Văn hóa - Giáo dục

Trọn một tình yêu với câu hát dân ca

14:31, 24/07/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-“Tôi cũng gần đất xa trời rồi, nhiệt huyết cũng không còn như trước nữa, CLB dân ca tồn tại và hoạt động đều đặn như hiện nay đều nhờ các thành viên tự nguyện, đặc biệt trong số đó có bà Mùi là thành viên nhiệt huyết và luôn dành trọn tình yêu với câu hát dân ca”, đó là lời khen của cụ Trần Bạch Mai (83 tuổi), Chủ nhiệm CLB Dân ca phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò) dành cho bà Trần Thị Mùi.

Dù chỉ là một thành viên như bao thành viên khác trong CLB Dân ca phường Nghi Hải nhưng cứ đều đặn mỗi tháng hai lần, ngôi nhà của bà Mùi lại rộn ràng tiếng hát, lời ca của các chị em, các cháu trong CLB đến tập luyện. Không chỉ mình bà yêu câu hát dân ca mà mẹ chồng, chồng và các con của bà cũng tham gia, góp phần làm cho CLB mỗi tối thêm sôi động.

Bà Trần Thị Mùi đạt giải cao tại Liên hoan Dân ca năm 2013

Bà Mùi biết hát dân ca từ năm 10 tuổi và là cây văn nghệ tiêu biểu của nhà trường ở các cấp học. Lúc tham gia nhập ngũ lại được tuyển vào đội văn nghệ của Trung đoàn I, Tỉnh đội Nghệ An. Quãng thời gian dài đó đã giúp bà hiểu thêm nhiều về câu dân ca quê mình. Đặc biệt, sau khi rời quân ngũ (năm 1979) trở về địa phương sinh sống, bà lại được học hỏi từ các cụ lớn tuổi như cụ Trần Thị Bình, Trần Bạch Mai và có cơ hội theo dõi một số chương trình dạy hát dân ca trên đài phát thanh, đài truyền hình Nghệ An, do các nghệ sĩ Đình Bảo, Tiến Dũng… giảng dạy.

Để rồi đến hôm nay, chính bản thân bà vẫn tự hào rằng, đã nắm, đã hiểu những kiến thức cơ bản về các làn điệu dân ca ví giặm quê mình. Mỗi ngành nghề ở xứ Nghệ sẽ sinh ra những làn điệu khác nhau: Hát ví đò đưa, hát phường đan, phường củi, hát phường măng... và mỗi làn điệu lại có cách hát, giọng hát riêng của nó. Khi hát đò đưa phải man mác, nghe mượt mà tình cảm; hát phường củi thì nghe có vẻ nặng nhọc hơn… Và bản thân bà cũng không rõ mình nhớ, mình thuộc bao nhiêu câu hát.

Khi được hỏi về lí do vì sao lại đam mê với câu hát đến vậy, bà Mùi chia sẻ: “Cũng không rõ nữa, có lẽ vì tuổi thơ lớn lên được nghe các mẹ, các chị hát những khi luộc cá, hấp cá; được nghe giọng hát và tiếng đàn trầm ấm mà sâu lắng mỗi ngày của cha; nghe những câu hò kéo lưới của các chú dưới sông… để rồi những câu hò điệu ví ăn sâu vào máu thịt, trở thành niềm đam mê lúc nào không hay”.

Dù công việc kinh doanh tráng bánh mướt thường ngày khá bận rộn, nhưng bất cứ phong trào nào, hoạt động nào của địa phương, bà đều hăng hái tham gia như hoạt động của hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh và luôn nhiệt tình sẵn sàng truyền dạy các kiến thức dân ca của mình cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nói là sẵn sàng bày dạy nhưng bà vẫn nhấn mạnh: “Để hát được dân ca ví giặm, không chỉ cần có giọng tốt, mà phải có niềm đam mê yêu thích. Khi hát nhất thiết phải đặt mình vào hoàn cảnh mà hát, có như vậy người truyền thụ mới có nhiệt huyết được”.

Bà Mùi từng tham gia nhiều hội thi dân ca do thị xã Cửa Lò tổ chức và đạt nhiều giải cao, tham dự hội thi dân ca do tỉnh Nghệ An tổ chức. Với nhiệt huyết, tình yêu, những đóng góp giành cho câu hát dân ca quê nhà, năm 2013, bà vinh dự được nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Đó là nguồn động viên lớn đối với những người không ngừng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa xứ Nghệ nói riêng.

Kiều Nga

Các tin khác