Văn hóa - Giáo dục
Giáo dục ĐH: Siết số lượng để nâng chất lượng
08:06, 12/06/2014 (GMT+7)
Để nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT sẽ siết chặt việc thành lập mới trường ĐH, điều chỉnh giảm chỉ tiêu số sinh viên/vạn dân, đổi mới mạnh mẽ chương trình và tăng cường kiểm định chất lượng đào tại tại các trường ĐH…
Trước những câu hỏi của nhiều đại biểu QH về thực tế nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH không tìm được việc làm, làm trái nghề, phải đào tạo lại…, trong phiên chất vấn sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận nhìn nhận một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do sự phát triển “nóng” các trường ĐH-CĐ trong giai đoạn trước đây mà chưa chú trọng chất lượng đào tạo. Và “Bộ GDĐT cùng với các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ có trách nhiệm chính trong các yếu kém nói trên”.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận sáng 11/6 |
Giải pháp nâng chất lượng đào tạo
Các đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng), Nguyễn Thành Tâm (tỉnh Tây Ninh) , Tô Văn Tám (tỉnh Gia Lai) đề nghị người đứng đầu ngành Giáo dục phải đánh giá thẳng thắn chất lượng giáo dục ĐH, CĐ hiện nay cũng như những giải pháp khắc phục đã và đang được triển khai để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động hiện nay.
Các giải pháp khắc phục những yếu kém này được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận gói lại trong 3 nhóm lớn.
Thứ nhất là hạn chế, siết chặt quy trình, điều kiện thành lập các trường ĐH, CĐ (Bộ GDĐT đã tạm dừng tiếp nhận các hồ sơ nâng cấp, thành lập mới các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2015).
“Chúng tôi đã chủ động rà soát và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực và định hướng phát triển kinh tế-xã hội, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu phấn đấu 450 sinh viên/vạn dân trước đây xuống còn trên 200 sinh viên/vạn dân cho phù hợp với khả năng, quy mô của mạng lưới”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.
Thứ hai, Bộ GDĐT đã có cảnh báo, thông báo về những ngành nghề, lĩnh vực đã có quy mô đào tạo lớn (quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, sư phạm…) thì không cho phép các trường ĐH mở ngành đào tạo mới.
Thứ ba, thành lập 2 trung tâm kiểm định chất lượng ở Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM tham gia vào mạng lưới kiểm định quốc tế, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra và rà soát chất lượng đào tạo các chuyên ngành tại những cơ sở giáo dục ĐH.
“Bộ đã có những quyết định xử lý hành chính đối với những trường không đủ điều kiện, cho đóng ngành, dừng chỉ tiêu tuyển sinh, để yêu cầu củng cố các điều kiện. Đồng thời, chỉ đạo các trường đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo với sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp, của các nhà sử dụng lao động và công bố các chuẩn "đầu ra" của từng chuyên ngành, đã chỉ đạo nhà trường công bố công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng trên các phương tiện đại chúng để học sinh, sinh viên xem xét cân nhắc lựa chọn, để các nhà sử dụng lao động xem xét cân nhắc chất lượng đầu ra và xã hội giám sát”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.
Xác định điểm sàn theo cách mới phục vụ phân tầng ĐH
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Thủy về vấn đề điểm sàn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: Điểm sàn ĐH năm nay được phân ra thành hai hoặc ba mức thay vì một mức như trước. Điều này nhằm triển khai thực hiện Luật Giáo dục ĐH là tổ chức phân tầng ĐH với các tầng khác nhau, các mức chất lượng khác nhau. Tiêu chí điểm sàn khác nhau cũng để thông báo cho xã hội, cho học sinh, sinh viên cân nhắc, lựa chọn vào học trường phù hợp, có tính toán đến chất lượng.
Điểm sàn không quyết định chỉ tiêu tuyển sinh do Bộ GDĐT đã bỏ cơ chế xin-cho và xác định chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường căn cứ vào hai tiêu chí.
Thứ nhất, số lượng giảng viên cơ hữu thực có của các cơ sở đào tạo. Nếu cơ sở đào tạo có nhiều giảng viên trình độ GS, PGS, TS hơn thì được đào tạo nhiều hơn.
Thứ hai, diện tích xây dựng mà nhà trường có để phục vụ hoạt động đào tạo của nhà trường.
Bộ GDĐT sẽ thành lập một Hội đồng tư vấn điểm sàn, bao gồm Hiệu trưởng nhiều trước, đại diện của các cơ quan khác, các tổ chức chính trị xã hội để tư vấn cho Bộ trưởng mức sàn tối thiểu, có mức cao hơn trên cơ sở chất lượng và kết quả kỳ thi tuyển sinh.
Cũng trong phiên chất vấn sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cơ sở vật chất giáo dục mầm non không đảm bảo; bệnh thành tích trong đánh giá học sinh, giáo viên và cơ sở giáo dục; chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm; tự chủ tài chính trong trường ĐH…
Nguồn: chinhphu.vn