Văn hóa - Giáo dục
Cải cách giáo dục đại học: Đâu là những 'nút thắt' đầu tiên?
14:49, 02/08/2014 (GMT+7)
Ngày 31/7, tại TP Hồ Chí Minh, Nhóm Đối thoại giáo dục phối hợp với Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo Đối thoại giáo dục Việt Nam "Thảo luận về cải cách giáo dục đại học."
Hội thảo có sự tham gia của gần 100 học giả, các giáo sư, các thành viên của Nhóm đối thoại giáo dục đến từ các trường đại học Việt Nam và quốc tế.
Hội thảo được kỳ vọng nhằm giúp các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, các nhà giáo dục, đại diện các trường cao đẳng và đại học cùng các doanh nhân thảo luận về các chiến lược và đề xuất những cải cách đối với hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, giáo sư Ngô Bảo Châu, đại diện Nhóm Đối thoại giáo dục nhấn mạnh trong bức tranh lớn của giáo dục Việt Nam, giáo dục đại học là mảng cần đổi mới căn bản và toàn diện một cách sớm nhất.
Đây cũng là mảng phức tạp nhất, trong sự phức tạp đó, đâu là những "nút thắt" cần phải được tháo gỡ đầu tiên? Đó là câu hỏi mà tất cả những người quan tâm đến giáo dục đại học ở Việt Nam đều nhận ra và cần thiết có câu trả lời.
Giáo sư Ngô Bảo Châu tham gia thảo luận |
Chia sẻ về vấn đề giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết đổi mới giáo dục đại học là nhiệm vụ cấp bách được xác định trong nhiều chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã ban hành chương trình hành động để thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà. Mục tiêu của giáo dục đại học đã có sự thay đổi căn bản chuyển từ cung cấp kiến thức là chính sang hướng dẫn phát triển năng lực, tư duy sáng tạo của mỗi sinh viên. Sự phát triển giáo dục đại học đã có sự phân hóa rõ rệt từ thấp đến cao...
Nhấn mạnh việc Luật giáo dục Đại học ra đời năm 2013 đã tạo sự chuyển biến tích cực, đặc biệt lần đầu tiên tự chủ đại học đã được xem là một thuộc tính của giáo dục đại học, từng bước tiến tới xóa bỏ tư duy bao cấp, tăng tính chủ động, thể hiện trách nhiệm xã hội của nhà trường, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, việc nâng cao chất lượng đại trà của giáo dục đại học Việt Nam còn rất nhiều thử thách.
Cụ thể như sự phân tầng của các trường đại học chưa rõ ràng, do đó các trường không xác định được mục tiêu cụ thể của mình dẫn đến đào tạo theo hướng ứng dụng nhưng thiếu kỹ năng thực hành, thiếu kiến thức chuyên sâu; nghiên cứu khoa học trong các trường đại học còn bị xem nhẹ. Việc đổi mới tại các cơ sở giáo dục đại học còn diễn ra chậm chạp; việc hợp tác, giao lưu quốc tế của các trường đại học còn chưa thực hiện rộng rãi...
Đề cập đến nội dung xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các trường đại học Việt Nam, giáo sư Ngô Bảo Châu đã chỉ ra những điểm khác nhau cơ bản trong quy trình tuyển chọn và xây dựng nhân sự đại học ở Việt Nam và các nước tiên tiến, qua đó đề xuất các giải pháp có thể thực hiện để từng bước cải thiện chất lượng nghiên cứu và giảng dạy đại học ở Việt Nam.
Một số giải pháp cụ thể được giáo sư Ngô Bảo Châu đưa ra gồm quy trình tuyển chọn thống nhất cho tất cả các trường đại học trong cả nước tiến tới tạo một thị trường tuyển dụng cán bộ nghiên cứu và giảng dạy thông suốt trong cả nước.
Quyết định của Hội đồng tuyển dụng cần được hiệu trưởng phê duyệt trên cơ sở báo cáo của Hội đồng khoa học và thư giới thiệu đến từ bên ngoài. Quyết định tuyển dụng và lý lịch khoa học của những người được tuyển phải được công bố công khai. Mặt khác, lấy việc bổ nhiệm giáo sư làm trọng tâm cho việc thực hiện tự chủ khoa học của các trường đại học. Nhận thức rộng rãi giáo sư là một vị trí công tác chủ chốt, chứ không phải là một phẩm tước danh dự. Nới lỏng hệ thống thu nhập, bên cạnh thu nhập thông thường theo thang lương công chức, cán bộ khoa học giảng dạy có thể được hưởng thu nhập đặc biệt với nguồn từ trong và ngoài ngân sách, do các trường đại học chủ động quyết định.
Các cơ sở giáo dục đại học nên lấy thành tích xây dựng và nâng cao chất lượng của đội ngũ nghiên cứu giảng dạy để đánh giá năng lực lãnh đạo trường đại học; lấy thu nhập cán bộ khoa học giảng dạy làm một tiêu chí để đánh giá, xếp hạng các trường đại học.
Đề cập đến vấn đề tự chủ đại học ở Việt Nam, ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ ra một số vấn đề như quyền tự chủ vẫn chưa phải là bước ngoặt vì Nhà nước vẫn đóng vai trò kiểm soát rất lớn, mặt khác việc thực hiện tự chủ tài chính chưa đồng bộ với những quy định khác nên chưa thành công. Bên cạnh đó, vướng mắc về cơ chế, việc thực hiện quyền tự chủ gặp khó khăn do các trường chưa đủ năng lực và chưa sẵn sàng, còn nặng tư duy bao cấp.
Tiến sỹ Trần Ngọc Anh, phó giáo sư về chính sách công Đại học Indiana cho rằng muốn cải cách một trường đại học, lãnh đạo của trường đó cần có đủ động lực để cải cách. Trong đó, động lực mạnh mẽ nhất là cơ chế chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của trường.
Từ thực tế nghiên cứu của mình, tiến sỹ Trần Ngọc Anh đã đề xuất sử dụng thẻ đánh giá để tăng trách nhiệm giải trình trước sinh viên.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho một tổ chức độc lập khảo sát đánh giá của sinh viên và cựu sinh viên. Từ đó, tổ chức này xếp hạng các trường về chất lượng giảng dạy và tỷ lệ xin được việc sau khi ra trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng xếp hạng độc lập này để khen thưởng thi đua và bổ nhiệm lãnh đạo.
Bày tỏ mong muốn được lắng nghe các vấn đề về ứng dụng công nghệ và nghiên cứu khoa học trong trường đại học hiện nay, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng ở các nước phát triển, hầu hết các phát minh, giải thưởng Nobel đều xuất phát từ trường đại học, còn ở Việt Nam thì ngược lại.
Nhiệm vụ của giáo dục đại học là vừa giáo dục nghề nghiệp vừa nghiên cứu, thế nhưng tỷ trọng nghiên cứu ở Việt Nam lại nghiêng về các viện nghiên cứu chứ không phải các trường. Cơ chế và tư duy bao cấp vẫn tồn tại trong các trường đại học. Quan điểm của Hội đồng Quốc gia giáo dục mong muốn từng bước tháo gỡ rào cản này, giao quyền tự chủ cho các trường đại học.
Trong hai ngày diễn ra hội thảo (31/7 đến 1/8), các đại biểu sẽ tập trung thảo luận các nội dung chính gồm quản trị; tự chủ; tài chính, chất lượng và số hóa; giảng viên và nghiên cứu khoa học; đại học tư và yếu tố nước ngoài.
Trong đó, một số vấn đề cụ thể đáng chú ý như hệ thống quản trị và quản lý thích hợp cho giáo dục đại học Việt Nam; đổi mới cơ chế tài chính, góp phần nâng cao chất lượng, thực hiện mục tiêu công bằng, hiệu quả trong giáo dục đại học; đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học: xu hướng thế giới và định hướng phát triển cho Việt Nam; Giáo dục số-Cơ hội cho cải cách giáo dục đại học...
Nguồn: vietnamplus.vn