Kỳ 3: Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông: Thước đo lòng yêu nước của mỗi người Việt Nam
Tiếp theo kỳ 3
Tiếp theo kỳ 3
Bốn là, duy trì, thúc đẩy trao đổi song phương với Trung Quốc, mở rộng trao đổi đa phương với các nước trong và ngoài khu vực về những vấn đề liên quan đến Biển Đông. Như trên đã trình bày, Việt Nam không bao giờ liên kết với các nước khác để chống các nước láng giềng.
Việt Nam cần phải và có thể trao đổi, hợp tác rộng rãi với các nước và với các tổ chức quốc tế để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình và việc đó hoàn toàn phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc với hệ thống luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế. Không một quốc gia nào có quyền cản trở việc Việt Nam trao đổi, hợp tác đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế nghiên cứu Biển Đông.
Phải xem những hoạt động cản trở Việt Nam hợp tác đa phương trong nghiên cứu Biển Đông là hành động can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Lực lượng hải quân Việt Nam tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo |
Năm là, củng cố quan hệ với Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy và mở rộng quan hệ với Nhật Bản, các nước ASEAN, Hoa kỳ, Ấn Độ, Nga, EU, Oxtrâylia và các tổ chức quốc tế. Việt Nam tôn trọng quan hệ bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước, các tổ chức quốc tế và bạn bè trên thế giới.
Điều đó không có nghĩa là chia đều, bình quân trong quan hệ quốc tế, mà cần xác định các trục chính, các quan hệ nền tảng, cơ bản. Từ khi thực hiện đường lối cải cách, mở cửa (12/1978), lãnh đạo Trung Quốc (từ Đặng Tiểu Bình đến Giang Trạch Dân, Chu Dung Cơ, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo) nhất quán đặt quan hệ Trung - Mỹ là quan hệ nền tảng, quan hệ của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới không được ảnh hưởng xấu đến quan hệ Trung - Mỹ.
Trong thời gian tới: ''Trung Quốc sẽ tiếp tục quan hệ với Mỹ, coi đây là trọng điểm trong trọng điểm đối ngoại của Trung Quốc'', Hồ Cẩm Đào cho rằng: Ưu thế của cường quốc Mỹ trên trường quốc tế biến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trở thành ''sợi chỉ đỏ trong chiến lược, chính sách đối ngoại của Trung Quốc''.
Đối với Việt Nam, phải chăng: Quan hệ Việt - Trung, Việt - Mỹ và Việt - Nhật là ba mối quan hệ nền tảng; Quan hệ Việt - ASEAN, Việt - Nga và Việt - Ấn Độ là các quan hệ đặc biệt quan trọng? Trong khi củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc, Việt Nam mới chỉ khai thác được phần rất nhỏ trong quan hệ với Hoa Kỳ.
Cho đến nay, Việt Nam chỉ khai thác được phần rất nhỏ trong quan hệ với Nhật Bản, quan hệ Việt - Nhật còn dư địa rộng rãi cho phát triển quan hệ song phương toàn diện. Đồng thời phải củng cố và thắt chặt quan hệ với Nga, Ấn Độ, các nước ASEAN, đặc biệt với Lào và Campuchia.
Sáu là, cuối cùng nhưng quan trọng nhất, quyết định nhất, Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh, nhất là ở cấp hoạch định và chỉ đạo quyết sách quốc gia.
Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí và sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “đang cản trở việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, gây bất bình và làm giảm lòng tin trong nhân dân” và “Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”. Hiện nay “Đảng và Nhà nước ta coi tham nhũng và lãng phí là kẻ thù số một của Đảng”.
Vì “Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng; vẫn còn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp”. Thoái hoá, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền…”, mà lòng dân không yên và giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý Nhà nước, xã hội phân tâm, tích dồn âm ỉ bất bình, sức mạnh của quốc gia dân tộc bị suy giảm.
Năm nay, Việt Nam kỷ niệm 712 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn. Trước khi mất Hưng Đạo Đại Vương để lại di huấn “Thời bình phải khoan thứ sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc và làm cho vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước chung sức. Đó là thượng sách giữ nước”.
Do đó, quan trọng nhất và cấp bách nhất hiện nay là khắc phục yếu kém tha hoá bên trong bộ máy Đảng, Nhà nước làm cho Đảng mạnh, Nhà nước mạnh, tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, quy tụ lòng dân, tạo ra sức mạnh của cả dân tộc để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đó là vận dụng “Kế sách giữ nước” của Hưng Đạo Đại Vương trong thời đại ngày nay.
Một quốc gia đất không rộng, người không đông, nếu quốc gia đó có được tâm thế trên dưới đồng lòng, anh em hoà thuận, lãnh đạo quốc gia sáng suốt, hết lòng vì lợi ích của đất nước, của người dân, được nhân dân tôn trọng, tin tưởng, thì quốc gia đó sẽ được bè bạn kính nể và buộc thế lực ngoại bang, dù có to lớn đến đâu cũng phải suy tính trước khi có hành động xâm phạm lợi ích sống còn của quốc gia đó.
Trong hơn hai ngàn năm trăm năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã chiến đấu và chiến thắng các đạo quân xâm lược lớn mạnh hơn mình nhiều lần (Tống, Nguyên - Mông, Minh, Thanh, Pháp, Mỹ). Tại sao một dân tộc nhỏ thắng kẻ địch to và mạnh hơn? Trong lịch sử nhân loại, mọi đế quốc, dù hùng mạnh bao nhiêu cũng có những chỗ yếu, điểm yếu.
Các cường quốc thế giới hiện nay cũng không phải là ngoại lệ. Phía sau ánh hào quang của quốc lực mà họ phô diễn, ra oai, có nhiều vùng tối, những điểm yếu không hề nhỏ. Do đó, không có gì phải sợ, quan trọng là tỉnh táo, sáng suốt biết rõ chỗ mạnh và hiểu thấu chỗ yếu của kẻ mạnh.
Lịch sử văn minh nhân loại hơn 5.000 năm đã chứng minh sự đúng đắn ý kiến của Lê Lợi: “Đất nước thịnh vượng tất cả ở việc cử hiền. Người làm vua thiên hạ phải lo việc đó trước tiên”. Ý kiến của Lê Lợi có giá trị như một nguyên tắc vĩnh hằng trong giữ nước, dựng nước đối với mọi quốc gia ở mọi thời đại.
Hiền tài đất nước không bao giờ thiếu. Chỉ có minh quân mới thực hiện được việc “cử hiền” và chỉ có “cử hiền” đưa hiền tài vào vị trí hoạch định và chỉ đạo quyết sách quốc gia thì đất nước mới cường thịnh, mới bảo vệ được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Đại hội XI của Đảng CSVN đã thảo luận và quyết định những việc trọng đại của đất nước trong 5 - 10 năm tới, trong đó quan trọng nhất là đưa những người tài cao, đức cả vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Đó là sứ mệnh lịch sử của Đảng CSVN trong giai đoạn mới, và cũng là món nợ lớn mà Đảng còn mắc nợ dân tộc Việt Nam.
Lê Văn Cương
.