Văn hóa - Giáo dục
Một dòng họ yêu thơ
(Congannghean.vn)-Làng Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương là mảnh đất giàu truyền thống hiếu học. Dòng họ Vương nức danh một thủa đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Người đời xưa ca tụng dòng họ vì có những bậc anh tài đỗ đạt cao, người đời nay nhớ đến bởi truyền thống hiếu học vẫn được các thế hệ phát huy. Người ta còn biết đến dòng họ bởi có nhiều nhà thơ lớn. Tập thơ “Họ Vương - thơ tuyển” đã để lại những dấu ấn sâu sắc, nhắc nhở con cháu gìn giữ giá trị tốt đẹp của dòng họ.
Ông Vương Đình Luân, tộc trưởng dòng họ Vương năm nay đã 83 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, say mê với những vần thơ tự mình sáng tác. Ông chia sẻ: Dòng họ Vương ở làng Đông Bích là dòng họ văn hóa đầu tiên của huyện Đô Lương lúc bấy giờ. Dòng họ đã sản sinh ra rất nhiều nhà thơ lớn. Trước đó, phải kể đến cụ Vương Đình Uyển, ông nội nhà thơ Thạch Quỳ; cụ Vương Đình Phát, thân sinh của nhà thơ Vương Trọng.
Dẫu đã trở thành người thiên cổ nhưng những câu thơ ngẫu hứng của các cụ vẫn thường được con cháu nhắc đến, lấy đó làm niềm tin và học hỏi. Điều đáng mừng là từ nửa sau thế kỷ XX đến nay, dòng họ Vương chưa bao giờ có nhiều người làm thơ đến như vậy. Phải chăng đó chính là sự tiếp thu mạch văn tổ tiên truyền lại?
Tập thơ “Họ Vương - thơ tuyển” để lại những dấu ấn tốt đẹp |
Với chúng tôi, những thế hệ sau này mỗi lần đọc thơ của nhà thơ Vương Trọng vẫn không thốt nên lời. Thơ của ông là tiếng lòng, sự sẻ chia với những bất hạnh, hoàn cảnh éo le, hay là cái hóm hỉnh, tươi vui, thân thương, tình làng nghĩa xóm?... Nhà thơ Vương Trọng tốt nghiệp khoa Toán, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Ông là Đại tá quân đội và là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
. Dẫu xa quê hương nhưng năm nào ông cũng tìm về cội nguồn để sống lại một thuở chăn trâu cắt cỏ, để được ru mình trong những câu hò, điệu ví, được sống yêu thương giữa bà con, anh em họ hàng, làng xóm. Yêu thơ, say thơ, đến nay ông đã xuất bản 25 đầu sách bao gồm 16 tập thơ và trường ca cùng các truyện ngắn, bút ký, chân dung văn học... Ông được tặng nhiều giải thưởng cao quý của Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Quốc phòng.
Nhắc đến các nhà thơ dòng họ Vương ở làng Đông Bích, con cháu chúng tôi vẫn hay kể cho nhau nghe về nhà thơ Thạch Quỳ (tên thật là Vương Đình Huấn - P.V). Ở ông, chúng ta bắt gặp cái “ngông” với đời. Nhà thơ Thạch Quỳ tốt nghiệp khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Vinh, ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, từng đạt giải thưởng cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ và nhiều giải thưởng văn học khác. Ông Luân cho hay, tính cách của nhà thơ Thạch Quỳ cương trực, thẳng thắn. Thơ ông có khí chất mạnh mẽ, bản lĩnh, thừa hưởng cốt cách của các nhà thơ lớn một thời như Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu...
Hay như tộc trưởng Vương Đình Luân với bút danh Huy Kỳ đến với thơ từ khi còn thơ bé. Những năm tháng ở chiến trường, tình yêu thơ trong ông trỗi dậy hơn bao giờ hết. Ông đã có nhiều bài thơ được in trên các báo từ Trung ương tới địa phương. Ông hiện là Hội viên Hội thơ đường Unesco, Việt Nam và là Hội viên Hội thơ huyện Đô Lương. Ngoài ra, phải kể đến nhà thơ Vương Đình Trâm, Vương Đình Chất..., các ông đều là Hội viên Hội Văn học Nghệ An. Kế tiếp sau này, con cháu dù mỗi người một công việc, hoàn cảnh khác nhau nhưng tình yêu thơ luôn cháy trong huyết quản mỗi người trong dòng họ Vương.
Để giúp con cháu tìm về những giá trị tốt đẹp của cha ông xưa để lại cũng như nhắc nhở họ lưu giữ các giá trị đó, sau khi xây dựng nhà thờ họ, những người biên soạn đã sưu tầm, tuyển chọn thơ ca của 10 đời trong họ Vương từ năm 1760 tới nay. Tập thơ đồ sộ, dày gần 1.000 trang với tên gọi “Họ Vương - thơ tuyển” với 28 tác giả là người làng Đông Bích, những người con sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống hiếu học, sâu nặng nghĩa tình. Mỗi người một nét thơ nhưng đều có tình yêu, gắn bó với quê nhà.
Lấy thơ để bầu bạn khi về già, nhưng với những bậc cha anh của dòng họ Vương thì thơ chính là để bồi đắp cho thế hệ trẻ sau này, rằng yêu thơ, yêu văn cũng chính là yêu gia đình, dòng họ, quê hương...
Phan Tuyết