Tầm nhìn và tư duy chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khai thác, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã được triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với biển đảo Việt Nam” khắc họa và tô đậm.
Khai mạc hôm qua (22-7) tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với biển đảo Việt Nam” là một hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ biển, hải đảo Việt Nam năm 2014”. Với các hiện vật được chọn lựa từ kho lưu trữ của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Bảo tàng Hồ Chí Minh, triển lãm đã giới thiệu đến người xem gần 200 bản đồ, sơ đồ, ảnh, tài liệu thể hiện tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ rất sớm, Người đã chỉ rõ tiềm năng, lợi thế “biển bạc” của Việt Nam và đặc biệt quan tâm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm lớn cho quân dân vùng biển, nhất là với các chiến sỹ hải quân. Điều đó được thể hiện qua những bức thư, bài viết, những lời dặn của Người khi đến thăm bộ đội Hải quân và nhân dân ven biển được trưng bày tại triển lãm. Tầm nhìn của Người không chỉ khẳng định vị trí, vai trò của lực lượng hải quân và lực lượng vũ trang bảo vệ biển đảo trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, mà còn là định hướng chiến lược, sự khái quát về tiềm năng biển của nước ta, trách nhiệm của mọi thế hệ người Việt Nam trong việc khai thác, quản lý và bảo vệ biển đảo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Anh hùng du hành vũ trụ Gherman Titot (Liên Xô) trên con tàu Hải Lâm của Hải quân nhân dân Việt Nam |
Được chia thành 3 phần: Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh với biển đảo Việt Nam và Biển đảo trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc hiện nay, triển lãm còn giới thiệu những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý đối với chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam ở Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong đó có phiên bản nhiều tấm bản đồ trong và ngoài nước như “Bản đồ bờ biển Việt Nam” do công ty Đông Ấn Hà Lan xuất bản năm 1749 đã thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, Bản đồ phần phía Nam của Trung Quốc thuộc quyển 2 của bộ bản đồ địa lý thế giới do nhà địa lý học Philippe Vandermaelen vẽ năm 1827 ở Brussel (Bỉ) thể hiện rõ cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam…
Đặc biệt, cuộc triển lãm còn giúp người xem hiểu rõ hơn cuộc đấu tranh của Việt Nam trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong thời gian qua. Và ở phần cuối của triển lãm, BTC đã dành để trưng bày những bức ảnh đẹp về biển Việt Nam, trong đó hình ảnh đảo Trường Sa Lớn được chụp từ trên cao như một điểm nhấn cuốn hút người xem.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh với biển đảo Việt Nam” góp phần làm rõ hơn và toàn diện hơn vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo trong hệ thống quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh và tình hình biển đảo đất nước qua từng thời kỳ. Qua đó, mỗi người dân Việt sẽ càng thêm yêu và có trách nhiệm hơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc, đồng thời giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn và ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh trước các hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông.
.