Văn hóa - Giáo dục
Bức tranh thiếu gam màu
08:49, 06/03/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Hiện nay, Nghệ An có 1.395 di tích - danh thắng ở hầu hết các huyện, thành, thị đã được công nhận, xếp hạng. Việc phát huy những giá trị của các di tích, danh thắng không chỉ mang tính gìn giữ và giáo dục truyền thống mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Để phát huy hết những giá trị của những công trình này, cần phải có những giải pháp mang tính đồng bộ, bền vững.
Nghệ An là tỉnh có bề dày truyền thống cách mạng, cũng là nơi phát tích của những sự kiện lịch sử quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Đến nay, hệ thống các bảo tàng là nơi lưu giữ những kỉ vật, di chỉ khảo cổ học, chứng tích của sự phát triển loài người... cũng được bảo quản và trở thành nơi tham quan của đông đảo người dân. Nhiều di tích hiện nay bước đầu đã phát huy được hiệu quả trong việc thu hút khách tham quan, du lịch như: Khu di tích Kim Liên, Đền Vua Mai (Nam Đàn); Đền Cờn (phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai); Đền Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, Hưng Nguyên)... Nhiều danh thắng, bãi biển đẹp như Vườn Quốc gia Pù Mát, rừng Phù Huống, Phù Hoạt và biển Quỳnh, Diễn Thành, Bãi Lữ, Cửa Lò còn dưới dạng tiềm năng chưa được khai thác hết. Cùng với hàng trăm di tích lịch sử cách mạng đã và đang được trùng tu, tôn tạo để đưa vào khai thác tiềm năng du lịch cũng như giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau. Trong các công trình di tích còn có hệ thống nhà thờ họ phát huy khá hiệu quả trong việc giáo dục con cháu và cũng là nơi để gìn giữ những giá trị về văn hóa của làng, xã ở mỗi vùng quê qua các thời kì. Mặt khác, ở một khía cạnh nào đó, hệ thống những di tích, danh thắng, nhà thờ họ tộc ở các địa phương còn là nơi để tập hợp các tầng lớp người dân, góp phần giáo dục ý thức mọi người về việc phát huy tính đoàn kết, đảm bảo ANTT, gìn giữ bình yên cho mỗi vùng miền.
Sau mùa lễ hội, khung cảnh ở các di tích, danh thắng lại trở nên đìu hiu lạnh lẽo |
Hiện nay, việc quảng bá, tuyên truyền sâu rộng tới quần chúng nhân dân trong việc phát huy những giá trị của di tích - danh thắng đã có nhiều nỗ lực từ các ban ngành. Tuy nhiên, để quản lý và phát huy tốt giá trị của di tích - danh thắng thì cần phải có nhiều giải pháp hơn nữa. Nhiều di tích, danh thắng mới chỉ dừng lại ở việc thu hút du khách đến trong dịp lễ, hội hàng năm. Du khách thập phương may chăng chỉ mỗi năm đến một lần. Những ngày bình thường, nhiều điểm di tích đền, chùa, miếu... vắng hẳn khách du lịch. Có chăng cũng chỉ là những điểm được xem là “truyền thống” với những nơi được người dân xem là linh thiêng nhất. Những điểm di tích đã được các cấp công nhận, xếp hạng mà chưa phát huy được hết giá trị thực tiễn. Vì vậy, công tác quản lý, phát huy giá trị di tích - danh thắng nằm trong mục tiêu thu hút khách du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trước hết, đó là việc tuyên truyền về các điểm di tích - danh thắng, đền, chùa, miếu… mới chỉ tập trung ở những dịp kỷ niệm, lễ hội chứ chưa nói hết được giá trị linh thiêng của các công trình. Để thực hiện được điều đó, việc phát huy giá trị của các di tích, di sản văn hóa cần được sự chung tay của toàn xã hội. Nên chăng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác khuyến khích các tổ chức, cá nhân góp sức trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, di tích cách mạng cùng với một số danh thắng trên địa bàn. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần tôn trọng kiến trúc nguyên trạng của di tích, tránh để tình trạng một số cá nhân lợi dụng việc trùng tu mà phá hỏng cả một nét đẹp văn hóa vốn có của nó.
Ngọc Thái