Văn hóa - Giáo dục

Tổ quốc phía mặt trời lên qua ca khúc 'Nơi đảo xa'

16:44, 15/06/2014 (GMT+7)
Không một lần xuất hiện bằng ngôn từ “Tổ quốc” trong ca khúc “Nơi đảo xa” vậy mà hình ảnh Tổ quốc thiêng liêng vẫn hiện lên thật kiêu hãnh, đẹp đẽ, thân thương, gần gũi trong từng hải danh Trường Sa, Hoàng Sa từ lâu đã thấm sâu vào lòng người con đất Việt, trên những “con tàu xa khơi, cánh chim hải âu, cành san hô đỏ, ánh mắt và dáng hình em”…
 
Mỗi tác phẩm nghệ thuật ra đời đều có cuộc sống riêng của nó. Ca khúc “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song với giai điệu đẹp, ca từ giàu chất thơ và hội họa dường như đã tuôn trào trong mạch cảm xúc về tình yêu người lính đảo, tình yêu biển đảo Tổ quốc được nuôi dưỡng, bồi đắp và chưng cất trong trái tim nhạy cảm, sâu lắng của người nghệ sĩ.
 
Điều kỳ diệu là, câu chuyện với những người lính hải quân vừa đi làm nhiệm vụ từ đảo xa trở về đất liền tại Nhà máy X48 Hải quân cùng với lời đề nghị của một chiến sĩ “viết một bài hát về những chiến sĩ hải quân ngoài đảo xa” đã tạo nên những khoảnh khắc xuất thần để rồi chỉ trên quãng đường hơn 100 cây số từ Quảng Ninh về Hà Nội trong chuyến đi thực tế sáng tác về đề tài biên giới vùng Đông Bắc của Tổ quốc, bài hát “Nơi đảo xa” được nhạc sĩ viết liền một mạch. Ngay từ lúc mới “chào đời”, ca khúc đã được rất nhiều thính giả cả nước đón nhận nồng nhiệt bởi không chỉ  giai điệu, ca từ thiết tha, lắng đọng mà ở đó hình ảnh Tổ quốc phía mặt trời được hiện lên thật giản dị, gần gũi nhưng rất đỗi hiên ngang.
 
“Nơi đảo xa” là ca khúc có độ dài vừa phải, được tác giả viết với nhịp 6/8, lên xuống chỉ ở quãng ba, kết cấu âm nhạc không cầu kỳ. Với chất trữ tình tha thiết và trong sáng, tác giả có dụng ý để dành nhiều đất cho người thể hiện sáng tạo. Và ca sĩ Tiến Thành, ngay từ lúc bản thảo đã đề nghị được hát bài hát này.
 
Nhạc sĩ Thế Song (phải) và nhạc sĩ Lương Nguyên ở Trường Sa
Nhạc sĩ Thế Song (phải) và nhạc sĩ Lương Nguyên ở Trường Sa
Cùng nhịp đập đồng điệu với nhạc sĩ sáng tác, ca sĩ Tiến Thành đã dành cả trái tim, tâm hồn mình cho bài hát, đem người nghe đến một vùng biển cả mênh mông Hoàng Sa, Trường Sa với hình ảnh người thủy thủ cùng con tàu lướt sóng ra khơi, những cánh chim hải âu hiền hòa, sắc đỏ của cành san hô hòa với màu xanh trời, xanh biển, xanh mắt em; cả nỗi nhớ đất liền, những cuộc chia tay xúc động, ắp đầy tin yêu. Ta bỗng hiểu rằng, khi tiếng lòng của người nghệ sĩ sáng tạo được cất lên, hòa âm cùng giai điệu Tổ quốc trong trái tim mỗi người thì đó là tiếng nói đồng thanh trong tư tưởng và tình cảm của triệu triệu người Việt yêu nước.
 
Ca khúc “Nơi đảo xa” được mở đầu bằng một sự khẳng định nhưng thiết tha như một lời tâm tình: “Nơi anh đến là đảo xa/ Nơi anh tới là đảo xa/ Từng mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà”. Tựa lòng mình vào Tổ quốc, cùng với những từ chỉ định: “... đây Trường Sa, kia Hoàng Sa”, nhạc sĩ Thế Song  đã dõng dạc thể hiện niềm tự hào về chủ quyền lãnh hải, sự kiên cường bất khuất: “... ngàn bão tố phong ba ta vượt qua, vượt qua”, của những người con ưu tú đất Việt đã và đang làm nhiệm vụ giữ đảo.
 
Trong ca khúc, tình yêu của người lính đảo dường như là điểm nhấn để rồi từ đó thay lời người thủy thủ, nhạc sĩ đã họa nên bức tranh tuyệt đẹp về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong sắc tím của chiều hoàng hôn. Ngôn ngữ âm nhạc trong sáng, tươi tắn vút lên cùng với thủ pháp nghệ thuật mô phỏng, nhạc sĩ đã hóa thân thành người lính biển, nói hộ lòng yêu, sự tin yêu của họ với đất liền, với người thân, lớn hơn là tình yêu Tổ quốc. 
 
Tổ quốc luôn là ngọn nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận của người nghệ sĩ. Tổ quốc không phải là khái niệm trừu tượng, Tổ quốc là phần gần gũi nhất, thân thiết nhất của mỗi người. Nhạc sĩ Thế Song đã thể hiện thật tài tình hình ảnh Tổ quốc gắn với những con tàu xa khơi: “... quen sóng cả quen gió biển”, trong dáng hình kiêu hãnh, hiên ngang của người lính biển khi đứng gác nơi đảo xa: “Đây súng gác trên vai trăng đầu núi soi hình anh đứng đó”, và cả: “... nước da màu nắng tươi giòn thêm ánh thép”. Tổ quốc phía mặt trời lên là khúc tình ca của tình yêu người lính đảo, là sự hy sinh lặng thầm của những cô gái, những người vợ, người mẹ và cả những đứa con ngày đêm mong cha về với món quà là cành san hô hay những con ốc biển đủ màu.
 
Một cách rất tự nhiên, ca khúc “Nơi đảo xa” đã trở thành bài hát đón tàu của người lính biển. Đã hơn ba mươi năm kể từ ngày khúc hát “Nơi đảo xa” ra đời, bài hát vẫn đi cùng năm tháng, chung nhịp quân hành cùng chiến sĩ và ngư dân đêm ngày bám biển, kiên quyết bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nơi quần đảoTrường Sa, Hoàng Sa thân yêu.
 
Ca khúc “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song không chỉ đánh thức mà còn truyền ngọn lửa của lòng yêu Tổ quốc. Hôm nay, khi “biển Đông dậy sóng”, khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta tại quần đảo Hoàng Sa thì hơn ai hết mỗi người Việt Nam cần thể hiện lòng yêu nước một cách đúng đắn nhất, thiết thực nhất, đó là mệnh lệnh trái tim của mỗi chúng ta, tiếp sức cùng lực lượng chấp pháp trên biển và ngư dân bám biển bảo vệ bằng được từng mét nước, từng làn gió, từng con sóng Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu.

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác