Văn hóa - Giáo dục

17830

Đi dạo chợ Xuân nhớ Tết xưa

08:46, 15/01/2012 (GMT+7)
Những năm trước, hòa vào dòng người đi chợ Tết Nguyên đán, dạo qua các điểm bán hoa, cây cảnh trên vỉa hè đường Hồ Tùng Mậu, Trần Phú, Lê Mao quanh Công viên trung tâm và dọc đầu Đại lộ Lê Nin xem thiên hạ sắm Tết. Điều làm tôi bất ngờ và thú vị là xen kẽ giữa các chợ hoa đã xuất hiện nhiều điểm viết, bán chữ thư pháp thu hút nhiều người đến xem, mua.
 
Người viết chữ hôm nay không phải là hình ảnh "Ông đồ cười với gió đông" trong bài thơ "Ông Đồ” của Vũ Đình Liên, mà là những "ông đồ trẻ", cũng khăn xếp, áo the, ngồi xếp bằng tròn trên chiếu, khom người phóng bút trên giấy điều đủ các kiểu chữ "Tâm, Hiếu, Nhẫn - Phúc, Lộc, Thọ" và các câu danh ngôn, câu đối, theo lối viết thư pháp.
 
Nội dung câu, chữ là tùy theo ý thích lựa chọn của khách hàng, với giá 100 ngàn đồng/đôi, mỗi ngày ông đồ cũng bán được vài chục đôi, có khi hơn. Khách hàng nhiều vẫn là lớp trẻ, những nam thanh, nữ tú đi mua chữ là để lấy vận may, cầu phúc, cầu duyên đầu năm mới. Một nét mới của văn hóa tâm linh đang dần được khôi phục.
 
Nhớ lại những Tết xưa của thời kỳ bao cấp, tôi cũng đã từng đi bán tranh, ảnh, câu đối ở chợ quê để kiếm tiền sắm Tết. Vào thập niên 70, 80 thế kỷ trước, hầu hết đời sống gia đình cán bộ, CNV còn khó khăn, vất vả. Ngoài giờ hành chính Nhà nước, ai cũng đều phải làm thêm nghề phụ tại gia để kiếm sống, phổ biến là bóc lạc nhân, quấn thuốc lá điếu, làm kẹo bỏ mối cho các quán, ai có điều kiện thì may mặc hàng gia công. Anh chị em cán bộ ngành văn hoá chúng tôi thì có nghề làm hoa giấy, hoa phim, vẽ tranh bán Tết…
 
Ông đồ trẻ viết chữ thư pháp
 
Tôi được anh bạn họa sỹ bày cho cách vẽ đồ họa các bức: Cuốn thư, Mâm ngũ quả, Câu đối, Lọ đúc bình… dùng trang trí trên bàn thờ gia tiên ngày Tết. Công việc thường phải tiến hành từ tháng 10 âm lịch. Cách làm cũng đơn giản, chỉ cần kiên trì, khéo tay và có khiếu thẩm mỹ là trong nhà ai cũng làm được. Khâu đầu tiên là phải chọn mẫu đẹp (do họa sỹ phác thảo), rồi phân tích màu sắc trên tranh, câu đối trổ lên các tấm mẫu bằng mê ca, hay phim chụp Xquang cũ.
 
Dùng bột oát pha keo, quét lên mẫu in xuống giấy Rôky hoặc bìa cứng theo thứ tự từ 1,2,3… sao cho các màu chồng lên nhau hài hòa thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Nội dung các câu đối là thường dựa theo năm con Giáp, nhưng phổ biến vẫn là câu "Tổ tiên công đức muôn đời rạng/ Con cháu thảo hiền vạn đại xuân!". Kiểu chữ được viết theo lối thư pháp, cách điệu từ chữ quốc ngữ trông giống chữ Hán nôm. Các bức cuốn thư, ngũ quả, lọ hoa đúc bình thể hiện theo các hoa văn, màu sắc rực rỡ cũng bắt mắt.
 
Tâm lý chung của người dân quê, dù đời sống vật chất còn khó khăn, thiếu thốn, nhưng Tết đến, Xuân về nhà nào cũng lo sắm cho bàn thờ gia tiên nhà mình một bộ tranh Tết mới. Không phải ai cũng mua được tranh ở hiệu sách, nên thường mua tranh ở chợ, giá vừa rẻ vừa hợp với túi tiền và tùy thích lựa chọn.
 
Từ rằm tháng Chạp trở đi, chợ quê ngày nào cũng họp, tôi thường "tập kết" hàng về bán ở chợ Tuần và các chợ lân cận ở quê. Nhiều lúc hàng mình làm ra không đủ, phải cất thêm của bạn bè mà vẫn tiêu thụ hết, có năm đến tận phiên 30 Tết không có hàng mà bán.
 
Ngày nay, đời sống kinh tế văn hóa của người dân đã được nâng cao, thú chơi tranh dân gian ngày Tết đang bị mai một (nếu không nói là mất hẳn). Những đồ tế khí trên bàn thờ gia tiên đã được thay thế bằng những vật liệu sang trọng, đắt tiền. Các bức hoành phi, câu đối cũng được khắc chạm cầu kỳ, công phu mang nét hiện đại. Chạnh lòng thay ngày giỗ, tết về quê thật hiếm hoi khi bắt gặp được bộ tranh Tết còn lưu giữ trên bàn thờ gia đình hay chốn từ đường dòng họ, đang trở thành thứ "đồ cổ" quý hiếm trong dân gian.
 
Thiết nghĩ với thú chơi chữ thư pháp bày bán ở chợ, hay cách cho chữ ở câu lạc bộ Hán Nôm trong các lễ hội văn hóa tâm linh hiện nay đang dần được phục hồi, là nét đẹp văn hóa dân tộc, cần được giữ gìn và phát huy trong đời sống hiện đại.

Lê Lân

Các tin khác