Văn hóa - Giáo dục
Tín hiệu đổi mới từ cách ra đề thi
08:06, 30/07/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Khi mà quan niệm “thi gì học nấy” đã “ăn sâu, bám rễ” trong một bộ phận lớn học sinh hiện nay, nội dung, cách thức ra đề thi trong những kỳ thi bước ngoặt, quan trọng có tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ tới phương pháp giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh, nhất là với các môn khoa học xã hội. Nhìn chung, nội dung và cách thức ra đề thi trong kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ vừa qua đã thể hiện tín hiệu đổi mới qua việc chú trọng đánh giá năng lực hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn, hạn chế lối “học tủ”, ghi nhớ máy móc.
Từ những đề thi mang âm hưởng yêu nước
Một vấn đề thuộc lĩnh vực đời sống chính trị - xã hội thu hút sự chú ý của dư luận trong suốt hơn hai tháng qua là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta. Trong kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ vừa qua, vấn đề Biển Đông đã được đưa vào các đề thi Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý ở những mức độ khác nhau, qua đó góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước ở các thí sinh.
Với đề thi môn Ngữ văn, khối C, câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh từ việc nắm được ý nghĩa của câu văn trích trong truyện ngắn “Đời thừa” của nhà văn Nam Cao, trình bày quan niệm của mình về “kẻ mạnh”. Trong cuộc sống, để được người khác tôn trọng, người ta không thể cậy mạnh, giẫm lên vai, chà đạp lên người khác. Ngược lại, người được xem là “mạnh” khi luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình. Đó là một quan niệm đúng đắn, tiến bộ, phù hợp với tinh thần khoan dung trong cuộc sống. Suy rộng ra, ở bình diện quốc gia, một nước không thể cậy mạnh uy hiếp các nước láng giềng và có những cách hành xử hung hăng chỉ để thỏa mãn những toan tính ích kỷ của mình. Sức mạnh chân chính nằm ở lẽ phải, lòng khoan dung, sự giúp đỡ chân thành. Người làm bài có thể lấy ví dụ trong cuộc sống, liên hệ với những hành động ngông cuồng của Trung Quốc khi cậy mạnh, ngang nhiên hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Cũng ở môn Ngữ văn, có hai câu hỏi chứa đựng những nội dung “đánh thức” tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, dân tộc. Câu 1 của đề thi khai thác ngữ liệu từ một đoạn thơ trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, qua đó, bồi đắp tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc. Câu 2 bàn về lẽ sống đúng đắn, phù hợp khi đề cập tới vấn đề “cống hiến và hưởng thụ”. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, sự hưởng thụ nhiều khi không thỏa mãn ở mức tối da. Tinh thần của con người chân chính là cống hiến hết mình, việc hưởng thụ còn tùy thuộc vào hoàn cảnh. Mỗi người cần nỗ lực cống hiến hết mình cho cộng đồng, xã hội trước khi đòi hỏi quyền được hưởng thụ. Câu hỏi của đề thi đã khéo léo khơi gợi ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với cộng đồng, nhất là trong những thời điểm đất nước gặp khó khăn.
Thí sinh làm bài thi đại học |
Không chỉ ở môn Ngữ văn, vấn đề biển đảo, chủ quyền dân tộc cũng xuất hiện khá đậm nét trong đề thi môn Địa lý, khối C. Đề thi có 4 câu hỏi, đa phần đều liên quan tới những vấn đề thực tế của đời sống. Đặc biệt, câu 1 đề cập trực tiếp nội dung vấn đề biển đảo: “Trình bày vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa có ý nghĩa như thế nào về an ninh, quốc phòng?”. Với câu hỏi này, thí sinh có điều kiện trình bày hiểu biết của bản thân về vai trò của các ngư dân trong công cuộc bảo vệ, giữ gìn các vùng biển đảo thuộc chủ quyền không thể tách rời của Tổ quốc. Những ngư dân kiên cường ngày đêm bám biển thực sự là những “cột mốc chủ quyền” của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh thời gian qua Trung Quốc đã có những hành động ngang ngược nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, vấn đề đảm bảo an toàn cho ngư dân nước ta đánh bắt hải sản ở các ngư trường truyền thống càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Đề thi “mở” mang “hơi thở” đổi mới
Cảm nhận chung về đề thi ĐH, CĐ trong mùa tuyển sinh năm nay là cách ra đề thi của Bộ GD&ĐT đã có sự đổi mới. Nhìn một cách tổng thể, đề thi vừa sức với phần lớn thí sinh, bám sát chương trình đã học và không có những câu hỏi mang tính đánh đố. Đề thi khối C, khối D môn Ngữ văn ở câu 1 đều lấy ngữ liệu trong phần đọc thêm của sách giáo khoa lớp 12 (đoạn trích trong bài thơ “Đò lèn” - Nguyễn Duy và đoạn trích trong bài thơ “Đất nước” - Nguyễn Đình Thi). Điều đó cho thấy, đề thi đã rải đều kiến thức trong sách giáo khoa và nội dung nào cũng quan trọng. Do đó, để chủ động trong mọi tình huống, thí sinh không chỉ cần nắm vững kiến thức về tác giả, tác phẩm ở những bài chính khóa mà những bài đọc thêm cũng không được phép chủ quan, lơ là.
Đặc biệt, những câu hỏi trong đề thi ra theo hướng “mở”, gắn liền với những vấn đề thiết thực đặt ra trong cuộc sống đã gây hứng thú đối với nhiều thí sinh. Với những câu hỏi “mở”, thí sinh có điều kiện chủ động bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của bản thân về các vấn đề đặt ra trong đề bài. Người làm bài cần phải huy động những kiến thức trong thực tiễn đời sống kết hợp với cách hành văn, diễn đạt phù hợp mới có thể có được những bài viết hay, phong phú, giàu cảm xúc. Với sự kết hợp hài hòa giữa những bài học trong sách giáo khoa và thực tiễn sinh động của cuộc sống, khoảng cách giữa “văn” và “đời” phần nào được xóa nhòa.
Từ trước tới nay, môn Lịch sử vẫn bị than phiền bởi đề thi thường yêu cầu thí sinh phải học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc các sự kiện thì đề thi năm nay đã được ra theo hướng đổi mới. Vấn đề được đề cập trong các câu hỏi mang nhiều ý nghĩa thời sự. Chẳng hạn như câu hỏi về vai trò của các quốc gia Đông Nam Á trong việc đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh khu vực; vai trò của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Không yêu cầu thí sinh phải ghi nhớ quá nhiều sự kiện máy móc, các câu hỏi thiên về yêu cầu khả năng suy luận, nắm bắt trúng bản chất của vấn đề và ít nhiều phải có những hiểu biết cơ bản về tình hình thời sự trong nước và quốc tế mới mong có được điểm số cao.
Có thể nhận thấy, cách thức ra đề thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua cho thấy dấu hiệu của việc thay đổi lối tư duy, phương thức tiến hành đánh giá, kiểm tra năng lực học tập của học sinh bậc phổ thông. Đây có thể xem là bước đi thích hợp trong lộ trình đổi mới thi cử mà ngành giáo dục sẽ triển khai mạnh mẽ, quyết liệt trong thời gian tới.
Minh Tuấn