Văn hóa - Giáo dục

Các đợt tập huấn chuyên đề cho giáo viên trong dịp hè

Cần mang lại hiệu quả thiết thực

08:46, 02/08/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Đã thành thông lệ, vào mỗi dịp hè, ngành Giáo dục lại tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề. Đối tượng tham gia là đội ngũ giáo viên ở tất cả các cấp học từ tiểu học đến THPT.
 
Có thể khẳng định, về cơ bản việc tổ chức các đợt tập huấn trong dịp hè là chủ trương đúng đắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhất là trong các dịp điều chỉnh các nội dung giảm tải trong sách giáo khoa hoặc có những điểm mới cần bổ sung trong mục tiêu năm học, đổi mới phương pháp dạy học. Mục đích của các đợt tập huấn này là giúp giáo viên có điều kiện tiếp cận những điểm mới trong chương trình và sách giáo khoa, từ đó có thể vận dụng vào thực tiễn giảng dạy. Tuy nhiên, khi chủ trương này được vận dụng vào thực tế ở các địa phương, vì nhiều lý do khác nhau lại chưa thực sự phát huy hiệu quả nếu không muốn nói là còn mang tính hình thức.
 
Thời gian tổ chức các đợt tập huấn cho giáo viên trong dịp hè thường kéo dài trong khoảng một tháng, từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 8, chia làm nhiều đợt với nhiều bộ môn khác nhau. Thời gian của mỗi đợt tập huấn ở bậc tiểu học và THCS thường là 2 ngày, ở bậcTHPT thường từ 3 đến 4 ngày. Khoảng thời gian eo hẹp đó là không đủ để triển khai nhiều nội dung như chương trình tập huấn đề ra. Đó là chưa kể khoảng thời gian ít ỏi ấy còn bị “cắt xén” bởi các “màn”: chào hỏi, liên hoan chia tay… Trong các buổi học, mỗi lớp tự quy định giờ nghỉ giải lao nên còn có thể “du di” về mặt thời gian. Mỗi buổi học, trên thực tế chỉ kéo dài trên dưới hai tiếng.
 
Công tác tổ chức các lớp học còn chưa thực sự chặt chẽ. Mỗi lớp học bao gồm giáo viên bộ môn đến từ các trường trong địa bàn. Các lớp học được tổ chức trong phòng học của học sinh, do sĩ số giáo viên tham gia đông nên không đảm bảo chỗ ngồi. Trong điều kiện nắng nóng, việc phải chen chúc nhau trong một phòng học ngột ngạt đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập. Mặc dù mỗi lớp đã phân công lớp trưởng, lớp phó làm công tác điểm danh nhưng do việc điểm danh thiếu nghiêm túc và thường được tiến hành vào đầu mỗi buổi học nên số lượng học viên cứ “rơi rụng” dần, nhất là sau giờ nghỉ giải lao. Một số giáo viên từ nơi khác đến xin ghi tên bổ sung vào học nhưng việc thiếu ý thức chấp hành nội quy lớp học của số học viên “tự do” này khiến cho công tác tổ chức lớp học thiếu tính nghiêm túc cần thiết.
 
Mặc dù mục đích tổ chức lớp học đã khá rõ ràng nhưng nội dung học tập lại chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Tuy đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn, nhưng việc trình bày của các báo cáo viên còn gặp khó khăn. Thường thì “mạnh ai nấy nói”, không có sự thống nhất về nội dung giữa các nơi khác nhau. Một số người chỉ nói lại những điều có sẵn trong tài liệu của Bộ đã ban hành. Trong khi tài liệu đã được phát về các trường trước đó. Do các báo cáo viên thường là các bậc “lão làng” nên việc tiếp cận với chương trình và SGK mới còn hạn chế. Không hiểu vì sao các giảng viên thường rất “ngại” khi được các giáo viên đề nghị dạy mẫu một bài cụ thể trong SGK để có điều kiện học hỏi.
 
Nội dung báo cáo không hấp dẫn, trong điều kiện thời tiết nóng nực, lại vừa trải qua một năm học căng thẳng, rồi coi thi, chấm thi, hầu hết giáo viên đều không mấy hào hứng khi tham gia lớp tập huấn. Từ đó xảy ra tình trạng trong các lớp học, học viên mất trật tự, nói chuyện riêng, không ghi chép. Bên cạnh đó là “vấn nạn” điện thoại: chuông điện thoại liên tục reo, nhiều người ra vào tự do để nghe điện thoại khiến cho lớp học không đảm bảo tính mô phạm.
 
Để các lớp tập huấn chuyên đề trong dịp hè thực sự thiết thực, bổ ích đối với mỗi giáo viên, nên chăng trong thời gian tới, ngành Giáo dục cần thay đổi về “chất” cách thức tổ chức. Theo đó, cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện nề nếp lớp học. Các lớp học cần được bố trí ở những nơi thoáng, rộng, đảm bảo chỗ ngồi, tránh tình trạng chen chúc. Những giáo viên vi phạm nề nếp, nội quy lớp học cần có biện pháp xử lý thích hợp, không nên chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở rồi… cho qua. Nội dung, chương trình lớp học cũng cần được cải tiến theo hướng tích cực. Cần dành nhiều thời gian hơn cho việc kiến giải những vấn đề mới trong chương trình SGK, tăng cường đối thoại, trao đổi tương tác hai chiều giữa giảng viên và học viên. Việc tổ chức các lớp tập huấn, chuyên đề trong dịp hè cần đi vào thực chất, bởi nếu vẫn tiếp tục cách thức tổ chức mang tính đối phó, hình thức như hiện nay thì sẽ tạo nên một sự lãng phí rất lớn về thời gian và tiền bạc. Đồng thời, tạo nên một sức ỳ lớn về mặt tâm lý trong đội ngũ giáo viên.
 

Minh Tuấn

Các tin khác