Văn hóa - Giáo dục

31250

Người “thợ rừng” bước vào làng văn nghệ

08:06, 08/10/2013 (GMT+7)
Rồi tập thơ “Cau đến hạt” đạt giải B Giải thưởng Hồ Xuân Hương của tỉnh, đến những truyện ngắn hóm hỉnh và thâm thuý như “Thuê hổ bảo vệ”, “Tử nghiệp” từng được in trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, người đạt giải “Tác giả xuất sắc trong việc sưu tầm, nghiên cứu và sáng tác dân ca” trong Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ II - 2013. Nhưng có lẽ ít ai nghĩ được rằng, người thủ lĩnh của hoạt động nghệ thuật hôm nay từng là một anh “thợ rừng”.
Người “thợ rừng” bước vào làng văn nghệ
 
Sinh ra và lớn lên tại làng Phượng Lịch, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, Nghệ An, Cao Xuân Thưởng đã có niềm đam mê và yêu thơ phú từ nhỏ. Thế nhưng, lớn lên, bạn bè ai cũng ngạc nhiên khi ông lại chọn cho mình một con đường khác, đó là theo học kỹ sư lâm nghiệp. Ra trường, ông về làm tại Tổng Công ty Lâm sản Nghệ Tĩnh (chuyên kinh doanh xuất - nhập khẩu lâm sản). Bản thân ông cũng không nghĩ rằng, mình lại bước vào làng văn nghệ như một lẽ tình cờ đến vậy.
 
Ông Cao Xuân Thưởng trao đổi với tác giả về những thăng trầm cuộc đời
 
“Năm ấy là năm 1982, trong một lần lên Nam Đàn chơi (đi theo nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, bạn học thuở nhỏ - PV). Lúc đó, các văn nghệ sỹ thì quây quần uống rượu, ngâm nga bàn về thơ phú, còn ông - một thằng vừa đen vừa gầy, chỉ biết loay hoay nấu nướng phục vụ đồ nhậu và ngồi im nghe, chẳng nói năng gì. Rồi tự nhiên, Nguyễn Trọng Tạo bảo: “Thưởng! Mày thử đọc một bài”. Thấy mọi người đồng tình với ý kiến đó, ông run run đọc bài “Ngày mai tôi đi”.
 
Vì run quá nên ông phải đọc lại 3 lần mới rõ câu chữ. Đó cũng là kỷ niệm đầu tiên trong đời tôi được những cái tên như Thạch Quỳ, Hồng Khánh, Trọng Tạo… khen ngợi làm thơ hay” - Ông bộc bạch. Năm 1994, ông chính thức vào Hội VHNT. Từ một anh “thợ rừng” viết thơ chủ yếu vì thú vui và để trải lòng mình, rồi đạt giải trên Tạp chí Sông Lam năm 2000. Một lần đi họp, tình cờ gặp thầy Nguyễn Nghĩa Nguyên, thấy thầy dù tuổi đã cao nhưng vẫn hăng say với việc nghiên cứu ca trù và cũng từ động lực đó đã dẫn dắt ông lại đam mê với đọc sách và tìm hiểu về ca trù.
 
Một lần nữa làng xóm, bạn bè lại ngạc nhiên khi đang giữ chức Giám đốc Tổng kho Lâm sản (giữ toàn bộ kho gỗ Sông Hiếu - PV), năm 2002, ông nghỉ việc về làm nghề bốc thuốc Bắc, tiếp nối nghề gia truyền của cha, cái nghề mà theo như ông nói vui là “làm thêm được ít ló (lúa)…”.
 
Về với làng quê, ngoài thời gian với nghề thuốc, ông có nhiều thời gian cho hoạt động nghệ thuật hơn. Năm 2002, Chi hội VHNT huyện Diễn Châu thành lập, ông giữ vai trò là Phó Chi hội trưởng. Năm 2005, ông được bầu làm Chi hội trưởng dẫn dắt phong trào. Đến nay Chi hội VHNT huyện Diễn Châu trở thành chi hội có một đội ngũ phát triển, có phong trào sáng tác tốt, xuất bản được nhiều số tạp chí (Văn nghệ Diễn Châu), nhiều tập thơ, văn và tuyển tập 10 năm…
 
Mọi hoạt động phong trào dù ở xóm, ở xã hay của Chi hội ông đều say mê, tích cực tham gia. Ông thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu cho Chi hội: Ngày thơ Diễn Châu, Trại sáng tác thơ, chỉ đạo và hướng dẫn đưa CLB Ca trù địa phương tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc lần thứ 3 tại Nhạc viện Hà Nội (năm 2010), giao lưu với các chi hội bạn…
 
Không chỉ là một anh “thợ rừng” yêu thơ phú rồi trở thành nhà thơ, trở về quê làm một thầy thuốc…, những năm gần đây, người ta bỗng thấy một Cao Xuân Thưởng là tác giả của nhiều ca khúc dân ca, kịch bản dân ca ví, giặm tại các kỳ hội diễn, liên hoan nghệ thuật cấp tỉnh và Trung ương. Ông dành nhiều thời gian hơn cho việc sưu tầm, nghiên cứu mảng văn hóa dân gian, say mê khi được đàm đạo về những làn điệu dân ca, tuyển tập dân ca xứ Nghệ…
 
Trong các hoạt cảnh dân ca của Cao Xuân Thưởng thường mang nội dung gắn bó với đời sống văn hoá cộng đồng ở địa phương, những mảng miếng của cuộc sống cộng đồng dân cư làng xã, đó là hoạt cảnh “O Thất mất bò”, “Cô hàng bán rượu”… mang đậm chất dân gian.
Những trăn trở về dân ca ví, giặm
 
Và trong niềm vui mừng, hãnh diện khi dân ca ví, giặm được công nhận Di sản văn hóa cấp quốc gia, trong nụ cười hạnh phúc khi đạt giải “Tác giả xuất sắc trong việc sưu tầm, nghiên cứu và sáng tác dân ca” tại Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ II - 2013, người ta vẫn thấy được tâm sự của một Cao Xuân Thưởng về những lo toan về ví, giặm Nghệ Tĩnh.
 
Ông nói: Dân ca ví, giặm được công nhận là di sản đó là niềm hãnh diện, niềm tự hào của người xứ Nghệ nói riêng và cả nước nói chung. Nhưng đồng nghĩa với sự công nhận là chúng ta - người dân đang sở hữu và gìn giữ di sản có ý thức hơn về vai trò và trách nhiệm rất quan trọng của mình".
 
Ông nhận định: Hiện nay, môi trường diễn xướng truyền thống của ví, giặm có nguy cơ mai một. Nhưng nguy cơ không có nghĩa là sẽ không thể tồn tại. Nó chỉ mất nếu người làm văn hoá không biết cách thay đổi hình thức diễn xướng cho phù hợp với thời đại, tức là phải làm thế nào vừa giữ được bản sắc truyền thống nhưng phải thay đổi đúng với nhịp sống xã hội.
 
Chẳng hạn: Ngày xưa có hội đình làng, còn ngày nay thì có hội mừng Đảng, mừng xuân, chào mừng kỷ niệm Quốc khánh, Tết Trung thu… hay trong làng, xã vẫn có hội phụ nữ, hội nông dân, CLB dưỡng sinh… Tất cả những dịp ấy, chúng ta có để đưa môi trường diễn xướng của dân ca ví, giặm truyền thống vào.
 
Với nhịp độ thay đổi của đời sống hiện nay, để dân ca ví, giặm tồn tại cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, mỗi thế hệ đều có trách nhiệm tiếp nhận nó để bảo tồn và phát triển cho phù hợp xu thế thời đại. Mà trước tiên, người làm văn hoá cần phải thay đổi nhận thức, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quá trình nghiên cứu, hiểu được người dân bây giờ họ cần đời sống văn hoá như thế nào?… Đồng thời đầu tư thỏa đáng cho việc bảo tồn và phát triển dân ca ví, giặm; tổ chức tuyên truyền, quảng bá rộng rãi dân ca ví, giặm dưới nhiều hình thức và phương tiện chuyển tải.

Kiều Nga

Các tin khác