Văn hóa - Giáo dục

Tổ chức kỳ thi 'hai trong một': Rắc rối hai loại hình cụm thi

15:54, 13/09/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Việc tổ chức hai loại hình cụm thi cho hai đối tượng học sinh liệu có khiến các em cảm thấy bị phân biệt? Nếu kỳ thi không thực hiện nghiêm túc trên cả nước mà nơi nới lỏng, nơi coi chặt sẽ dẫn đến việc không công bằng cho học sinh khi kết quả thi được sử dụng như nhau? Thí sinh ban đầu không định thi đại học nhưng sau đó lại muốn tham gia thì làm thế nào?
 
Đó là những băn khoăn của các nhà giáo dục cũng như học sinh ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố những điểm mới về Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia sẽ được thực hiện từ năm 2015.
 
Học sinh sẽ cảm thấy bị phân biệt!
 
Theo Tiến sỹ Tâm lý học Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực để chốt phương án sớm, giúp học sinh và nhà trường có thời gian chuẩn bị, bớt hoang mang lo lắng.
 
Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng phương án của Bộ chưa ổn khi có hai loại hình cụm thi, một do các sở giáo dục và đào tạo chủ trì dành cho những học sinh chỉ cần xét tốt nghiệp trung học phổ thông và một do các trường đại học chủ trì, dành cho những học sinh ngoài việc xét tốt nghiệp muốn dùng điểm thi để xét tuyển vào đại học.
 
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông
 
“Điều này sẽ dẫn đến việc thí sinh cảm thấy bị phân biệt đối xử, hình thành hai loại học sinh,” ông Lâm nói.
 
Theo ông Lâm, kỳ thi tốt nghiệp do các địa phương tổ chức lâu nay vốn không được dư luận xã hội tin tưởng, và cũng vì thế Bộ mới không dám giao toàn quyền cho các sở tổ chức kỳ thi năm tới khi mục đích kỳ thi lớn hơn. Kỳ thi do trường đại học chủ trì sẽ được đánh giá là nghiêm túc hơn. Khi đó, học sinh thi theo sở sẽ bị thiệt thòi về mặt tâm lý.
 
Mặt khác, là một chuyên gia tâm lý nên ông Lâm cho rằng, hoàn toàn có thể xảy ra tình huống thí sinh ban đầu không có ý định thi đại học nên đăng ký thi tại cụm do địa phương tổ chức, nhưng sau đó các em đạt điểm cao, hoặc là thay đổi ý kiến, và học sinh rất dễ thay đổi ý kiến, thì các em có được dùng kết quả đó để xét vào các trường đại học hay không?
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo rõ ràng không thể nói không vì các em thi cùng đề, trong cùng một kỳ thi quốc gia nên không thể phân biệt sử dụng kết quả chỉ vì cụm thi, không thể tước quyền đăng ký xét tuyển đại học của các em. Nếu phân biệt sử dụng kết quả vì cụm thi thì mục tiêu đánh giá mặt bằng chất lượng quốc gia của kỳ thi thống nhất đã không đạt được. Nếu được sử dụng thì liệu có cần phải có hai loại hình tổ chức cụm thi?
 
“Chưa kể, công tác phân luồng hiện nay còn kém, học sinh Việt Nam vẫn rất muốn thi đại học, kể cả học sinh có học lực trung bình. Vì thế, rất có thể xảy ra tình trạng chỉ vài học sinh đăng ký thi tại các cụm do sở giáo dục và đào tạo chủ trì,” ông Lâm chia sẻ.
 
Trên thực tế, đây là điều đã xảy ra khi một hiệu trưởng từng bị phụ huynh phản ứng khi cố gắng khuyên học trò học lực kém không nên dự thi đại học.
 
“Tôi nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem lại điểm này. Nếu đã là kỳ thi quốc gia thì phải thực hiện việc đồng bộ đối với tất cả các đối tượng dự thi,” ông Lâm nói.
 
Dư luận vẫn lo ngại về sự nghiêm túc thực sự của kỳ thi
Dư luận vẫn lo ngại về sự nghiêm túc thực sự của kỳ thi "hai trong một"
 
Không nghiêm túc sẽ thiếu công bằng
 
Cũng liên quan đến việc tổ chức thành nhiều loại hình cụm thi, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về sự nghiêm túc, trung thực của kỳ thi trên phạm vi toàn quốc.
 
Theo ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Hà Nội, để đảm bảo nghiêm túc thì việc tổ chức kỳ thi không hề đơn giản.
 
“Bộ giáo dục nghĩ đến việc chia cụm thi theo đối tượng thi cũng là hợp lý nhưng phải làm thế nào để xã hội tin tưởng vào chất lượng giống nhau của kết quả các cụm thi. Chúng ta thừa hiểu là các kỳ thi ở địa phương lâu nay vẫn có rất nhiều bất cập,” ông Hạnh nói.
 
Đây cũng là chia sẻ của Hiệu trưởng Đại học Tây Nguyên, ông Nguyễn Tấn Vui. Ông Vui cho biết, nếu Bộ giao nhiệm vụ tham gia kỳ thi, Đại học Tây Nguyên sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành, nhưng việc tổ chức thi như Bộ đưa ra sẽ nhiều khó khăn, không đơn giản.
 
Theo ông Vui, tổ chức thi ở các địa phương sẽ có nhiều yếu tố khách quan chi phối, khác với việc các trường được toàn quyền chủ động như khi tổ chức thi “ba chung” ở trường mình.
 
“Đây là một kỳ thi rất quan trọng với thí sinh. Vì thế, nếu tổ chức trên cả nước nhưng chỗ này tốt, chỗ kia không tốt sẽ là không công bằng với các em,” ông Vui nói.
 
Chia sẻ về những “yếu tố khách quan” tác động khi tổ chức ở các địa phương, một giáo viên trung học phổ thông cho biết, khi đi coi thi, giám thị có nhiều yếu tố tác động như người thân quen nhờ vả, con của con em cán bộ địa phương, hoặc thậm chí, giám thị có thể gặp sự đe dọa của chính thí sinh và người nhà. Việc giám thị coi chặt, sau đó bị thí sinh “trả đũa” là đã từng xảy ra.
 
Với các em học sinh, thì sự công bằng trong tổ chức kỳ thi càng là vấn đề khiến các em lo lắng hơn. Bùi Mỹ Anh, học sinh trường Trung học phổ thông Việt Đức phân tích, mọi năm, kết quả thi chỉ để xét đỗ, trượt, nên các địa phương nào coi chặt hay nới lỏng chỉ tác động đến chính học sinh đó. Nhưng năm nay, kết quả thi không chỉ dừng lại ở xét tốt nghiệp mà còn để học sinh trên cả nước cạnh tranh nhau trong kỳ thi đại học.
 
Để chứng minh cho điều này, Mỹ Anh dẫn lại con số tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước “rơi tự do” từ 94% năm 2006 xuống 66%, thậm chí có trường là 0%, năm 2007, khi ngành giáo dục và đào tạo thực hiện kỳ thi nghiêm túc. Nhưng chỉ vài năm con số này đã tăng phi mã và trở về mức trên 90%, năm 2014 là trên 98%.
 
“Vì thế, chúng em rất lo lắng. Nếu ở nơi em thi coi chặt, nhưng ở nơi khác thí sinh được nhắc bài, thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội vào đại học, ảnh hưởng đến tương lai của chúng em,” Mỹ Anh chia sẻ.
 

Nguồn: vietnamplus.vn

Các tin khác