Văn hóa - Giáo dục
17633
Giáo dục quốc phòng trong trường phổ thông
08:05, 02/01/2012 (GMT+7)
Giáo dục quốc phòng là môn học nằm trong chương trình dạy học của các trường THPT và là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục quốc phòng toàn dân. Tầm quan trọng của môn học này là ở chỗ góp phần giáo dục thế hệ tương lai của đất nước có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Môn học này còn có tác dụng rèn luyện tác phong nghiêm túc, tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật trong học sinh. Mặc dù có vai trò, vị trí quan trọng như vậy nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, chất lượng dạy và học môn giáo dục quốc phòng trong nhà trường THPT thời gian qua còn bị xem nhẹ.
Trong những năm học trước, môn giáo dục quốc phòng được các trường tổ chức dạy học tập trung trong thời gian khoảng 1 tuần vào đầu học kỳ 1 hoặc học kỳ 2. Lý do các trường đưa ra khi chọn giải pháp học tập trung là để tạo điều kiện về mặt thời gian cho những môn học chính khóa. Giáo viên giảng dạy cả phần lý thuyết và thực hành là cán bộ, sỹ quan được mời từ các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn gần trường.
Do số lượng ít, chỉ từ 3 đến 4 người, mỗi người chỉ phụ trách công tác giảng dạy của 1 khối lớp nên chất lượng dạy và học không cao. Tình trạng “học trước quên sau” của học sinh diễn ra khá phổ biến. Từ năm học 2008 - 2009, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, ở các trường THPT, môn giáo dục quốc phòng được tổ chức dạy và học theo phân phối chương trình, thời lượng dành cho bộ môn này được kéo dài thêm, rải đều trong suốt cả năm học và được đánh giá, tính điểm như những môn học khác.
Do khó khăn về đội ngũ giáo viên, một số trường THPT đã triển khai theo cách: giáo viên trong trường đảm nhiệm dạy phần lý thuyết, phần thực hành được phụ trách bởi cán bộ, sỹ quan được mời từ các đơn vị quân đội.
Nhiều giáo viên của nhà trường dạy môn giáo dục quốc phòng chưa qua một trường lớp đào tạo nào, chủ yếu là giáo viên của các môn KHXH: Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân… nên chất lượng dạy và học chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Tình trạng học sinh có kiến thức lơ mơ về môn giáo dục quốc phòng là một thực tế đã và đang diễn ra.
Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, nhận thức của các nhà trường về vị trí, vai trò của bộ môn này còn giản đơn và có phần xem nhẹ. Từ đó, nảy sinh tâm lý ỷ lại vào sự giúp đỡ của các đơn vị và các cơ quan quân sự địa phương. Nhận thức của phần lớn học sinh hiện nay về vai trò của bộ môn Giáo dục quốc phòng vẫn còn hời hợt, từ đó không có động lực để phấn đấu học tốt môn học này.
Hiện nay đội ngũ giáo viên giảng dạy môn Giáo dục quốc phòng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Thậm chí có trường gần như chưa có giáo viên đã qua đào tạo về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ của môn học này dù ở bất cứ hình thức nào. Hiện trạng trên bắt nguồn từ việc ngành giáo dục nói chung, các nhà trường nói riêng chưa có những giải pháp cụ thể cho việc tạo nguồn giáo viên môn giáo dục quốc phòng từ những năm trước.
Việc đào tạo sinh viên sư phạm ngành giáo dục quốc phòng chưa thực sự mang tính chiến lược cũng góp phần dẫn tới tình trạng thiếu hụt trầm trọng giáo viên môn giáo dục quốc phòng trong trường phổ thông như hiện nay.
Bên cạnh đó, việc đầu tư mua sắm thiết bị dạy học, giáo cụ trực quan và việc chậm đổi mới phương pháp dạy học môn học đặc thù này cũng khiến cho chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng. Công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện môn học này chưa được coi trọng và thực hiện thường xuyên nên sai sót ở cơ sở chậm được chấn chỉnh kịp thời.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục quốc phòng nói chung, môn giáo dục quốc phòng trong nhà trường nói riêng, trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều văn bản, Chỉ thị về việc nâng cao chất lượng dạy và học môn học này.
Chẳng hạn như: Chỉ thị 12 CT/TW ngày 3/5/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quốc phòng - an ninh trong tình hình mới; Nghị định 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/7/2007 về công tác giáo dục quốc phòng - an ninh; Chỉ thị số 57/2007/BGD&ĐT ngày 4/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo về việc tăng cường công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trong ngành giáo dục.
Để nâng cao chất lượng dạy và học môn giáo dục quốc phòng trong nhà trường, các đơn vị trường học và Sở giáo dục cần nghiêm túc thực hiện các văn bản, Chỉ thị trên bắt đầu từ việc xác định đúng đắn vai trò, vị trí của môn học này trong nhà trường.
Từ đó có những biện pháp tương ứng, phù hợp. Cần triển khai và tổ chức thực hiện chương trình SGK Giáo dục quốc phòng - an ninh do Bộ GD&ĐT ban hành từ năm 2007, thực hiện hình thức dạy và học theo phân phối chương trình thay hình thức dạy học tập trung trong một thời gian ngắn.
Cần nhanh chóng có kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng tiến tới chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy môn Giáo dục quốc phòng theo đúng quy định. Bên cạnh đó, cũng cần triển khai các giải pháp đồng bộ khác như: quan tâm đổi mới phương pháp dạy học, tạo sự hứng thú cho học sinh đối với môn học, đầu tư mua sắm thiết bị dạy học nhằm khắc phục tình trạng dạy “chay”, học “chay”.
Đã có những ý kiến cho rằng, để thúc đẩy chất lượng dạy và học môn Giáo dục quốc phòng, nên chăng, ngành giáo dục cũng nên tổ chức các kỳ thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi đối với môn học này như những môn học khác?
Bùi Minh Tuấn