Văn hóa - Giáo dục

Cần chú trọng quá trình rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên tương lai

13:52, 02/03/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong những ngày qua, clip “Thầy trò đánh nhau trên bục giảng” nhanh chóng lan truyền trên mạng internet gây xôn xao dư luận. Trong vụ việc trên, chưa bàn tới những “vết rạn” đáng lo trong mối quan hệ thầy trò, cách hành xử của người giáo viên trẻ cho thấy những “lỗ hổng” về kỹ năng xử lý tình huống sư phạm trong từng hoàn cảnh cụ thể. Từ đây đặt ra vấn đề về tầm quan trọng của quá trình rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên tương lai nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học trong tình hình mới, cũng như các yếu tố “chuẩn hóa” về nghề nghiệp do Bộ GD&ĐT quy định...
 
Do là một nghề có nhiều nét đặc thù, người giáo viên tốt không chỉ cần có năng lực chuyên môn mà còn cần có nghệ thuật sư phạm khéo léo, linh hoạt. Tuy nhiên, có một thực tế đã tồn tại bấy lâu nay là việc giảng dạy trong các trường sư phạm đang chú trọng nhiều đến năng lực học tập mà chưa quan tâm đúng mức đến việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Trong khi đó, chương trình đào tạo sư phạm còn mang nặng tính hàn lâm, lí luận về phương pháp dạy học chưa thực sự gắn với thực tiễn. Không ít sinh viên sư phạm hiện nay còn có quan niệm phiến diện rằng: Cứ học giỏi là có thể dạy tốt. Chính vì vậy, việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm có phần bị sao nhãng. Qua tìm hiểu thực tế các đợt thực tập của sinh viên sư phạm ở một số trường THPT cho thấy, không ít sinh viên có kiến thức chuyên môn khá tốt nhưng lại tỏ ra lúng túng, máy móc trong việc xử lý các tình huống sư phạm cụ thể.
 
Cần tăng cường quá trình rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho các giáo viên tương lai ngay khi còn học tập trong giảng đường đại học sư phạm - Ảnh minh họa
Cần tăng cường quá trình rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho các giáo viên tương lai ngay khi còn học tập trong giảng đường đại học sư phạm - Ảnh minh họa
Theo quy định hiện hành, thời gian thực tập của sinh viên sư phạm tại các trường phổ thông thường kéo dài từ 3 - 4 tháng. Khoảng thời gian eo hẹp này là không đủ để sinh viên rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, nâng cao khả năng giảng dạy để có thể đáp ứng được yêu cầu thực hành sau khi ra trường. Cũng do xuất phát từ việc xem nhẹ đào tạo nghiệp vụ sư phạm mà ngay trong các nhà trường, việc sắp xếp đội ngũ giảng viên chuyên giảng dạy về nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm cũng còn nhiều hạn chế. Thực tế trên xuất phát từ quan niệm cho rằng: Giảng dạy về nghiệp vụ, phương pháp sư phạm không phải là một ngành khoa học mà đơn giản chỉ là rèn luyện một số kỹ năng nghề nghiệp nên ai cũng có thể dạy được, miễn là có trình độ khoa học cơ bản. Phần lớn đội ngũ giảng viên sư phạm chưa từng dạy qua phổ thông nên còn thiếu kinh nghiệm thực tế. Trong khi việc dạy và học ở các trường phổ thông muôn màu, muôn vẻ thì sinh viên hầu như không được xem giảng viên giảng mẫu. Giảng viên có thể hướng dẫn về lí thuyết cho sinh viên của mình cách thức dạy một tiết học ở trường phổ thông như thế nào, nhưng nếu yêu cầu giảng viên thực hành giảng mẫu một tiết về một bài học cụ thể trong chương trình cho sinh viên xem thì nhiều người lại không làm được.
 
Hiện tại cả nước có trên 100 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, 14 trường đại học sư phạm, 39 trường cao đẳng sư phạm. Số lượng chỉ tiêu đào tạo sinh viên hệ sư phạm hằng năm lên tới hàng trăm nghìn. Đó là chưa kể những cơ sở được phép cấp chứng chỉ sư phạm cho các học viên chỉ sau thời gian học từ 4 - 6 tháng. Mỗi năm, có một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường, trong khi nhu cầu giáo viên ở các cấp học ở nhiều địa phương đã có dấu hiệu bão hòa, việc tuyển sinh đào tạo khối ngành sư phạm khá tràn lan như hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ tới cơ hội tìm việc làm của sinh viên do tình trạng “cung” vượt quá “cầu”. Điều này đã tác động tiêu cực tới chất lượng đầu vào của sinh viên sư phạm khi nhiều học sinh có học lực khá, giỏi không đăng kí dự thi. Trước thực trạng đó, để nâng cao chất lượng đầu vào và thu hút người tài quan tâm đến ngành sư phạm, trước hết cần đảm bảo cơ hội tìm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường, nhất là với những sinh viên có học lực khá, giỏi. Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm hằng năm nhất thiết phải dựa trên nhu cầu thực tế của từng địa phương, đối với từng môn học cụ thể, tránh tình trạng tuyển sinh ồ ạt nhưng sinh viên ra trường thất nghiệp hàng loạt.
 
Quá trình đổi mới giáo dục hiện nay cũng đặt ra cho các cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm yêu cầu phải thay đổi cách thức đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho người giáo viên tương lai. Theo đó, đào tạo sinh viên ngành sư phạm cần kết hợp đủ cả ba yếu tố, bao gồm: Kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm và đạo đức nghề nghiệp. Trong quá trình đào tạo, cần dành thời lượng phù hợp cho việc thực tập của sinh viên, giúp họ có ý thức và khả năng thực hành. Đồng thời, ưu tiên đào tạo những “kỹ năng mềm” cần thiết như: Khả năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng xử lý linh hoạt từng tình huống sư phạm cụ thể…, giúp cho sinh viên sư phạm sau khi ra trường có thể tự tin đảm nhận nhiệm vụ. Việc không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đối với sinh viên sư phạm sẽ góp phần không nhỏ vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đặc biệt, điều này càng có ý nghĩa khi thời gian tới, ngành GD&ĐT bắt tay vào việc thực hiện chiến lược đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục.

Minh Tuấn

Các tin khác