Văn hóa - Giáo dục
Sống dậy ca trù Phủ Diễn
(Congannghean.vn)-Có người ví, xứ Nghệ được xem là cái nôi của ca trù bởi nó được thừa hưởng từ kho tàng rất phong phú của ca dao, dân ca mà tiêu biểu là các điệu hò ví, dặm. Cũng chẳng phải vô tình mà có một câu lạc bộ ca trù đã tồn tại hàng chục năm nay ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Mảnh đất Hoan Châu nức danh với “giáo phường đại hàng Kẻ Lứ”. Theo thời gian, ca trù cũng lắm lúc thăng trầm, có lúc tưởng chừng như mất dấu, thì lớp con cháu nay đã kịp tìm cách níu kéo về.
Với những lần “mang chuông” đi đánh ở các cuộc thi như Liên hoan Tiếng hát làng Sen, Liên hoan Ca trù toàn quốc..., Câu lạc bộ ca trù Diễn Châu đã được nhiều người biết đến và để lại những dấu ấn trong lòng công chúng. Làm sống dậy cái hồn ca trù Kẻ Lứ nổi tiếng một thời không ai khác là thầy giáo Nguyễn Nghĩa Nguyên. Giờ đây thầy đã mất, nhưng mỗi lần nhắc đến ai ai cũng thể hiện một niềm tôn kính. Người thầy đã vực dậy hồn ca trù, tìm lại tiếng ca, nhịp phách khi nó đang đứng bên bờ vực thẳm.
Ngày thành lập nên hội ca trù ở mảnh đất Phủ Diễn, thầy đã hơn 80 tuổi. Lặng lẽ, âm thầm, nhiệt tình và đầy tâm huyết, thầy tìm đến những nghệ nhân từng “vang bóng một thời” nay đã lùi về nghỉ ngơi như các bà Trần Thị Bình, Phạm Thị Hoa, Đoàn Thị Nguyệt... để nghe lại ca trù và thuyết phục họ quay lại cầm ca. Từ những nghệ nhân này, thầy đã nhen nhóm gây dựng một số đào nương trẻ như: Ngọc Mai, Thu Hòa, Bích Liên ở các xã Diễn Liên và Diễn Yên, sau đó phát triển ra các xã Diễn Hoa, Diễn An, Diễn Mỹ.
Biểu diễn ca trù tại Lễ hội Đền Cuông, Diễn Châu |
Năm 2002, Câu lạc bộ ca trù Diễn Châu chính thức được thành lập với 80 hội viên có niềm đam mê và yêu thích ca trù. Ca trù là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, vừa mang tính dân gian nhưng lại rất uyên bác. Cái không gian của ca trù không rộng rãi, quần chúng như ví, dặm mà mang tính chất thính phòng. Nó phải có phòng hát, có đào nương với tiếng phách, tiếng đàn, trống... Kén người hát, kén cả người nghe.
Hát tài hoa, mà người nghe cũng phải rất tài tình, chính vì vậy, để duy trì được là một điều rất khó khăn. Ông Cao Xuân Thưởng, người viết lời ca trù mới cho câu lạc bộ cho biết: Câu lạc bộ ca trù giờ đây không thể tổ chức hoạt động theo kiểu giáo phường ngày xưa, mà đó là tập hợp của nhiều người, ở nhiều nơi. Việc nuôi sống nó là một điều không dễ, chưa nói đến việc “làm ra tiền”. Với những người dân Phủ Diễn, yêu thích và trên hết giờ đây là lưu giữ, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Sau 12 năm được thành lập, Câu lạc bộ ca trù Diễn Châu mặc dù chỉ còn khoảng 20 người nhưng các ca nương, tay đàn, tay trống đều đã trưởng thành. Ngoài Câu lạc bộ ca trù của huyện thì đến nay đã được nhân rộng và phát triển thêm 5 câu lạc bộ ca trù tại các xã Diễn Hoa, Diễn Yên, Diễn Liên, Diễn Mỹ và Diễn Xuân. Ngoài những nghệ nhân lớn luổi, câu lạc bộ cũng đã đào tạo được đội ngũ trẻ kế cận, ca nương trẻ tuổi nhất đang học lớp 12.
Tại các buổi tế lễ, mừng thọ hay đón dòng họ văn hóa, di tích lịch sử không thể thiếu được tiếng ca trù. Nó là phần hội đặc biệt thu hút nhiều người quan tâm. Không bõ công những năm tháng tập luyện và duy trì, thành quả mà câu lạc bộ ca trù dành được là 3 lần tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc có giải, 4 lần tham gia Tiếng hát làng Sen, trong đó 2 lần được giải A, 2 lần tập huấn ở Nhạc viện Hà Nội...
Ông Trần Cảnh Yên, Chủ nhiệm CLB ca trù cho biết: Ca trù vừa mang tính dân gian lại vừa bác học nên lớp trẻ ngày nay muốn thẩm thấu được phải có một vốn hiểu biết nhất định. Những nghệ nhân lão làng thì cũng đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”. Kinh phí hoạt động đều trên tinh thần tự nguyện. Những hội viên trong câu lạc bộ vẫn phải làm nhiều nghề khác để sống và để có tiền nuôi được ca trù. Bấy nhiêu khó khăn cũng là nỗi lo ngại một ngày không xa nỗi lo thất truyền.
Dù vậy, các nghệ nhân vẫn âm thầm lặng lẽ, bằng lời ca, tiếng phách, ngày đêm tập luyện. Bởi họ vẫn tâm niệm một điều, chỉ cần ca trù được sống lại trong đời sống văn hóa, tinh thần nhân dân thì dẫu có khó khăn thế nào họ vẫn tin tưởng, lạc quan và cố gắng hết mình.
Phan Tuyết