Văn hóa - Giáo dục
17815
Mai một “Làng văn hóa”
14:02, 11/01/2012 (GMT+7)
Xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương là mảnh đất có truyền thống cách mạng và có tinh thần hiếu học. Những năm 30, Võ Liệt là tâm điểm của những ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh, là cái nôi đào tạo kiến thức trẻ thời 9 năm kháng chiến. Niềm vinh hạnh ấy còn được bồi thêm bởi điều rất đáng tự hào. Nơi đây có Đền Bạch Mã, Đình Võ Liệt, những di tích lịch sử văn hóa còn được lưu giữ đến ngày hôm nay.
Là một xã có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa nhưng một hiện thực là hiện nay, xã Võ Liệt có 17 thôn thì mới chỉ có 3 thôn được công nhận là “Làng văn hóa”, trong đó có một thôn mới bị cắt khỏi danh hiệu trên. Vậy nguyên nhân do đâu?
Một ngày đầu năm 2012, chúng tôi ghé về xã Võ Liệt, không khí nơi đây rất rộn ràng. Người dân Võ Liệt hôm nay đã khác xưa nhiều. Đường sá đã được bê tông hóa. Bên cạnh cái cảnh một số hộ dân “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, giờ đây trung tâm dịch vụ buôn bán mọc lên rầm rộ, có nhiều ngành nghề phát triển. Người dân Võ Liệt đã biết kết hợp trồng sắn, trồng chè và cây lâm nghiệp như cây keo nên đời sống của bà con tương đối ổn định. Kinh tế phát triển kéo theo nhiều vấn đề nhức nhối trong việc đảm bảo an ninh trật tự.
Cũng như nhiều thôn trong các xã của huyện Thanh Chương, năm 2000, thôn Trung Đức, xã Võ Liệt được công nhận “Làng Văn hóa”. Đây là thôn có nhiều trung tâm dịch vụ buôn bán. Đời sống người dân tương đối đồng đều. Trước khi công nhận “Làng văn hóa”, nhân dân có đầu tư xây dựng 1 km đường nhựa. Thôn Trung Đức có nhiều cơ quan, trường học đóng trên địa bàn.
Thôn Trung Đức không còn là “Làng văn hóa”
Người dân nơi đây rất quan tâm đến sự học hành của con cháu. Trong thôn đã kết nạp được nhiều đảng viên trẻ. Cùng với thôn Trung Đức, năm 2006, thôn Khai Tiến cũng được công nhận “Làng văn hóa”. Thôn Khai Tiến chủ yếu làm thuần nông, con người Khai Tiến chịu khó, cần mẫn trong sản xuất. Ở trong thôn có tổ tự quản hoạt động mạnh, hàng quý có sinh hoạt. Chi bộ trong thôn rất quan tâm, chăm lo đến đời sống của bà con.
Là một thôn có ý thức trong lao động sản xuất, bên cạnh trồng lúa còn biết kết hợp trồng sắn, trồng chè, keo... mở mang dịch vụ. Đường bê tông hóa khép kín, người dân trong thôn đoàn kết gom góp xây dựng hội trường của thôn với kinh phí 100 triệu. Chính vì thế, thôn Tân Hà, Võ Liệt được xem như một thị tứ.
Năm 2010, thôn được công nhận “Làng văn hóa”. 3/17 thôn của xã Võ Liệt được công nhận “Làng văn hóa” là một con số ít ỏi. Đã vậy đầu năm 2011, thôn Trung Đức bị cắt khỏi danh hiệu này. Trực tiếp trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Thắng - Trưởng Ban Văn hóa xã Võ Liệt cho biết: “Thôn Trung Đức có dân số đông, chiếm 1/10 của xã, sở dĩ bị cắt khỏi danh hiệu “Làng văn hóa” là do trong thời gian qua ban chỉ đạo huyện về kiểm tra thì trong thôn có 3 hộ có người sinh con thứ 3”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, không chỉ trong thôn có người vi phạm sinh con thứ 3 mà ở thôn nói riêng và xã Võ Liệt nói chung tình hình an ninh tương đối phức tạp. Bác Trần Văn Thìn, thôn Lam Giang chia sẻ: “Trước hết là vấn đề nhận thức của người dân chưa có. Việc xây dựng “Làng văn hóa” phải thường xuyên, nhưng ở đây nội dung hoạt động và con người cụ thể là không có.
Trong xã có rất nhiều đối tượng nghiện hút hêrôin mà chủ yếu tập trung ở thôn Trung Đức. Vào mùa lễ hội đền Bạch Mã vừa mang sắc thái tâm linh, lưu giữ nét đẹp văn hóa nhưng có nhiều người lợi dụng xen vào hoạt động kinh tế. Rồi đình Võ Liệt được trồng tu, công trình vệ sinh chưa đưa vào sử dụng thì đã hỏng...”.
Ông Bùi Xuân Lĩnh - Trưởng Công an xã Võ Liệt cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã có 18 đối tượng nghiện ma túy, 13 đối tượng nghi nghiện, 3 đối tượng nghi buôn bán ma túy. Chủ yếu là ở thôn Trung Đức. Đây là địa bàn có quốc lộ 46 và tỉnh lộ 533 đi qua nên có rất nhiều đối tượng nghiện lạ mặt thường xuyên sử dụng tiêm chích dọc 2 bên đường và khu vực bến bãi nơi vắng người qua lại.
Năm 2011, Ban Công an xã đã truy đuổi thu giữ 1 chiếc xe máy của đối tượng nghiện hút tại địa bàn thôn Trung Đức giao cho Công an huyện điều tra xử lý. Hiện, Công an xã đã triệu tập những người nghiện để làm cam kết công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để đề xuất đưa đi cai nghiện tập trung 2 đối tượng và tổ chức cai nghiện tại cộng đồng 4 đối tượng, số còn lại đều được cai nghiện tại gia đình”.
Bên cạnh ma túy thì trong năm 2011, điều mà người dân quan tâm là tình trạng trộm cắp tài sản và cố ý gây thương tích có chiều hướng gia tăng đến mức báo động. Ban Công an xã đã điều tra giải quyết 7 vụ, 7 đối tượng, trong đó chuyển về thôn hòa giải 1 vụ, xử lý hành chính tại địa phương 4 vụ với số tiền thu phạt 2.650.000 đồng.
Như vậy, có thể thấy tình hình kinh tế phát triển, kéo theo những tệ nạn xã hội hoành hành. Những nét văn hóa đang ngày dần bị mài mòn. Thiết nghĩ, để phát huy những giá trị vốn có của nó cũng như việc xây dựng “Làng văn hóa” bên cạnh ý thức chấp hành của mỗi người dân là sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành chuyên trách. Một “Làng văn hóa” là một làng phải đạt đầy đủ tất cả những tiêu chí của nó.
Phan Tuyết