Văn hóa - Giáo dục
Bỏ đại học đi gom ve chai vì người nghèo
Minh Vương bên các em nhỏ ở Nam Trà My (Quảng Nam) |
Một quyết định khó khăn
Vương là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh em. Bố mẹ làm ruộng, điều kiện kinh tế khó khăn. Để nuôi giấc mơ vào giảng đường đại học, cậu phải tất bật làm thuê kiếm tiền. Ngay khi thi đại học xong Vương đạp xe 20km lên thành phố làm thuê đủ nghề: Chở nước thuê, bốc vác, phu hồ, phục vụ quán cà phê…
Để tiết kiệm tiền, hằng ngày cứ 5 giờ chiều sau khi kết thúc các công việc bốc vác, Vương đạp xe 20 km về nhà ăn vội bát cơm rồi trở lại thành phố phục vụ quán cà phê lúc 6 rưỡi tối. Xong việc, cậu lại đạp xe về nhà trong đêm khuya.
Ngày nhận kết quả thi đại học, Vương mừng đến rơi nước mắt khi cậu đỗ vào trường ĐH Quảng Nam với số điểm khá cao. Nhưng rồi niềm vui nhanh chóng vụt tắt khi số tiền nhập học ban đầu quá cao so với thu nhập của gia đình, 4 triệu đồng, trong khi cả tháng trời làm thuê tất bật Vương chỉ dành được hơn 1 triệu đồng.
"Bố mẹ mình đã quá vất vả khi đang nuôi anh trai học cao đẳng, em trai học lớp 8”, Vương tâm sự. Vương giấu kết quả thi đại học, âm thầm đấu tranh tư tưởng: Học hay bỏ. Đến ngày nhập học, Vương quyết định đến trường xin bảo lưu kết quả, đi làm thuê hỗ trợ bố mẹ nuôi anh và em trai ăn học.
“Ngày lên đường vào Đà Nẵng làm thuê, mình khóc rất nhiều. Mình tiếc và dằn vặt nhiều lắm", Vương tâm sự. Điều hạnh phúc là năm 2013, em trai Vương thi đỗ Đại học Quảng Nam, giúp Vương thực hiện giấc mơ của mình.
Ở Đà Nẵng, Vương gặp nhiều mảnh đời khó khăn, từ những người ve chai, bán vé số, đến những đứa trẻ mồ côi. “Xuất thân nghèo khó nên khi gặp những người như thế mình có sự đồng cảm sâu sắc và suy nghĩ rất nhiều”, Vương nói.
Đầu năm 2011, Vương kêu gọi thêm 10 người bạn đồng hương thành lập Hội đồng hương Phú Ninh (Quảng Nam) nhằm kết nối các trái tim thiện nguyện giúp đỡ người nghèo, trẻ em. Chương trình thiện nguyện đầu tiên của Hội là trao 10 suất quà cho trẻ em mồ côi ở Phú Ninh (Quảng Nam). Để tổ chức chương trình này, cả Hội phải đi gom ve chai giấy vụn cả tháng trời bán được 1,1 triệu đồng.
Không đủ tiền mua quà nên mỗi thành viên phải góp thêm 50 nghìn đồng. Lúc đó, lương đi làm mỗi tháng của Vương 800 nghìn đồng, mỗi ngày cậu trích ra 5 nghìn đồng bỏ ống gây quỹ cho Hội. “Thời gian đầu mới thành lập, Hội gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí nên hầu hết các thành viên phải bỏ tiền túi ra. Cuối tuần cả hội đi gom ve chai, giấy vụn về bán.
"Làm việc thiện nhưng đôi lúc vẫn bị người khác nghi ngờ, nghĩ rằng mình xin ve chai về bán cho lợi ích riêng", Vương tâm sự. Bước qua những ngày đầu bỡ ngỡ, khó khăn, đến nay sau 3 năm hoạt động, Hội đồng hương Phú Ninh phát triển mạnh mẽ, có 3 cơ sở ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Hết mình vì người nghèo
Minh Vương vận chuyển đồ đi thiện nguyện |
Mặc dù nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các tấm lòng hảo tâm nhưng Vương và các thành viên trong hội luôn chủ động tạo kinh phí hoạt động. Tranh thủ cuối tuần và buổi tối, các thành viên cùng làm đồ handmade (làm bằng tay): móc khóa, hoa, vòng tay… thu gom ve chai, giấy vụn, bán gây quỹ. Đến nay, Hội đã tổ chức được hơn 30 chương trình thiện nguyện khác nhau.
Tất bật và hết mình vì các chương trình tình nguyện hướng đến những mảnh đời bất hạnh, nhiều lúc Vương bất chấp cả hiểm nguy. Những chuyến đi khảo sát ở miền núi, Vương đều tranh thủ đi vào cuối tuần.
“Vất vả nhất có lẽ là chuyến đi xe máy 200 km từ Đà Nẵng lên Nam Trà My (Quảng Nam). Hôm đó trời mưa lạnh, đường dốc núi cheo leo, trơn trượt nhưng mình phải cố hết sức đi về trong ngày để còn kịp làm việc ở Cty”, Vương kể. Năm 2013, Quảng Nam bị lũ. Xem trên ti vi thấy quê hương chìm trong biển nước. Thương bố mẹ, thương người dân quê mình, Vương đứng ngồi không yên kêu gọi khắp nơi xin sự ủng hộ của các tấm lòng hảo tâm.
Được một người anh ở TP Hồ Chí Minh ủng hộ 100 thùng mì tôm, Vương cùng một số thành viên của Hội háo hức lên đường về quê cứu trợ bà con. “Lúc đó, nước lũ đang dâng cao lắm, bố mẹ, bạn bè đều ra sức cản. Nước ngập ngang xe máy, các chú cảnh sát giao thông cản không cho đi nhưng mình cứ xin miết cuối cùng họ cũng đồng ý. May chuyến đi đó thành công”, Vương nhớ lại.
Sắp tới, Hội đồng hương Phú Ninh của Vương sẽ triển khai hàng loạt các chương trình thiện nguyện ý nghĩa khác: Cơm miễn phí cho những người lang thang, lượm ve chai, bán vé số, mỗi tháng 2 lần, bắt đầu từ tháng 7; Học bổng đồng hương cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi… Đặc biệt là chương trình “Heo cho người nghèo”, sẽ được triển khai vào đầu tháng 8 này.
Nguồn: tienphong.vn