Văn hóa - Giáo dục

Vị tướng Công an mang nặng hồn thơ - tình người

15:45, 18/08/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Tập thơ “Tình nghĩa cuộc đời” do NXB CAND ấn hành năm 2014 của Thiếu tướng Lê Văn Khiêu (1928-2002) mang đến cho tôi bức chân dung một nhân cách, một bản lĩnh của người chỉ huy Công an nhân dân, một con người bình dị an nhiên giữa đời thường.
 
Thời gian Thiếu tướng Lê Văn Khiêu làm Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An ngót nghét 15 năm, có lẽ cũng quá đủ để ông hiểu nghề, hiểu đời, hiểu người. Trong con người ông dường như luôn có sự giằng xé: một bên là nhiệm vụ của lực lượng Công an giao phó luôn đối mặt với những hiểm nguy, đòi hỏi tinh thần và ý chí sắt đá với một bên là con người bình dị giữa đời thường luôn tồn tại những dạng thái tâm lý vô cùng phức tạp. Khi còn công tác, hiếm khi ông làm thơ, hoặc ông không công bố cho dẫu ông nhiều năm là Tổng biên tập Báo Công an Nghệ Tĩnh. Từ năm 1992, khi Đảng và Nhà nước cho hưởng chế độ hưu trí, ông mới dần công bố những bài thơ của mình và hình như từ đó mọi người gần ông hơn, càng hiểu ông hơn.
 
Đối với Thiếu tướng Lê Văn Khiêu, tình cảm với Đảng, với lực lượng Công an là tinh thần tự nguyện hiến dâng tuổi trẻ, cả trí lực và thể lực cho Tổ quốc. Ông nhớ lại ngày 30 Tết năm Quý Tỵ (1953), ông từ biệt gia đình, đi bộ lên chiến khu Việt Bắc: “Đường trường Việt Bắc năm xưa/ Buổi sáng tinh sương giọt lệ mờ/ Cám cảnh mẹ già đời khổ cực/ Thương con, vợ yếu, cảnh nhà thưa/ Cao su chân dép quen gai góc/ Mũ lá trên đầu mặc nắng mưa…” (Năm xưa)
 
Hành trang của ông không có gì ngoài ý chí sắt son một lòng theo Đảng, theo Bác: “Kiên định lập trường nuôi ý chí/ Dựng xây quan điểm thắng quân thù/ Biết bao gian khổ không hề nản/ Cách mạng thành công gió quyện thu” (Ngày ấy)
 
Ánh sáng của niềm tin, tinh thần lạc quan cách mạng luôn soi sáng, giúp Lê Văn Khiêu vững bước trên con đường của mình: “Vẫn vững bước trên con đường bão tố/ Con đường Đảng ta càng sáng tỏ/ Thắng lợi về ắt sẽ có gian truân/ Bước đường đi chớ có ngại ngần/ Hạnh phúc chờ đón, dân mình chờ mong” (Đảng cho đời tôi)
 
 
Điều đáng học hỏi trong thơ Lê Văn Khiêu là niềm tin vào lý tưởng, vào nhiệm vụ, một ý chí “thép” giúp ông luôn vượt trên khó khăn gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ của mình. Niềm tin ấy xuất phát từ trái tim, được ông bộc bạch như nói tiếng nói của trái tim mình: rất chân thành và nồng nhiệt. Theo lời con trai thứ ba của ông - Đại tá Lê Xuân Hoài, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Nghệ An cho biết: “Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của cha tôi mà tôi ấn tượng và cố gắng noi theo, đó là sự vô tư, trung thành và tận tụy”. Cuộc đời gắn bó với lực lượng Công an, 15 năm làm Giám đốc Công an tỉnh Nghệ Tĩnh, Nghệ An, ông luôn say sưa tình cảm với ngành, với nghề. Có lần ông căn dặn Đại tá Lê Xuân Điệp, Trưởng Công an huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, con trai thứ hai của ông: “Mọi công việc các con phải gắn với tổ chức, với đơn vị, với nhân dân. Phải biết quý trọng nhân dân, yêu thương đồng chí, đồng đội, coi đó là mái ấm gia đình của mình”. Có lẽ vì thế mà các con ông đều đã trưởng thành trong sự nghiệp.
 
Mảng đề tài thứ hai trong thơ Lê Văn Khiêu là tình cảm gắn bó với quê hương xứ sở, tình đồng chí, đồng đội, tình cảm gia đình hết sức cảm động. Đọc thơ Lê Văn Khiêu, có thể hình dung ra những địa điểm trong suốt chặng đường công tác: Từ Matxcova đến Viên Chăn, từ những miền đất xa xôi của đất nước đến những huyện khó khăn xứ Nghệ, tất cả hiện lên với sự say sưa và khát khao chiến đấu để bảo vệ sự bình yên của những miền đất ông từng đặt chân. Người đọc kính trọng ông một phần cũng vì lý do đó.
 
Xứ Nghệ trong thơ ông hiện lên đẹp không chỉ với non xanh nước biếc, mà đẹp ngay cả trong gian khó, trong công cuộc đổi mới chung của đất nước: “Lại đến Kỳ Anh những lúc này/ Nỗi niềm tâm sự nói gì đây/ Qua cơn bão tố đầy gian khó/ Nắng cạn khô cằn cát bụi bay/ Gian nan thử thách những lúc này/ Vững tay chèo lái chẳng lung lay” (Đến Kỳ Anh)
 
Chiếm phần không nhỏ trong trước tác của Thiếu tướng Lê Văn Khiêu là mảng thơ về gia đình. Làm thơ về mẹ nhớ lại cảnh rau cháo mẹ góa con côi để ghi nhớ ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục; làm thơ về vị hiền thê đã hy sinh cuộc đời, nuôi dạy các con ông khôn lớn để ông yên tâm công tác; làm thơ răn dạy các con trên mỗi chặng đường các con đi; mỗi khi có cháu nội, cháu ngoại được sinh ra, mỗi dịp sinh nhật, ông đều có thơ tặng các cháu. Trong ông luôn chất chứa “ước vọng gia đình sống đẹp”: “Hòa cùng đất nước tình đời/ Nguồn vui hạnh phúc sáng ngời trong dân/ Vui cùng non nước hòa bình/ Vui nền độc lập quang vinh đời đời”. Chính tư tưởng ấy, nền nếp ấy, Thiếu tướng Lê Văn Khiêu đã để lại cho đời tấm gương đạo đức, nhân cách của một người cách mạng thanh cao, liêm khiết, một gia đình mẫu mực với những người con cháu hiếu thảo, thủy chung, nặng nghĩa tình, suốt đời kế thừa những nền nếp gia phong, luôn có ý thức phấn đấu vươn lên làm rạng danh truyền thống gia đình.
 
Tình đồng chí, đồng đội trong con người Lê Văn Khiêu là một tình cảm chân thành, trọn vẹn, hữu thủy hữu chung. Chính vì thế, thơ ông tặng bạn, rồi bạn tặng ông chiếm phần không nhỏ trong tài sản chữ nghĩa ông để lại cho con cháu. Trong mối quan hệ ấy, ông trân trọng tất cả mọi người, vì thế mà với người nông dân lấm láp quê mùa cũng như Bộ trưởng, vị quan cấp tướng cũng như người lính… tất cả vào thơ ông bằng tình cảm đồng chí đồng đội, phẩm chất của người cộng sản chân chính. Không phải ai cũng giữ được phẩm cách ấy trong thời đại này. Đúng như lời Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an nói về tập thơ: “Chính tình cảm trong sáng, lòng yêu thương vô bờ bến đối với nhân dân, với những giá trị vĩnh cửu của cuộc sống là cội nguồn sức mạnh của những chiến sỹ Công an nhân dân chân chính, bí quyết để họ vượt qua mọi hiểm nguy, gian khổ, để không ngừng sáng tạo trong cuộc đấu trí, đấu lực nhằm bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân”.
 

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác