Văn hóa - Giáo dục

17844

Gieo chữ giữa đại ngàn

10:00, 13/01/2012 (GMT+7)
Theo chân một già bản cùng các thầy cô giáo, chúng tôi mang ba lô, cơm nắm và các loại thuốc chống vắt cắn, muỗi rừng bắt đầu hành trình tới xã Mai Sơn, huyện Tương Dương. Nhìn từ xa, Mai Sơn giống như một chiếc giỏ phong lan treo lơ lửng bên lưng chừng núi trong sương mù mờ ảo.
 
Cả đoàn cuốc bộ xuyên rừng gần 4 tiếng đồng hồ, sau đó lên thuyền chạy liên tục hơn nửa ngày trên dòng Nậm Nơn. Xuống thuyền lại cuốc bộ vượt dốc, lội suối, mọi người đã mệt nhừ khi hoàng hôn buông xuống mà vẫn chưa gặp được dân bản.
 
Khi bóng tối đã phủ kín núi rừng, chúng tôi dừng chân, vào nghỉ qua đêm tại một gia đình dân tộc Mông. Bên ánh lửa bập bùng, già bản đưa đôi mắt mơ màng nhìn vào cánh rừng bóng đêm đặc quánh, ông nói giọng khàn khàn: “Giàng ơi, các cô giáo à phải cẩn thận canh chừng bọn trai bản đi “bắt vợ” đó hớ...”. Nghe già bản nói vậy, mấy cô giáo trẻ lo lắng suốt đêm không chợp mắt.
 
Tiếng gà gáy lao xao vang lên trong bản, vừng Đông đã ửng hồng, cả đoàn lại tiếp tục lên đường. Chúng tôi đến xã Mai Sơn vào buổi trưa, các già bản và đoàn thanh niên đón tiếp rất niềm nở. Bữa ăn có vò rượu cần, măng rừng, mộc nhĩ và cá suối to bằng ngón tay. Già bản Vàng A Sừng nói giọng cảm động: “Các già làng ở Phá Kháo, Huồi Tụ đã đi với các cụ gần hết, già cũng sắp ra đi rồi. Ta cầu mong thần linh cho bọn trẻ học giỏi cái chữ để chống cái đói, cái nghèo, bệnh tật”.
 
Tại một miền quê cách xa trung tâm huyện Tương Dương chưa đầy 50 cây số mà chuyện dựng vợ gả chồng giống như ở vùng thổ dân xa xưa. Theo hủ tục người Mông, con trai nhìn thấy con gái “bắt mắt” là tìm cách tán tỉnh “vác” chạy về nhà, báo cho gia đình biết là đã “hỏi” được vợ. Nhiều thanh thiếu niên các bản người Mông ở Phá Kháo, Piêng Cọc “bắt vợ” lúc các em gái mới 13, 14 tuổi nên nạn tảo hôn xảy ra như cơm bữa.
 
Mỗi khi có học sinh nữ nào bị con trai “bắt” đem đi, mấy trẻ lại bỏ trường, bỏ lớp chạy theo tiếng gọi của “tình yêu”. Rồi lắm người sinh con rất sớm, có em mới bước vào tuổi 15 đã lấy chồng sinh con trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn. Đêm về, lời ru con của người Mông sao mà buồn thiu bên dòng Nậm Nơn.
 
Nhưng điều đáng mừng là mấy năm gần đây, có tổ phổ biến giáo dục pháp luật của Sở Tư pháp lên Tương Dương, đi tới các bản gặp già làng, nói cho già hiểu Luật hôn nhân và gia đình… Qua đó, già làng trưởng bản đã “truyền chỉ” lại cho con cháu, bỏ dần hủ tục tảo hôn. Và các em đã hiểu ra, không một mình với con trai sớm, tránh để bị “bắt vợ”. Nhiều em đã chăm học và đi học đông hơn nên phong trào thi đua học tập tốt ở Mai Sơn đã dần dần được nhen nhóm.
 
Thầy Trần Trọng Nghĩa, người được xem là cao tuổi nhất, gắn bó lâu nhất với người Mông trong số những giáo viên của Trường THCS xã Mai Sơn, tâm sự: “Còn nhớ, những năm trước đây, có nhiều học sinh đang học trong lớp, giờ ra chơi bị bắt đi làm vợ, vì thế mà các lớp học số học sinh bị giảm dần. May mà UBND huyện và phòng giáo dục đã chỉ đạo giáo viên, các trường học có biện pháp ngăn ngừa kiên quyết, đã sớm ngăn chặn được phần nào.
 
Các thầy cô giáo cũng phải góp tay, dịp nghỉ hè nán ở lại với học sinh để có thêm thời gian đi vận động các em không bỏ học, bồi dưỡng thêm kiến thức xã hội về xây dựng gia đình lúc nào là đúng nhất, để các em hiểu thế nào là hạnh phúc, là làm vợ. Nhờ vậy, đã có chuyển biến tích cực giúp các em xây dựng gia đình theo Luật hôn nhân gia đình”.
 
Trường THCS xã Mai Sơn nằm bên cạnh khe Pén dòng nước trắng xóa chảy réo rắt. Chúng tôi tới thăm khu nhà ở của giáo viên, đó là những ngôi nhà được thưng bằng ván gỗ tạm, bữa cơm đạm bạc thường chỉ có rau rừng và cá bắt ở khe, suối hoặc cơm chan nước mắm, xì dầu mang từ dưới xuôi lên.
 
Thầy Hiệu trưởng nói: “Ăn uống kham khổ, tất cả cũng vì học sinh thân yêu, chúng còn bé dại thơ ngây quá. Mấy ngày nay trường cử 2 tốp giáo viên vào các bản vùng cao, vùng xa của người Mông đã vận động được 20 gia đình cho con em được tiếp tục đi học, phấn khởi quá…”.
 
Tại miền rẻo cao xa xôi này thời tiết khắc nhiệt, nhiều lần các thầy cô đi vào bản để gặp gia đình học sinh vận động cho các em đến trường. Từ trường vào tới được Phá Kháo phải đi mất cả ngày đường, lại trèo dốc cao suối sâu đến đứt hơi, trời đang nắng to, bỗng đổ mưa lớn. Nước từ thượng nguồn dồn về dòng khe Pén trong chốc lát trở nên hung hãn dâng sóng réo dữ dội.
 
Các thầy cô phải chạy thật nhanh trèo lên cây cao để tránh bị nước lũ cuốn trôi. Rồi vào được tới bản có khi phải chờ mấy ngày vì các em đang đi làm rẫy. Gặp được học sinh rồi, nhiều bà con lại không muốn cho con em theo học. Nhưng với sự nhiệt tình và bằng cả tấm lòng nhân ái, các thầy cô đã thuyết phục được gia đình, đưa nhiều em ở bản Phá Kháo, Piêng Cọc xuống núi đi học.
 
Thầy giáo Nguyễn Quý Mạnh chia sẻ: “Chúng tôi còn phải lấy tiền lương mua sắm bút giấy, sách vở cho các em, vì đa số các em đi học không mang theo”. Thầy Nguyễn Cẩm, quê Yên Thành, là người đã dạy học ở Trường Mai Sơn nhiều năm xúc động nói: “Một lần tôi thấy em Vàng Bá Mùa học rất sáng dạ, hôm nào đi học cũng chỉ mặc một chiếc áo mỏng. Hỏi ra mới biết Mùa chỉ có mỗi một chiếc áo. Tối hôm đó tôi đã mang cho Mùa chiếc áo len. Sáng mai giờ lên lớp không thấy Mùa đâu, có học sinh nói “Thằng Mùa bỏ học về Phá Kháo rồi vì sợ mất áo đẹp...”.
 
Dọc khe Pén có những túp lều nhỏ lợp lá bên triền đồi, đó là “ký túc xá” của học sinh người Mông, người Khơ Mú. Tại trường chỗ ở bán trú cho các em không đủ, nhiều gia đình đã dựng những căn lều tạm để con em trú ngụ, học hành. Căn lều chỉ rộng chừng 3 - 4 m2 đủ để kê một chỗ ngủ và gác tấm gỗ nhỏ cho các em ngồi học.
 
Dù khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng các em học sinh đã chấp nhận xa mái ấm gia đình để đi tìm con chữ. Và, biết bao thầy cô giáo đã tình nguyện lên Mai Sơn khi mới mười tám đôi mươi để dạy học. Có người gắn bó gần chục năm vẫn chưa về xuôi, nhiều cô nói tiếng Mông rành như người bản xứ.
 
Mỗi dịp Xuân về, các thầy cô giáo lại tạm xa học trò để về xuôi ăn Tết với gia đình, khi chia tay cô trò đều khóc. Thương lắm những em học sinh, sinh ra tại những miền quê mà điều kiện kinh tế còn gặp khó khăn. Mặc dù vậy, các thầy cô giáo cùng các em vẫn đồng cam cộng khổ vươn lên. Với suy nghĩ là cho học chữ để “không thành tài cũng thành nhân” sớm trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
 
Việc gieo con chữ cho đồng bào ở miền núi cao, vùng sâu vùng xa còn biết bao đỗi thiếu thốn về vật chất của đời thường. Khó khăn là vậy, nhưng vì những học sinh nghèo hiếu học nơi đây, vì sự nghiệp trồng người như Bác Hồ đã căn dặn, các thầy cô giáo ở Trường THCS Mai Sơn vẫn không lùi bước trước khó khăn để gieo những hạt mầm tri thức nơi núi cao rừng thẳm.

Lê Hoa

Các tin khác