Văn hóa - Giáo dục
Một đề án sặc mùi tiền, thiếu tính người
Sau đề án dạy ngoại ngữ “sặc mùi tiền” chưa làm nguôi ngoai dư luận xã hội và những cái hậu chưa được Sở GD&ĐT giải quyết rốt ráo thì Sở GD&ĐT TP.HCM lại tiếp tục đưa ra một đề án “sử dụng máy tính bảng” cho việc học tập của con trẻ từ lớp 1 đến lớp 3.
Tóm tắt Đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014-2015” như sau: Toàn bộ sách giáo khoa (SGK) truyền thống được đưa vào sách điện tử dưới dạng 3D kết hợp với âm thanh, hình ảnh được cài đặt vào máy tính bảng. Cũng theo đề án, kinh phí thực hiện là khoảng 4.000 tỉ đồng cho 327.127 học sinh (HS) từ lớp 1 đến lớp 3, trong đó có 5.334 HS thuộc diện chính sách sẽ do ngân sách nhà nước chi.
Với đề án này, hàng loạt vấn đề và hệ lụy của nó được đặt ra:
Nhắm mắt đi ngược!
Hàng loạt chuyên gia y tế trong và ngoài nước đã chính thức lên tiếng về việc nguy hại khi cho con trẻ tiếp xúc sớm với màn hình điện tử (bao gồm truyền hình, DVD, máy tính bảng…).
BS Phạm Ngọc Thanh, BV Nhi đồng 1, nói: “Không nên cho trẻ dưới hai tuổi xem tivi. Trẻ 3-5 tuổi có thể xem tivi mỗi ngày một giờ”.
Còn theo bản khuyến nghị được trình lên chính phủ Australia: Các trung tâm chăm sóc trẻ em chỉ cho trẻ 2-5 tuổi xem tivi không quá một giờ/ngày. Trong khi đó, Tổ chức truyền thông trẻ của Australia đưa ra những hướng dẫn cụ thể: Trẻ dưới hai tuổi hạn chế xem tivi; trẻ mẫu giáo dưới một giờ/ngày là nhiều (một quan điểm khác của Liên minh Trẻ em Australia là nên để các em mẫu giáo tránh xa các loại máy tính), còn trẻ 5-7-8 tuổi thì xem một giờ/ngày là nhiều.
Tại Pháp, Bộ Y tế Pháp khuyến cáo không nên cho trẻ dưới ba tuổi xem màn hình điện tử, bởi sẽ gây tác hại xấu cho sức khỏe trẻ, đặc biệt gây tổn thương cho não (xem 01net.com).
Tổ chức Nhi khoa Canada quy định: Không được đưa tivi, máy tính, thiết bị chơi game vào phòng ngủ trẻ em.
Bộ Y tế và Dịch vụ con người Mỹ đã nhấn mạnh: Giảm thời gian ngồi trước màn hình là một ưu tiên bảo vệ sức khỏe, nhằm “tăng tỉ lệ trẻ em 0-2 tuổi chỉ xem tivi cuối tuần và tăng tỉ lệ trẻ tới 18 tuổi không xem tivi quá hai giờ/ngày” (tạp chí về bệnh trẻ em Archives of Disease in Childhood).
Lý do được đưa ra: Việc ngồi trước màn hình có thể làm giảm thời gian vận động của trẻ, giảm tương tác xã hội với người khác và cơ hội phát triển ngôn ngữ. Nó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển vận động hoàn chỉnh của đôi mắt, làm giảm thời gian tập trung, theo BS Phạm Ngọc Thanh.
Các nhà tâm lý học của Anh cũng đã đưa ra lời kêu gọi khống chế thời gian ngồi trước màn hình mỗi ngày của thiếu niên, nhi đồng bởi bốn nguyên do sau: Sự phát triển của đại não và hệ thần kinh bị tổn thương; ngủ không ngon giấc, cơ thể không phát triển; dễ mắc các bệnh tim mạch; tính cách nóng nảy, khó kết bạn (The People).
Chương trình khảo sát của Hiệp hội Nghiên cứu sự phát triển của trẻ tại Quebec (Canada) đưa một báo động: Xem màn hình điện tử nhiều sẽ dẫn đến giảm 7% sức tập trung trong lớp, giảm 9% trong hoạt động thể chất…
Cựu Bộ trưởng Bộ Thiếu niên và Nhi đồng Anh Tim Loughton đã cảnh báo trên trang Daily Mail, trẻ dán mắt vào màn hình máy tính hoặc tivi sẽ gây ra những thay đổi trong não trẻ, có hại như người nghiện ma túy hay nghiện rượu, và hàng loạt vấn đề về sức khỏe: Lượng cholesterol cao, nhồi máu cơ tim, mất tập trung hay suy giảm khả năng làm toán, đọc, rối loạn giấc ngủ và tự kỷ. Cũng theo báo này, TS Aric Sigman đã công bố một kết quả điều tra trên trẻ nhỏ 12-15 tuổi xem màn hình điện tử nhiều: Một thế hệ trẻ em sẽ bị tổn thương sức khỏe và bộ não nghiêm trọng!
ThS Lê Quốc Thịnh (Trung tâm y khoa Kỳ Hòa): Ai cũng biết là xem tivi, làm việc với máy tính nhiều mỏi mắt nhanh hơn đọc sách, sẽ gây cận thị và nhiều bệnh về mắt. Còn các chuyên gia y tế cho biết: Ngồi lâu bên máy tính đồng nghĩa với việc chỉ có bàn tay, cổ và các ngón tay của chúng ta phải hoạt động liên tục, trong khi toàn bộ phần thân người lại gần như bất động.
Cuối cùng, chúng tôi tạm dừng phản biện về mặt khoa học bằng một nghiên cứu và kết luận của một số nhà khoa học Đức qua “Cửa sổ nhỏ cho thấy trí tuệ của trẻ em”: Peter Winterstein - bác sĩ Nhi khoa, BS Robert J. jungwirth và nhà sinh lý học thần kinh Manfred Spritzer, Giám đốc Trung tâm Y tế ĐH Ulm - Đức: Một đầu óc chỉ thu thập các sự vật nếu trẻ khám phá chúng bằng sự phối hợp nhiều giác quan, nghĩa là thính giác, thị giác, khứu giác và xúc giác… và các thông tin trên màn ảnh điện tử luôn nghèo nàn khi so sánh với thế giới thực tại. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Xem nhiều màn hình điện tử sẽ ảnh hưởng trên sự phát triển của trẻ em còn tệ hại hơn việc người mẹ hút nicotin khi mang thai trẻ đó.
Tới đây, cần nghe lại lời phát biểu của ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM: “Việc tổ chức phòng học thông minh không có gì mới so với thế giới…”. Thế giới mà ông nói là thế giới nào? Chương trình học của họ tương tác với công nghệ ra sao? Họ tổ chức cho lứa tuổi nào sử dụng công nghệ? Phương thức quản lý ra sao?
Cả đề án chủ yếu nói chuyện tiền
Trước hết, chúng ta phải khẳng định việc thực hiện một bộ SGK điện tử không có gì phải bàn cãi. Song việc sử dụng, triển khai nó như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất cho học sinh và ít tốn kém nhất cho cả Nhà nước và nhân dân, lại là một vấn đề cần được nghiên cứu nghiêm túc và cẩn trọng. Ở một số nước, việc triển khai máy tính bảng nếu có, chỉ với học sinh cấp 2 trở lên và nó hoàn toàn không thể thay thế cho SGK và phương pháp dạy truyền thống mà máy tính bảng chỉ là công cụ hỗ trợ cho việc học của các em.
Có lẽ việc thực hiện 12 bộ SGK điện tử không có vấn đề gì lớn về tài chính, vấn đề lớn ở đây là bộ SGK điện tử được gắn khá chặt chẽ với việc bán công nghệ điện tử cho các trường và “bán máy tính bảng” đến từng HS.
Đó là điều mà dư luận nghi ngờ nhất.
Xuyên suốt trong đề án được công bố, nội dung chi tiền chiếm phần chủ đạo, còn việc giải thích cho công luận hiểu: Nội dung cụ thể của SGK điện tử gồm những phần nào, học ra sao, mang lại lợi ích thế nào cho HS và quan trọng các em sẽ học bằng máy tính bảng bao nhiêu giờ trong một ngày, có ảnh hưởng sức khỏe tới đâu…, tức là hiệu quả và hạn chế của đề án thì chỉ được nêu lên dưới dạng những khẩu hiệu sáo rỗng chứ không có sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc và sòng phẳng trước dư luận.
Cứ theo đề án này, phụ huynh TP.HCM sẽ phải chi 4.000 tỉ đồng cho việc thay-vì-cầm-SGK-truyền-thống-thì-cầm-máy-tính-bảng có chứa nội dung SGK và dĩ nhiên có thêm một số kiến thức bên ngoài và những hoạt động tương tác giữa thầy-trò và trò với trò.
4.000 tỉ đồng để mở cửa hậu cho kiến thức “lậu” chui lòn
Không thể không đặt câu hỏi: Có hội đồng khoa học giáo dục nào của Bộ GD&ĐT nghiệm thu những kiến thức được đưa thêm ngoài SGK vào trong cái máy tính bảng này, mà lại đem triển khai chính thức trong trường học.
Một bộ SGK hiện hành muốn lọt vào trường học phải qua biết bao hội đồng thẩm định từng câu chữ, thậm chí phải xin phép Quốc hội, còn những kiến thức “tặng thêm” do một vài công ty cổ phần soạn thảo lại dễ dàng lọt qua cửa chính nhà trường với số tiền khổng lồ 4.000 tỉ đồng như Công ty Cổ phần Sách điện tử giáo dục (EDC) thỏa thuận với Intel Việt Nam xây dựng nền tảng công nghệ SGK điện tử, trên các thiết bị sử dụng bộ vi xử lý của Intel. Rồi hội thảo do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức lại xuất hiện Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc Tế (AIC) với hàng loạt định mức đầu tư cho các loại công nghệ trị giá 3.900-4.400 tỉ đồng.
Nếu xem SGK điện tử này chỉ như một công cụ dạy và học bổ sung, như sách tham khảo truyền thống, ai thích và có điều kiện thì mua, ai không muốn thì không mua, có lẽ dư luận sẽ không bức xúc.
Sau người mẹ nghèo Nguyễn Thị Mỹ Nhân, còn ai?
Theo đề án, có 5.334 HS thuộc diện chính sách sẽ do ngân sách nhà nước đài thọ việc mua SGK điện tử này.
Thế nào là HS thuộc diện chính sách?
Có lẽ trong đó chắc sẽ có HS thuộc hộ nghèo!? Song, chúng ta hãy nhớ lại sự việc bi thảm cách đây hơn một năm: Người mẹ nghèo Nguyễn Thị Mỹ Nhân đã phải tự tử để gia đình có sổ hộ nghèo được vay tiền cho con đi học (bằng SGK truyền thống). Vậy những người đề xuất đề án này, trong đó trước hết phải nhấn mạnh vai trò của Sở GD&ĐT, đã đánh giá chính xác các hộ gia đình nghèo chưa? Số tiền 5 triệu đồng mua máy với hộ cận nghèo là một gia tài.
Những nhà kiến-tạo-chủ-trương này quả thật là quá vô cảm trước cuộc sống khó khăn của đại bộ phận người dân. Việc mua một bộ SGK truyền thống chỉ khoảng 100.000 đồng so với một máy tính bảng 5 triệu đồng chênh lệch một trời một vực, mà chất lượng còn ở dạng… bỏ ngỏ.
Một hệ lụy tưởng nhỏ mà không nhỏ: Trẻ 6-8 tuổi, cái tuổi còn quá nhỏ để có thể nhận thức đầy đủ việc bảo quản máy móc, việc làm rơi máy, mất máy, sử dụng máy không tốt… là một điều hiển nhiên mà bất cứ phụ huynh HS tiểu học nào cũng hiểu. Tình trạng trẻ nhỏ một năm thay 2-3 máy cũng không phải là chuyện không thể xảy ra.
Như vậy, với hơn 300.000 máy trang bị, tính luôn số hư hao mất mát, tổng số máy bán được biết đâu chừng lên tới gấp rưỡi. Và giả dụ nếu có được “thành công”, dù là thành công do chế biến cho ra, sẽ đến giai đoạn triển khai ra toàn cấp tiểu học, ra cả hai cấp trung học, rồi đến cả nước với những công trình nghiên cứu “vuốt đuôi” không hiếm ở ta, món lợi lớn biết chừng nào!!!
Đục nước thì béo cò!
Thêm chuyện đơn giản nhất, đang học thì máy hết pin, các em lỡ bấm bậy xóa chương trình… hàng loạt hệ lụy sẽ xảy ra nếu triển khai máy tính bảng đại trà một cách bắt buộc với trẻ còn quá nhỏ.
Kéo trẻ từ thực tới ảo, trái luật giáo dục
Cứ theo đề án, căn cứ pháp lý để xây dựng đề án là Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 được trích dẫn: “Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn….”.
Song, thực tế của đề án lại đưa HS từ thế giới thực vốn có trở về với thế giới ảo! Ví dụ, học SGK truyền thống, các em học về hoa sẽ được cô giáo chuẩn bị giáo cụ trực quan bằng một bông hoa thật có đầy đủ cành, lá, nhụy để các em có thể sờ mó được, ngửi được mùi hương của hoa (học bằng cả năm giác quan) thì nay với SGK điện tử các em sẽ được chiêm ngưỡng nó trên thế giới ảo của máy tính bảng.
Kéo học trò từ thế giới thực vào trong thế giới ảo, có đúng Luật Giáo dục không? Vẫn là chương trình, SGK cũ, chỉ khác “bông hoa thật thay bằng bông hoa ảo”, vậy là đổi mới toàn diện giáo dục rồi chăng?
Và đề án này sẽ là đề án tội ác nếu công nhận nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài, cũng như thấy rõ chính sách của các nước tiên tiến nhất trên thế giới đang hạn chế trẻ nhỏ sử dụng nhiều màn hình điện tử, vì sẽ gây hại lâu dài đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Nhắc lại: Các nước tiên tiến vẫn tiếp tục sử dụng SGK truyền thống trong giảng dạy chính thức trong nhà trường (máy tính bảng chỉ mang tính bổ trợ và giúp các em tham khảo thêm, nếu muốn).
Vậy thì AI? ĐIỀU GÌ cám dỗ Sở GD&ĐT TP.HCM lần bước đưa chân đến một đề án ngốn tiền của dân, phản khoa học và phi nhân bản đến như vậy!?
Theo Mai Lan - Pháp luật TP.HCM