Văn hóa - Giáo dục

Đề xuất quy định mới xét tặng 'Nhà giáo Nhân dân', 'Nhà giáo ưu tú'

07:41, 01/08/2014 (GMT+7)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”.

123
Ảnh minh họa

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngày 30/5/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng các nghệ sỹ, nhà giáo, thầy thuốc. Tính đến năm 2012, qua 12 lần xét tặng, Chủ tịch nước đã phong tặng 528 Nhà giáo Nhân dân và 6735 Nhà giáo Ưu tú.

Năm 2014, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, ngành Giáo dục tiếp tục tổ chức xét, đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú lần thứ 13. Việc tổ chức xét tặng được thực hiện theo quy định tại Thông tư 07/2012/TT-BGDĐT ngày 17/2/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Qua báo cáo của các cơ quan, phản ánh của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và thực tế hai lần xét tặng (năm 2012, năm 2014), các quy định hiện hành về việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú có một số tồn tại về đối tượng xét tặng, nguyên tắc, tiêu chuẩn xét tặng…

Từ thực tế này, Nghị định quy định xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” cần được ban hành để có đủ cơ sở pháp lý trong việc xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”; khắc phục những hạn chế trong công tác xét tặng thời gian qua; tạo điều kiện để các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có tiêu chuẩn cụ thể để phấn đấu; cơ quan quản lý giáo dục và cán bộ quản lý giáo dục các cấp có căn cứ để xây dựng kế hoạch phát hiện, bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến.

Xét tặng danh hiệu 3 năm/lần

Tại dự thảo Nghị định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất một số quy định mới so với quy định hiện hành.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất quy định rõ đối tượng là nhà giáo trực tiếp giảng dạy, giáo dục và đối tượng cán bộ quản lý giáo dục.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà giáo có nhiệm vụ chủ yếu là giảng dạy, giáo dục. Cán bộ quản lý giáo dục có nhiệm vụ chủ yếu là làm công tác quản lý. Do vậy tiêu chuẩn cụ thể của hai đối tượng này có nhiều điểm khác nhau. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng cũng quy định hai đối tượng này có thời gian công tác trong ngành giáo dục, thời gian trực tiếp giảng dạy khác nhau. Thời gian qua, do chưa quy định rõ hai đối tượng này nên một số cán bộ quản lý có tham gia giảng dạy đã đề nghị xét tặng theo tiêu chuẩn nhà giáo, dẫn tới việc kê khai thành tích cá nhân không chính xác, gây nhiều khó khăn cho quá trình xét tặng của các cấp hội đồng.

Tại dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất những quy định chi tiết về tiêu chuẩn “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”. Trong đó, “Nhà giáo Ưu tú” phải là giáo viên, giảng viên có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 15 năm trở lên; cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên, trong đó có 10 năm trở lên là giáo viên, giảng viên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy. “Nhà giáo Nhân dân” là giáo viên, giảng viên có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 20 năm trở lên; cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên, trong đó có 15 năm trở lên là giáo viên, giảng viên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy; đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” từ 5 năm trở lên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất điều chỉnh thời gian xét tặng và công bố danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” từ 2 năm thành 3 năm theo Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013.

Nguồn: chinhphu.vn

Các tin khác