở GD&ĐT và sở Nội vụ. Cần có những chế tài cụ thể hóa trách nhiệm của hiệu trưởng khi tuyển dụng nhân sự. Đặt mục tiêu làm tốt các hoạt động chuyên môn, tạo sức ép đối với hiệu trưởng, buộc phải lựa chọn người có năng lực vào trường. Đặc biệt, hội đồng giám khảo chấm tuyển (cả phần lý thuyết và thực hành) phải là những người có năng lực, kinh nghiệm và thực sự công tâm. Trước kỳ thi tuyển, không nhất thiết phải tiết lộ danh tính của các thành viên trong hội đồng giám khảo nhằm ngăn ngừa tiêu cực.
Thiết nghĩ, cái đích cuối cùng của việc tuyển dụng giáo viên là lựa chọn được những người thực sự xứng đáng đảm nhận trách nhiệm “trồng người”. Do đó, cần phải hết sức cẩn trọng và có phương thức tuyển dụng phù hợp. Nên chăng, trong điều kiện hiện nay, để đảm bảo công bằng trong khâu tuyển dụng và thích ứng với tình hình mới, cần mạnh dạn kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Nghĩa là, bên cạnh việc xem xét kỹ lưỡng bằng cấp, chứng chỉ, các chế độ ưu tiên cần tạo điều kiện, cơ hội để mỗi ứng viên thể hiện năng lực của mình thông qua thực tiễn giảng dạy. Việc đổi mới cơ chế tuyển dụng giáo viên chỉ phát huy hiệu quả khi được bắt nguồn từ tinh thần cầu thị và mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi đơn vị trường học.
Bùi Minh Tuấn