Văn hóa - Giáo dục

Đưa máy tính bảng vào trường học: Nhìn từ thế giới

10:00, 26/08/2014 (GMT+7)
“Ipad hóa trường học”, “trường học Ipad” hay “dùng Ipad thay cặp” không còn là những câu chuyện mới tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, tính hiệu quả của nó đã đủ để trả lời cho câu hỏi “trào lưu hay cuộc cách mạng thật sự”? 
Việc sử dụng máy tính bảng tại trường học đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Việc sử dụng máy tính bảng tại trường học đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Phần I: Trào lưu hay cuộc cách mạng thật sự?
 
Việc sử dụng máy tính bảng tại trường học đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng từ vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, việc thí điểm được lựa chọn rất kĩ lưỡng và không làm đại trà với nguyên tắc “không phải là sử dụng cái gì, mà là sử dụng nó như thế nào cho hiệu quả”.
 
Thái Lan: Chỉ là một công cụ
 
Theo báo Bưu điện Bangkok, việc đưa máy tính bảng vào sử dụng tại Thái Lan được lựa chọn thí điểm từ năm 2012. Trường Rachawinit là 1 trong 5 trường được lựa chọn để thử nghiệm. Đây là một chương trình của Chính phủ được đưa ra trong chiến dịch tranh cử của Đảng cầm quyền, theo đó mỗi học sinh từ lớp 1-4 sẽ được trang bị máy tính bảng Lenevo.
 
Theo báo JapanTimes, máy tính bảng được sử dụng trong trường học ở Thái Lan cho các môn Toán, Tiếng Anh và Âm nhạc.
 
Đối với những vùng xa xôi thì việc cấp máy tính cho học sinh giúp xóa đi khoảng cách giữa trẻ em vùng nông thôn và thành thị, tạo cơ hội cho các em mở mang kiến thức và tiếp cận với những công nghệ tiên tiến của thế giới.
 
Đến cuối năm 2014, Chính phủ Thái Lan dự tính sẽ cung cấp máy tính bảng cho 13 triệu học sinh, với chi phí khoảng 100 USD/máy, tổng chi phí lên tới 1,3 tỷ USD và sẽ thay thế trong vòng 2 năm. Đây được coi là dự án lớn nhất thế giới đưa máy tính bảng đến với ngành giáo dục.
 
Jonghwi Park, một chuyên gia về công nghệ giáo dục của UNESCO tại Bangkok cho rằng: "Máy tính bảng chỉ là một công cụ, cũng giống như một cái bút chì. Điều quan trọng không phải là sử dụng cái gì mà là sử dụng nó như thế nào cho hiệu quả!".
 
Hàn Quốc: Triển khai một cách từ từ
 
Theo báo Chosun, từ năm 2011, Bộ Giáo dục - Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc đã công bố dự án đầu tư 2.200 tỷ won (2,1 tỷ USD) vào năm 2015 để tạo ra một môi trường nơi học sinh có thể học tập với những nội dung tốt hơn và mang tính tương tác hơn mọi lúc mọi nơi. Trong đó, học sinh sẽ được sử dụng sách giáo khoa điện tử.
 
Bộ này nói họ muốn phát triển sách giáo khoa điện tử cho tất cả môn học ở tất cả các trường. Ở giai đoạn đầu chuyển tiếp, sách in và sách điện tử sẽ được dùng song song. Sách điện tử được nói sẽ chứa nội dung của sách giáo khoa thông thường và nhiều nguồn tra cứu như âm thanh, hình ảnh và những câu hỏi thường gặp để giúp học sinh hiểu bài giảng tốt hơn.
 
Theo Korea Herald, Chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy việc chấp nhận cách học thông minh mới bằng việc thí điểm sử dụng sách giáo khoa điện tử và hệ thống giáo dục thông minh tại 160 trường trong năm nay. Năm 2012, con số này là 46 trường.
 
Nhật báo Joong Ang miêu tả một lớp học thông minh ở thành phố Sejong là nơi các em học sinh tiểu học dùng điện thoại thông minh để xem những kiến thức rất trực quan về hệ mặt trời. Các em còn dùng chính thiết bị thông minh để trao đổi và thảo luận bài giảng với các bạn ở trường khác.
 
Australia: Chọn kỹ đối tượng áp dụng
 
Một chuyên gia kinh tế sống ở bang Queensland (Australia) cho biết: Việc sử dụng máy tính bảng ở Australia chủ yếu ở các trường trung học, từ lớp 7-12, nhưng phần lớn chỉ ở các trường tư.
 
Các trường tiểu học trước đây không cho học sinh sử dụng máy tính bảng vì cho rằng học sinh nhỏ tuổi cần phải được tiếp xúc trực tiếp với thầy cô, bạn bè, sách vở trong những năm đầu đi học. Ngoài ra chi phí mua máy tính bảng cũng là gánh nặng, nhất là với các gia đình đông con.
 
Cách đây 3 năm, hệ thống trường Catholic của bang Queensland quyết định thí điểm đưa máy tính bảng vào lớp học ở năm cuối cấp bậc tiểu học. Họ cho rằng, ở độ tuổi này học sinh đã đủ lớn để có thể phân biệt thế giới thực với thế giới ảo và các em cần được trang bị một số kỹ năng sử dụng máy tính bảng để chuẩn bị cho chương trình trung học. Việc sử dụng máy tính bảng trong lớp cũng khá hạn chế, học sinh chỉ sử dụng một số phần mềm trong danh sách đã được duyệt trước chứ máy tính bảng hoàn toàn không phải để thay thế cho sách vở và các môn học truyền thống.
 
Hà Lan: Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng
 
Từ năm 2013, 11 ngôi trường ở Hà Lan có kế hoạch sử dụng iPad trong việc dạy và học, không cần bảng, không cần sách vở. Giới truyền thông gọi đó là những "ngôi trường iPad".
 
Trường iPad còn có nhiều "không" khác nữa, như không có chỗ ngồi cố định, không có phòng học cố định, không phân chia lớp học cố định, không có giờ ra chơi cố định, không có thời khóa biểu cố định.
 
Thay vì giảng dạy cho cả lớp, giáo viên hướng dẫn từng học sinh học trên iPad. Giáo viên thực hiện vai trò người hướng dẫn và trợ giúp, không còn là người truyền đạt kiến thức. Thời lượng cho mỗi môn học tùy thuộc vào hứng thú của học sinh. Các em có thể tập trung nhiều hơn vào môn học yêu thích. Những phần mềm dạy học mà các em tiếp xúc đều rất gần với trò chơi. Giáo viên kiểm tra sự tiến bộ của học sinh sau vài tuần, nhưng không đánh giá bằng điểm số. Nhờ phần mềm chuyên dụng, giáo viên và cha mẹ học sinh cùng theo dõi những gì học sinh làm trên iPad, cùng theo dõi số liệu đo lường tiến bộ của học sinh.
 
Trường iPad mở cửa từ 7h30 đến 18h30 trong ngày làm việc. Học sinh không cần đến đúng giờ, nhưng nhất thiết có mặt trong khoảng thời gian từ 10h đến 15h. Do nhịp độ học tập khác biệt tùy thuộc từng học sinh, học sinh nghỉ học không sợ bị "mất bài". Trường iPad cũng không có thời gian nghỉ hè cố định. Cha mẹ học sinh tùy ý chọn cho con mình kỳ nghỉ phù hợp với chuyến du lịch của gia đình.
 
Trường iPad vẫn tập trung rèn luyện kỹ năng làm toán, đọc và viết cho học sinh, nhưng xem kỹ năng viết tay trên giấy là thứ yếu. Ngoài ra, trường iPad vẫn có giờ tập vẽ, giờ thể dục, có những giờ chơi lắp ráp, chơi tập thể. 
 
Mỹ: Giảm áp lực sách vở
 
Ngày càng có nhiều trường học ở Mỹ, từ bậc phổ thông đến đại học, cho học sinh dùng Ipad thay cho sách giáo khoa in truyền thống, tạo nên một cuộc cách mạng trong trường học.
 
Theo Hiệp hội Cửa hàng Sách giáo khoa của Mỹ, trung bình hàng năm mỗi học sinh Mỹ phải chi 700 USD cho tiền mua sách giáo khoa. Với việc sử dụng Ipad, chi phí sẽ giảm đi rất nhiều và chỉ phải đầu tư mua một lần. Hầu hết các công ty in sách giáo khoa lớn ở Mỹ đang nhanh chóng biến đổi nội dung sách giáo khoa in thành dữ liệu số. Các trường học khuyến khích các nhà xuất bản sách giáo khoa điện tử giảm giá thành để học sinh có cơ hội sử dụng nhiều hơn. Các trường học ở Mỹ cũng có các chương trình hỗ trợ để học sinh, sinh viên có cơ hội được dùng Ipad.
 
Học sinh, sinh viên có thể học kiến thức, làm bài tập, viết ghi chú, giải câu đố và làm bài kiểm tra trên Ipad. Qua ứng dụng video của Ipad giáo viên có thể biết được học sinh học tập thế nào lúc ở nhà. Hàng ngày học sinh đi học không phải mang theo cặp sách nặng trĩu. Ngoài giờ học, học sinh có thể lướt web và dùng nhiều ứng dụng giải trí khác trên Ipad.
 
Phần II: Những tiếng nói trái chiều
 
Trên thế giới, số người sở hữu đồ chơi công nghệ như máy tính bảng liên tục tăng cao, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi cắp sách đến trường. Liệu máy tính bảng có gây hại cho sự phát triển của các em hay đơn thuần chỉ khuyến khích về mặt “trí thông minh công nghệ”? Những câu hỏi này vẫn gây tranh cãi.
 
Tiếng nói từ ngành giáo dục
 
Tuy được sử dụng rộng rãi trong trường học, nhưng tại Anh vẫn có rất nhiều chuyên gia giáo dục tỏ ra không mặn mà với sáng kiến này. Họ cho rằng máy tính bảng thích hợp cho việc giải trí hơn là cho việc học tập. Không loại trừ khả năng đáng lẽ dùng iPad để giải toán thì học sinh lại dùng để truy nhập các trang giải trí, thậm chí những trang giải trí độc hại. Những chuyện đáng tiếc đã xảy ra tại Mỹ, nơi có hệ thống trường học công lập được khuyến khích sử dụng iPad và tặng iPad miễn phí. Các em học sinh ở một số trường đã tìm cách mở khóa các chương trình như YouTube, Facebook và các chương trình game để phục vụ nhu cầu giải trí, thay vì chỉ chăm chú nghiên cứu thêm các bài giảng trên mạng.
 
Nhiều ý kiến trong ngành giáo dục Hàn Quốc tỏ ra quan ngại rằng kế hoạch số hóa trường học ở nước này là quá vội vã và thiếu thực chất. Tờ Korean Herald hồi tháng 4 năm nay dẫn lời một quan chức ở Seoul tham gia dự án “Trường học tương lai” thừa nhận: “Cho đến nay, hầu hết các trường sử dụng hệ thống giáo dục thông minh thì chất lượng giáo dục vẫn y như cũ. Đây không phải là điều chúng tôi hướng tới”.
 
Báo này bình luận rằng, dường như không có một lộ trình rõ ràng đằng sau những lời hay ý đẹp về hệ thống giáo dục thông minh và nhiều điều bất ổn vẫn bủa vây quanh dự án này. Thêm vào đó, việc thử nghiệm để đưa kế hoạch này vào thực tiễn cũng bị giáo viên và người trong ngành chỉ trích. Cựu cố vấn chính sách giáo dục Lee Bohn chỉ trích điều này cho thấy chính sách không kết nối với thực tiễn. Các chuyên gia giáo dục và giáo viên cũng cảnh báo về các vấn đề sức khỏe như việc nghiện dùng các thiết bị thông minh.
 
Nhiều nhà hoạch định chính sách giáo dục châu Á đang băn khoăn với vấn đề khi sử dụng máy tính bảng, các em học sinh dễ dàng bị lôi cuốn vào những thú vui giải trí hơn là học tập. Do vậy, sau thời gian thí điểm, nếu nhận thấy các yếu tố hiệu quả và tích cực được thể hiện rõ rệt, các nước châu Á sẽ đi tới quyết định cuối cùng để triển khai máy tính bảng đến trường học trong cả nước.
 
Từ giới khoa học
 
Hàng loạt chuyên gia y tế đã chính thức lên tiếng về việc nguy hại khi cho con trẻ tiếp xúc sớm với màn hình điện tử (bao gồm truyền hình, DVD, máy tính bảng…).
 
Tại Pháp, Bộ Y tế Pháp khuyến cáo không nên cho trẻ dưới ba tuổi xem màn hình điện tử, bởi sẽ gây tác hại xấu cho sức khỏe của trẻ, đặc biệt gây tổn thương cho não.
 
Tổ chức Nhi khoa Canada quy định không được đưa tivi, máy tính, thiết bị chơi game vào phòng ngủ trẻ em.
 
Bộ Y tế và Dịch vụ con người Mỹ đã nhấn mạnh: Giảm thời gian ngồi trước màn hình là một ưu tiên bảo vệ sức khỏe, nhằm “tăng tỉ lệ trẻ em 0-2 tuổi chỉ xem tivi cuối tuần và tăng tỉ lệ trẻ tới 18 tuổi không xem tivi quá 2 giờ/ngày” (tạp chí về bệnh trẻ em Archives of Disease in Childhood).
 
Các nhà tâm lý học của Anh cũng đã đưa ra lời kêu gọi khống chế thời gian ngồi trước màn hình mỗi ngày của thiếu niên, nhi đồng bởi bốn nguyên do sau: Sự phát triển của đại não và hệ thần kinh bị tổn thương; ngủ không ngon giấc, cơ thể không phát triển; dễ mắc các bệnh tim mạch; tính cách nóng nảy, khó kết bạn.
 
Chương trình khảo sát của Hiệp hội Nghiên cứu sự phát triển của trẻ tại Quebec (Canada) đưa một báo động: Xem màn hình điện tử nhiều sẽ dẫn đến giảm 7% sức tập trung trong lớp, giảm 9% trong hoạt động thể chất…
 
Cựu Bộ trưởng Bộ Thiếu niên và Nhi đồng Anh Tim Loughton đã cảnh báo trên trang Daily Mail, trẻ dán mắt vào màn hình máy tính hoặc tivi sẽ gây ra những thay đổi trong não trẻ, có hại như người nghiện ma túy hay nghiện rượu, và hàng loạt vấn đề về sức khỏe: Lượng cholesterol cao, nhồi máu cơ tim, mất tập trung hay suy giảm khả năng làm toán, đọc, rối loạn giấc ngủ và tự kỷ. Cũng theo báo này, TS Aric Sigman đã công bố một kết quả điều tra trên trẻ nhỏ 12-15 tuổi xem màn hình điện tử nhiều: Một thế hệ trẻ em sẽ bị tổn thương sức khỏe và bộ não nghiêm trọng.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác